Ảnh hưởng của mẫu nhập và một số yếu tố môi trường nuôi cấy đến hiệu quả nhân giống hoa hồng (Rosa hybrida L.) in vitro
Đề tài do các tác giả Phạm Xuân Tùng, Mai Thị Thủy (Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) thực hiện nghiên cứu nhân in vitro (trong ống nghiệm) một số giống hoa hồng phổ biến nhằm xây dựng quy trình sản xuất giống sạch bệnh. Để hoàn thiện quy trình nhân giống hoa hồng in vitro, một số thí nghiệm đã được bố trí để khảo sát hiệu quả của loại mẫu nhập, ảnh hưởng của một số chất điều hòa sinh trưởng đến khả năng tái sinh, nhân nhanh chồi in vitro tái sinh bộ rễ của chồi in vitro.
Theo đó, nhập mẫu bằng mắt có tỷ lệ sống, sạch
nhiều hơn so với đỉnh sinh trưởng, tỷ lệ mẫu sống, sạch tăng tỷ lệ thuận với
nồng độ BA từ 2,5 đến 3,5 mg/l nhưng trong nghiên cứu này vẫn chưa xác định
được nồng độ BA để nhập mẫu tối ưu. Trong giai đoạn nhân nhanh, môi trường MS +
2,0 mg/l BA + 0,5 mg/l kinetin + 0,01 mg/l NAA là thích hợp để tạo cụm chồi với
các chồi khỏ mạnh. BA có hiệu quả tái sinh chồi hoa hồng tốt hơn kinetin, trong
khi kinetin ở nồng độ 0,5 - 1,0 mg/l có tác dụng cải thiện chất lượng chồi. IBA
có tác dụng kích thích tái sinh rễ trên chồi hoa hồng in vitro tốt hơn hẳn NAA;
ảnh hưởng của IBA diễn ra sớm hơn ngay từ tuần đầu sau khi cấy chồi lên môi
trường; bên cạnh đó, nuôi trong tối một tuần trước khi chuyển ra nuôi sáng liên
tục có tác dụng tốt tăng chiều dài rễ của chồi hoa hồng in vitro. Hàm lượng
khoáng MS giảm từ ½ còn ¼ không có ảnh hưởng rõ rệt nào đến quá trình tái sinh
rễ của chồi hoa hồng in vitro.