Giải pháp để ngành mía đường nâng cao năng suất, phát triển bền vững
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành mía đường đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Vậy làm thế nào để ngành mía đường nâng cao năng suất, phát triển bền vững?
Cơ hội và thách thức lớn trước mắt và lâu dài đối với ngành mía đường là cạnh tranh gay gắt hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Ngành mía đường của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ gian lận thương mại, buôn lậu, biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA theo lộ trình từ đầu năm 2020 tới.
Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60%. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp.
Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, đây là mức tồn kho kỷ lục từ trước đến nay. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Nhiều nhà máy phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020.
Ông Thạch Phước Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, trước đây tỉnh có khoảng 4.500 - 5.000 ha diện tích đất trồng mía đường, đời sống của người dân và công ty mía đường phát triển rất tốt và là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, gần đây giá mía giảm sâu khiến đời sống bà con vô cùng khó khăn.
Chi phí đầu tư mỗi 1.000m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng việc này cũng không hề đơn giản. Từ 4.500ha diện tích đất trồng mía trên toàn tỉnh hiện đã giảm giảm xuống mạnh còn 3.500ha.
Cơ hội và thách thức lớn trước mắt và lâu dài đối với ngành mía đường là cạnh tranh gay gắt hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cạnh tranh quyết liệt của cây trồng khác; tình trạng khan hiếm và thiếu lao động trong nông nghiệp, trước hết lao động thu hoạch mía.
Theo các chuyên gia, để ngành mía tồn tại, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, thì các bộ, ngành, địa phương và nhà máy cần tập trung cơ cấu lại ngành mía đường nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập theo cơ chế thị trường.
Sản xuất đường tinh luyện tại Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Phú Yên)
Ðặc biệt, tập trung cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lời. Trong đó, cơ cấu lại khâu nghiên cứu và tổ chức sản xuất giống (hình thành lại hệ thống giống 3 cấp); phấn đấu sau năm 2020 chấm dứt tình trạng dân tự để giống để trồng mới.
Mặt khác, cần cơ cấu lại giá mía nguyên liệu theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà máy với nông dân theo tỷ lệ 70/30; cơ cấu lại công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.
Phấn đấu giá đường xuống dưới 10.000 đồng/kg. Cơ cấu lại hệ thống thương mại, tiêu thụ, bán lẻ theo thị trường, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước nhằm ổn định sản xuất, bình ổn thị trường giá cả trong nước, chia sẻ lợi ích giữa sản xuất và tiêu dùng (hiện nay chênh lệch giữa giá bán lẻ trên thị trường với giá bán tại nhà máy từ 3.000 đến 3.500 đồng/kg, có thời điểm cao nhất khoảng 5.000 đồng/kg).
Cơ cấu lại doanh nghiệp, từng bước hình thành doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ; gắn công nghiệp chế biến đường với công nghiệp chế biến thực phẩm và nước giải khát. Ðồng thời, lực lượng chức năng cần triển khai có hiệu quả các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường cũng như người trồng mía…
Hòa Lê (T/h)