Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Tận dụng cơ hội để tiếp cận Hiệp định EVFTA
Hạ tầng nghề cá là một trong những yếu tố quyết định việc hoàn thiện chín tiêu chí do Ủy ban châu Âu đề ra trong quy định chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp.
Phân loại cá thu đem đi tiêu thụ. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Tính đến cuối tháng Bảy, ngành đánh bắt, khai thác hải sản Việt Nam đã trải qua gần hai năm chịu sự tác động của "thẻ vàng" châu Âu.
Chỉ còn ba tháng nữa, Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam đánh giá những nỗ lực thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Do đó, các cơ quan chức năng lẫn ngư dân đều xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu để gỡ bỏ "thẻ vàng," giúp nghề cá Việt Nam có cơ hội thuận lợi tiếp cận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA),
Giám sát chặt chẽ
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết hạ tầng nghề cá là một trong những yếu tố quyết định việc hoàn thiện chín tiêu chí do Ủy ban châu Âu đề ra trong quy định chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp. Do đó, ngành khai thác, đánh bắt hải sản Việt Nam chỉ còn vài tháng để hoàn thiện các yếu tố này, trước khi phái đoàn của Ủy ban châu Âu sang Việt Nam đánh giá lại hoạt động nghề cá của Việt Nam.
Cụ thể, trong thời gian qua, là một trong 28 tỉnh phát triển mạnh về hoạt động nghề cá, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm gỡ “thẻ vàng” và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực thủy sản của một tỉnh có nghề cá phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nguời dân về các quy định pháp luật liên quan đến khai thác IUU và Luật Thủy sản cũng được ngành chức năng tỉnh Bình Định đẩy mạnh.
Theo ông Phan Trọng Hổ, đến nay Bình Định đã hoàn tất việc lắp đặt thiết bị Movimar cho 70 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, đảm bảo theo lộ trình của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Đối với 2.976 tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, hiện ngành nông nghiệp tỉnh này đã có kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, 1.385 chiếc tàu làm nghề câu cá ngừ và nghề lưới kéo được lắp đặt trước ngày 1/1/2020 và 1.591 chiếc tàu làm nghề khác được lắp đặt trước ngày 1/4/2020.
Cùng với Bình Định, nhiều địa phương của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng tích cực giám sát khâu hậu cần nghề cá để hoàn thiện các tiêu chí về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp.
Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nghề cá của tỉnh Kiên Giang có quy mô nhỏ, tập trung đa loài, ngư trường rộng, bờ biển dài với nhiều hòn, đảo nằm rải rác khắp vùng biển... Do vậy, đây là một lợi thế nhưng cũng là điều kiện khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động thủy sản.
Hiện toàn tỉnh có bốn cảng cá; trong đó, chỉ cảng cá Tắc Cậu và cảng cá An Thới có quy mô lớn, tập trung hầu hết các tàu cá khai thác xa bờ cập cảng lên hàng, được chỉ định có nhiệm vụ xác nhận nguồn gốc hải sản nhập cảng.
Đồng thời, biên giới trên biển tỉnh Kiên Giang tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, dễ xảy ra tình trạng vi phạm khai thác bất hợp pháp bị các nước bắt giữ, xử phạt rất nặng.
Vì thế, kể từ khi Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 5/7 đến nay, Chi cục thủy sản tỉnh Kiên Giang đã thành lập đoàn thanh tra, thực hiện kiểm tra các tàu cá hoạt động trên vùng biển và ra vào các cảng cá. Theo đó, Chi cục đã tập trung kiểm tra hồ sơ chứng nhận đăng ký, giấy phép khai thác, an toàn kỹ thuật tàu cá, nhật ký khai thác, trang thiết bị hàng hải, thiết bị giám sát hành trình, văn bằng thuyền trưởng, máy trưởng, danh bạ thuyền viên, ngư cụ, bốc dỡ thủy sản qua cảng... Đặc biệt là kiểm tra việc thực hiện Luật Thủy sản khi Luật này chính thức có hiệu lực.
Lựa chọn giám sát
Một trong những khó khăn trong việc triển khai quản lý nghề cá, đáp ứng 9 tiêu chí do Ủy ban châu Âu đề ra, chính là hướng dẫn ngư dân lựa chọn thiết bị giám sát hành trình phục vụ việc chống đánh bắt, khai thác bất hợp pháp hiệu quả.
Qua khảo sát, một số địa phương thực hiện lặp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu khai thác hải sản, đặc điểm dễ nhận thấy đối với hầu hết thiết bị giám sát hành trình đang có mặt trên thị trường hiện nay là chỉ có chức năng giám sát (giống như hộp đen trên xe), không có nhiều chức năng khác giúp ích cho ngư dân.
Đáng lưu ý, giá các thiết bị này từ 20-23 triệu đồng/thiết bị, dễ lắp đặt nhưng ngược lại nhược điểm lại khá lớn.
Cụ thể, hầu hết các thiết bị này không hỗ trợ gọi điện như những chiếc điện thoại thông thường nên chỉ phục vụ giám sát, phụ thuộc vào thiết bị máy tính bảng/điện thoại của thuyền trưởng để sử dụng chức năng nhắn tin, ghi nhật ký đánh bắt với cước phí cao (khoảng 2.500 đồng/tin nhắn).
Khi tàu ra khỏi vùng phủ sóng mạng di động, việc duy trì kết nối với điện thoại thuyền trưởng hạn chế dẫn đến tình trạng không nhận được các hỗ trợ, cảnh báo từ cơ quan chức năng.
Trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng phải sử dụng các kênh thông tin liên lạc khác như HF, vệ tinh,... để liên lạc với ngư dân.
Theo đại diện Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone, qua khảo sát thực tế nhu cầu của ngư dân, Công ty dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone đã tiến hành khảo sát, xây dựng phần mềm quản lý tàu thuyền và thiết bị giám sát hành trình VNPT-VSS.
Hệ thống VNPT-VSS (viết tắt của Vessel Supervisor System) là giải pháp toàn diện cho hệ thống thông tin liên lạc trên biển đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của ngư dân, yêu cầu về quản lý tàu thuyền của chủ tàu, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thủy sản ngay tại cảng cá; đồng thời là công cụ mạnh mẽ hỗ trợ thông tin ngư trường cho phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...
Ông Nguyễn Nam Long, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone cho biết, thiết bị này đơn giản, dễ sử dụng với cước phí vệ tinh thấp.
Hơn nữa, thiết bị hỗ trợ gọi điện sử dụng đầu số Vinaphone, là kênh liên lạc hiệu quả trong các trường hợp khẩn cấp cần hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Gói cước miễn phí 30 phút gọi hàng tháng, bao gồm nhiều dịch vụ hoàn toàn miễn phí kèm theo như thông tin thời tiết, ngư trường, nhật ký đánh bắt điện tử...
Đặc biệt, với chức năng đàm thoại vệ tinh, VNPT-VSS còn giúp ngư dân trao đổi mua bán, thỏa thuận giá cả với khách hàng ngay khi đang đánh bắt trên biển. Ưu điểm vượt trội này giúp giá trị hải sản của ngư dân tăng lên rất cao.
Cùng với việc hướng dẫn ngư dân đầu tư thiết bị giám sát hành trình, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đã triển khai hoạt động đồng hành cùng ngư dân dưới hình thức clip tuyên truyền ngắn để ngư dân thực hiện tốt Luật Thủy sản 2017, khắc phục Thẻ vàng IUU. Theo đó, clip cũng nhắc nhở các ngư dân những quy định tối thiểu cần phải thực hiện theo nội dung Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật./.