SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ

[18/11/2011 08:14]

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Nguyễn Hữu Cần cho rằng: Trong tình hình hiện nay, khi tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng gia tăng thì một trong những yêu cầu đặt ra đối với tổ chức giám định SHTT là phải nâng cao vai trò trong việc bảo vệ các DN khi xảy ra tranh chấp, các vụ xâm phạm quyền SHTT.

Theo ông Nguyễn Hữu Cần, kết luận của giám định về SHTT là căn cứ pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT cũng như giải quyết tranh chấp về quyền SHTT.

Là cơ quan duy nhất ở Việt Nam thực hiện việc giám định về SHTT theo qui định của pháp luật. Viện đã có những hỗ trợ như thế nào cho DN trong việc thực thi quyền SHTT, đặc biệt trong trình tự xử lý các tranh chấp, giải quyết các vụ việc xâm phạm quyền SHTT, thưa ông?

Trước đây khâu giám định về SHTT gần như bị bỏ ngỏ vì chưa có tổ chức giám định thành lập, các cơ quan thực thi chưa có khả năng chuyên môn để tự đưa ra các kết luận đánh giá xâm phạm làm căn cứ ra các quyết định xử lý khiến cho các cơ quan gặp khó khăn, đồng thời việc thực thi quyền SHTT cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, kể từ khi Luật SHTT có hiệu lực thi hành năm 2005 đã quy định về giám định SHTT “là việc các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ để đánh giá, kết luận các vấn đề liên quan đến vụ việc xâm phạm quyền SHTT”. Như vậy, hệ thống giám định về SHTT nằm trong hệ thống thực thi quyền SHTT, đặc biệt là trong trình tự xử lý các tranh chấp, giải quyết các vụ việc xâm phạm quyền SHTT.

Hiện nay, giám định SHTT bao gồm các nội dung: Xác định tình trạng pháp lý, khả năng bảo hộ đối tượng quyền SHTT, phạm vi quyền SHTT được bảo hộ; Xác định các chứng cứ để tính mức độ thiệt hại; Xác định yếu tố xâm phạm quyền, sản phẩm/dịch vụ xâm phạm, yếu tố là căn cứ để xác định giá trị đối tượng quyền SHTT được bảo hộ, đối tượng xâm phạm;

Xác định khả năng chứng minh tư cách chủ thể quyền, chứng minh xâm phạm, hàng hoá xâm phạm hoặc khả năng chứng minh ngược lại của các tài liệu, chứng cứ được sử dụng trong vụ tranh chấp hoặc xâm phạm; Các tình tiết khác của vụ tranh chấp, xâm phạm cần làm rõ như: Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan; Giám định về quyền sở hữu công nghiệp; Giám định về quyền đối với giống cây trồng…

Vậy ông đánh giá như thế nào trước tình trạng ngày một gia tăng các vụ vi phạm SHTT?

Hàng năm, các lực lượng như thanh tra chuyên ngành văn hoá – thông tin, khoa học- công nghệ đã tiến hành kiểm tra hàng chục nghìn cơ sở về chấp hành các quy định sở hữu công nghiệp, xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh. Đơn cử như năm 2010 đã phát hiện gần 200 cơ sở sai phạm, buộc tiêu huỷ và loại bỏ các yếu tố vi phạm khỏi sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và phạt tiền gần 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về bản quyền xâm phạm quyền SHTT trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hoá làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện thật, giả.


Để xảy ra tình trạng vi phạm SHTT gia tăng là do phần lớn các chủ SHTT chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa có ý thức cao trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá... Hiện nay rất ít DN có bộ phận chuyên chăm lo về SHTT, hầu như chưa có doanh nghiệp nào có chiến lược về SHTT, chưa coi SHTT là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình.


Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT Nguyễn Hữu Cần

Các hành vi vi phạm này ngày càng nguy hiểm hơn ở tính chất vi phạm, có tổ chức chặt chẽ không những trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của khoa học, công nghệ đã tạo nhiều thiết bị, công cụ, phương tiện phạm tội ngày càng tinh vi nên rất khó phát hiện. Các tội xâm phạm SHTT đã gây ra hoặc đe dọa đến thiệt hại nền kinh tế của cả nước cũng như từng lĩnh vực, từng ngành, ảnh hưởng đến tài sản, sức khoẻ và tính mạng con người, tác động đến với cả cộng đồng, triệt tiêu sức sáng tạo và khiến giới đầu tư e ngại.

Do đó, việc xử lý tội xâm phạm quyền SHTTcòn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Các vi phạm quyền SHTT xảy ra ngày một gia tăng nhiều hơn nhưng khó bị phát hiện và khi bị phát hiện thì thường chỉ bị xử lý bằng các biện pháp dân sự hoặc hành chính.

Điều này cho thấy, công tác đấu tranh phòng chống tội xâm phạm SHTT hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo quyền SHTT một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp, cũng như trước các yêu cầu cấp thiết khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền SHTT trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế của mình.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, vì lợi nhuận mà nhiều cơ sở, DN sẵn sàng làm giả, làm nhái hàng hoá đã được bảo hộ, nhưng ý kiến khác lại "trách" DN chưa chú trọng bảo vệ quyền lợi của mình. Theo ông, đâu là nguyên nhân cơ bản của việc vi phạm SHTT  ngày càng gia tăng?

Đó cũng là thực tế! Nhưng tôi cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do phần lớn các chủ SHTT chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa có ý thức cao trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, trong khi trình độ và hiểu biết về tác hại của xâm phạm SHTT đối với sức khoẻ, lợi ích của cộng đồng còn rất hạn chế. Hiện nay rất ít DN có bộ phận chuyên chăm lo về SHTT, hầu như chưa có doanh nghiệp nào có chiến lược về SHTT, chưa coi SHTT là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình. Tài sản trí tuệ chưa trở thành đối tượng quản lý như quản lý tài sản thông thường.

Trong thời gian qua, các DN đã chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi, chất lượng hàng hóa nhưng lại quên mất khâu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá của mình ở những khu vực thị trường đã và sẽ phát triển. Nhiều DN chưa có ý thức trong việc phát hiện và ngăn ngừa việc làm giả các sản phẩm của mình, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát.

Có những DN do sợ bị ảnh hưởng đến doanh số và mức tiêu thụ sản phẩm, không dám công khai về sản phẩm bị làm giả. Có những sản phẩm làm giả tinh vi đến mức chính DN sản xuất cũng không phát hiện được, đến khi biết, tuy có một số biện pháp khắc phục nhưng không đáng kể, coi như “chấp nhận sống chung với hàng giả”.

baohaiquan.vn (ntctu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ