SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Luật sư Trần Đình Triển: Phải xử lý hình sự tội in lậu

[17/11/2011 15:05]

“Dứt khoát phải xử lý hình sự tội in lậu…” – Luật sư Trần Đình Triển khẳng định trong cuộc trao đổi với các phóng viên.

Phóng viên: - Luật quy định tội in lậu gồm: chế bản, in và gia công sau in. Như trường hợp vụ bắt sách lậu ngày 12/11/2011 vừa rồi ở Ngọc Hồi (Hà Nội) thì chủ xưởng chối tội rằng không biết nguồn gốc của lô hàng, ông ta chỉ gia công sau in. Như vậy nên gọi đúng tên của việc này là gì, thưa luật sư?

- Sách được cấp phép 3000 mà anh in 5000 thì số 2000 kia là in lậu. Sách không phải của anh, không có giấy phép, anh cố tình in giả, in lậu là trái luật pháp. Kể cả trong trường hợp anh chỉ tham gia một khâu vào quy trình trên, ví dụ chỉ in bìa, hoặc chỉ in ruột, hoặc chỉ gia công, cắt xén, đóng gói, anh làm hàng giả thì vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Bởi vì anh đã tham gia vào quá trình làm hàng giả. Còn nếu như phát hiện ra anh có thêm những đầu mối liên hệ hoặc tham gia cả quy trình, thì tức là phải xử lý phạm tội có tổ chức. Không thể coi nhẹ, xử lý thiếu nghiêm minh tội làm hàng giả, sẽ khiến cho hàng giả ngày càng ngang nhiên lấn chiếm xã hội, tạo điều kiện cho cái xấu, cái ác lên ngôi.

20111117130925_LS Tran Dinh Trien.jpg                                                     Luật sư Trần Đình Triển

- Luật xuất bản quy định xuất bản phẩm là phương tiện truyền bá tri thức, là hàng hóa cao cấp, nhưng khi có vi phạm thì lại chỉ xử phạt hành chính, bởi vì văn hóa phẩm là hàng hóa cao cấp tức là vẫn không phải hàng hóa, luật như vậy đã thực sự hợp lý chưa, thưa ông?

 - Tôi cho rằng đó chỉ là quan điểm của người thực thi pháp luật, chứ luật cũng đã quy định rõ. Hàng hóa bao gồm giá trị cấu thành từ thương hiệu và giá trị sử dụng. Cuốn sách là hàng hóa, bản thân nó có giá trị sử dụng; người mua cần đến nó mới đi mua, và được lựa chọn giữa các thương hiệu khác nhau, như vậy là có giá trị cấu thành từ thương hiệu.

Để phát triển nền kinh tế, cần có sự cạnh tranh lành mạnh. Chúng ta đã có luật cạnh tranh. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài vừa qua, không chỉ có ngành in mà tình trạng làm hàng nhái, hàng giả ở nhiều ngành, lĩnh vực đã diễn ra quá tràn lan, gây bức xúc trong xã hội, gây hậu quả vô cùng lớn.

Tình trạng này bóp chết sự cạnh tranh lành mạnh. Luật cạnh tranh trở nên vô hiệu hóa. Các nhà kinh doanh bị thiệt hại không thể đếm được. Ví dụ như mặt hàng văn hóa phẩm, để có một cuốn sách, nhà sách phải mất công tìm kiếm từ ý tưởng đến theo sát nguồn hàng, đàm phán và trả phí bản quyền, nhuận bút, thuê người biên dịch, biên tập, thiết kế, chế bản, in ấn và phát hành đến tay người đọc. Trong khi đó kẻ in lậu không cần trả bất cứ một chi phí nào, cứ việc ngang nhiên copy và bán với giá cao ngất ngưởng, nhiều trường hợp dù sách xấu, in lem nhem nhưng còn cố tình đề giá cao hơn sách thật rồi chiết khấu xuống để lừa người mua là sách rẻ.

Các lĩnh vực khoa học, xã hội khác cũng tương tự, nhà sản xuất hàng thật phải bỏ ra quá nhiều công sức và tiền bạc để đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng mỗi sản phẩm, trong khi đó bọn làm hàng giả thì ngang nhiên “hút máu” đồng loại để thu lời bất chính. Nếu chúng ta để tình trạng đó tồn tại, thì sẽ không một ai dám làm hàng thật nữa.

Khung hình phạt hành chính chỉ quy định từ 3 triệu đồng trở lên cho đến vài chục triệu cũng không là vấn đề gì đối với những kẻ in lậu; trong khi, in lậu không những là tội làm hàng giả mà còn có nhiều hành vi tương đồng với tội lừa đảo. Rõ ràng là người in lậu cố tình lừa độc giả, lừa người mua.

20111117130925_LS Tran Dinh Trien1.jpg

                Cơ quan chức năng liên tục thu giữ những số lượng lớn sách giả

Sẽ không còn ai dám viết sách, làm sách nếu tình trạng bị “ăn cắp” chất xám vẫn cứ ngang nhiên diễn ra như thế này. Lẽ ra, các nhà sách cạnh tranh với nhau để cùng tìm ra các đề tài hay, tác giả tốt, bản dịch độc đáo… rồi kinh doanh sách nhưng đồng thời chuyển tải đến người đọc những tri thức của nhân loại thì đằng này lại ngồi một chỗ rình cuốn nào tốt là hớt tay trên của nhau, thu lời khổng lồ bất chính. Tác giả thiệt hại, cơ quan xuất bản thua lỗ, nhà nước thất thu số lượng khổng lồ tiền thuế mỗi năm. Không ai dám làm sách thật nữa, khi một xã hội không còn sách vở - nguồn cung cấp, chuyển tải kiến thức, văn hóa, sự sáng tạo đến cộng đồng – thì lúc ấy sẽ là một xã hội như thế nào?

- Thời gian qua, chúng ta cũng đã chứng kiến sự cố gắng của một số cơ quan quản lý hành chính, quản lý thị trường, công an, nhưng để xử lý tình trạng làm hàng giả này thật sự còn quá nhẹ nhàng?

- Gây tác hại lớn cho xã hội như tệ nạn in lậu dứt khoát phải xử lý hình sự, khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Theo quan điểm của tôi thì các đơn vị bị làm hàng giả, kể cả là sách giả, hãy cùng đứng lại với nhau, khởi kiện ngay lập tức.

vietnamnet.vn (ntctu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ