'Trung Quốc đầu tư mạnh vào ngành dệt may Việt Nam là điều hiển nhiên'
Dệt may là ngành luôn được nhắc đến khi bàn về lợi ích của các hiệp định thương mại tự do đem đến cho các ngành hàng.
Đó là nhận định của ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Việt Nam về xu hướng đầu tư của Trung Quốc vào ngành dệt may Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019.
Trung Quốc chiếm khoảng 30% dòng vốn FDI vào ngành Việt Nam
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2019, có 63 dự án dệt may với số vốn đạt 700 triệu USD. Trong đó, 17 dự án FDI Trung Quốc với số vốn đăng kí 205 triệu USD, chiếm khoảng 30% tổng dòng vốn FDI đổ vào ngành.
Trao đổi với người viết tại Hội thảo Thương chiến Mỹ - Trung và tác động đối với Việt Nam, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Việt Nam cho biết ngay từ năm 2014, Trung Quốc đã có dịch chuyển đầu tư rất nhanh vào Việt Nam.
Việc dịch chuyển đầu tư này không chỉ nhanh mà cơ cấu đầu tư cũng đã thay đổi khi nước này tập trung vào các nguyên liệu đầu vào mà Việt Nam đang thiếu hút như nhuộm, dệt.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Việt Nam (Bên phải). Ảnh: Đức Quỳnh.
Ông Thắng cho rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam là "điều hiển nhiên" vì đây là ngành có thời gian đầu tư nhanh và lợi thế lớn.
"Cho đến nay, cơ cấu dòng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tận dụng sự kém phát triển của ngành nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam. Với CPTPP và EVFTA, rõ ràng doanh nghiệp kì vọng tạo ra cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp rất lớn để đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ", ông Thắng nói.
Tuy nhiên ông Thắng cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là năng lực kiểm soát việc khí phát thải và tiêu thụ năng lượng của các dự án đầu tư này vẫn đang là điểm nghẽn.
Xuất khẩu hàng dệt may sang EU có thể tăng 70 - 80%
Tại Hội thảo, ông Thắng cho rằng ngành dệt may Việt Nam chưa chắc hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mặc dù hàng may mặc của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế 25%.
Làm rõ hơn vấn đề này, trao đổi với người viết, ông Thắng cho biết tỉ trọng dệt may Việt Nam sang Mỹ thời gian qua tăng nhiều, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc sang các thị trường khác.
Cùng với đó, xuất khẩu sang các thị trường khác, đặc biệt là EU đang có xu hướng tăng lên.
"Dệt may là ngành luôn được nhắc đến khi bàn về lợi ích của các hiệp định thương mại tự do đem đến cho các ngành hàng. Trong EVFTA, vừa rồi chúng tôi dự đoán xuất khẩu hàng dệt may sang EU có thể tăng trưởng tới 70 - 80%", ông Thắng nói.
Song đại diện của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Việt Nam cho rằng việc tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may sang EU không phải đến từ năng lực sản xuất mà đơn thuần chỉ là chuyển hướng xuất khẩu từ thị trường này sang thị trường khác. Và Mỹ là một trong số những thị trường mà doanh nghiệp có thể dời đi.
"Điều này do năng lực sản xuất của doanh nghiệp chưa cao. Vì vậy, muốn tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này thì phải giảm xuất khẩu sang thị trường khác", ông Thắng nhận định.
Trước đó, tại buổi họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ gây ra thách thức mà còn tạo ra cơ hội mới cho ngnành dệt may Việt Nam khi một số công ty Trung Quốc chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam để "tránh bão".
Tuy nhiên, ông Cẩm cũng cảnh báo việc này có thể tiềm ẩn rủi ro việc Mỹ siết chặt quản lí, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.