Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính
Doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường khổng lồ Trung Quốc.
Ảnh: TL
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bình quân mỗi năm (2011-2017) Trung Quốc nhập khẩu 163 tỉ USD hàng nông sản. Trung Quốc cũng đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tính theo 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bình quân mỗi năm nước này nhập khẩu 6,3 tỉ USD, chiếm 21,1% “rổ hàng nông sản xuất khẩu” của Việt Nam, nhưng cũng chỉ chiếm 3,9% “rổ hàng nông sản nhập khẩu” khổng lồ từ thị trường thế giới.
Vì thế, có thể gọi là “cơn bĩ cực” của gạo Việt tại thị trường Trung Quốc với sự sụt giảm trong 5 tháng đầu năm tới 75,4% về lượng và giảm 75,2% về kim ngạch so với cùng kỳ. Vấn đề là Việt Nam chưa có một thái độ tiếp nhận đúng đắn và cách ứng xử phù hợp với cảnh báo của nước láng giềng trước đó. Đáng nói, thông tin đã xuất hiện từ đầu năm 2018 và những động thái đột ngột dừng nhập gạo tiểu ngạch của thị trường lớn nhất thế giới này đã từng diễn ra vào năm 2014.
Việc chỉ có 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt đáp ứng được những yêu cầu không quá khắt khe từ Trung Quốc thật khó lý giải, đặc biệt khi lẽ ra nước tiêu thụ tới hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu Việt Nam phải được coi là thị trường mục tiêu. Khi nhìn vào thành tích xuất khẩu chiếm tới 40% thị phần cùng những ưu đãi vô hình dành cho hai doanh nghiệp nhà nước là Vinafood 1 và Vinafood 2, lại có thêm nhiều nụ cười chua chát. Không thể không trách họ bởi chiến lược bán nhiều, giá rẻ, thu mua đổ đống đang vô hình trung duy trì nếp làm ăn thiếu chuyên nghiệp của rất nhiều hộ nông dân, đồng thời triệt tiêu động lực làm gạo tốt, giá cao của nhiều người trồng lúa khác.
Sự dễ tính đến dễ dãi của thị trường Trung Quốc trong hàng chục năm vừa qua đã “đào luyện” cho nông nghiệp Việt cách tổ chức sản xuất thiếu chuyên nghiệp, “làm ra sản phẩm là ùn ùn chở lên biên giới, đắt rẻ đều bán được” nói như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khi trao đổi với NCĐT.
Nỗ lực của các cơ quan quản lý đã được ghi nhận nhưng chưa đủ. Hiện tại, từ gạo tới sắn, rau quả… đều gặp khó khi Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu, siết nhập tiểu ngạch, lời nhận xét thẳng thắn của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam buộc phải được lắng nghe. May thay, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để thay đổi và có lẽ, nếu lựa chọn con đường này, chúng ta sẽ không gặp quá nhiều khó khăn. “Nếu chúng ta sản xuất được sản phẩm an toàn thì Trung Quốc vẫn là thị trường rất lớn. Khả năng vài năm tới, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 4 tỉ USD”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.
Ở khâu tổ chức sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật phải được áp dụng tương ứng với từng thị trường xuất khẩu. Con tôm Việt Nam đã từng đắng cay với dư lượng thuốc kháng sinh, trái cây Việt ngậm ngùi trở về vì có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng…, chúng ta đã tích đủ trải nghiệm và không nên phải nối dài thêm danh sách đáng buồn này. Trong khâu này, quan trọng nhất là phải từng bước chủ động về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ở khâu thu hoạch, chưa cần vẽ ra viễn cảnh áp dụng cách mạng công nghệ 4.0 hay những quy định tối thiểu về việc phân loại sản phẩm theo chất lượng, mẫu mã, giá thành… Trước hết, cần nhắc lại cho người Việt về cách thức tận dụng các sản phẩm từ nông nghiệp của cha ông. Cái thời cánh đồng lúa khi thu hoạch, gạo mang về nhà, vỏ trấu ủ cùng phân bón hoặc làm chất đốt, rơm rạ đốt ngoài đồng vừa diệt sâu bọ vừa bổ sung thêm các loại khoáng chất cho đất... Lá chuối đã vào siêu thị, rơm rạ cũng xuất ngoại thành công, người nông dân đang cần những cú hích từ doanh nghiệp. Trách nhiệm của các nhà quản lý là phải tạo chính sách, hỗ trợ để tạo nên những cú hích này.
Quan trọng nhất là vai trò xúc tiến đầu tư của các ngành chức năng. Với nhiệm vụ này, không nên dừng ở chỗ bán những gì chúng ta đang sản xuất một cách dễ dàng mà phải hướng đến việc chào hàng những gì doanh nghiệp Việt có thể làm được. Ở đây, sẽ là một điều chỉnh linh hoạt giữa chiến lược xuất khẩu số lượng lớn giá rẻ và việc bán nông sản chất lượng tốt giá thành cao. Làm được như vậy, không chỉ tìm lại được cơ hội ở Trung Quốc, nông sản Việt Nam sẽ mở được cánh cửa bước vào những thị trường cao giá và khó tính hơn.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam cũng lưu ý, khi Trung Quốc siết xuất tiểu ngạch từ Việt Nam, Việt Nam rất nên học hỏi. Người nông dân Việt sẽ thiệt gấp 2 lần nếu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc bị tắc nghẽn, trong khi thị trường nội địa lại mở cửa tự do cho nông sản nước bạn. Cần những nhà quản lý có tâm và có tầm để giấc mơ làm giàu trên đồng ruộng của người nông dân Việt có thể thành hiện thực.