Sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội
Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Những năm qua, đặc biệt năm 2011 hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định và có những chuyển biến tích cực, thu được nhiều kết quả khả quan.
Nâng cao vị thế của Việt Nam
Trong lĩnh vực hội nhập, Việt Nam đã hoàn
thiện một số hiệp định với các đối tác song phương và đa phương, gia nhập các
điều ước quốc tế về SHTT, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên
bình diện quốc tế. Cụ thể, đã hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện cam
kết về SHTT trong WTO, thực hiện thành công nghĩa vụ rà soát hệ thống pháp luật
về SHTT của Việt Nam tại Hội đồng Các khía cạnh liên quan đến Thương mại của
Quyền SHTT (TRIPS); hoàn thành các thủ tục cần thiết để gia nhập Nghị định thư
Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu; Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên
Thái Bình Dương (TPP) với những tiêu chuẩn mới về bảo hộ SHTT cao hơn nhiều so
với Hiệp định TRIPS.
Quan hệ song phương cũng tiếp tục được đẩy
mạnh, trong đó nổi bật là quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU). Tương tự như TPP,
vấn đề bảo hộ SHTT hiện được khối này ưu tiên hàng đầu, được đưa thành những
chương riêng trong các hiệp định hợp tác. Năm 2011 cũng là năm đánh dấu sự
thành công trong quan hệ song phương với một số đối tác quan trọng như Nga,
Chi-lê.
Về mặt quốc gia và vùng, Cục SHTT cũng góp
phần đưa các chính sách liên quan đến lĩnh vực SHTT của Việt Nam phù hợp và hài
hòa với chính sách chung phát triển SHTT của các nước trong khu vực thông qua
việc đóng góp và đề xuất ý kiến tại chiến lược phát triển kinh tê, xã hội trong
nước, các văn kiện hợp tác ASEAN cũng như trên các diễn đàn phát triển kinh tế
khu vực.
Bảo hộ các thành quả sáng tạo khoa học công
nghệ
Cục SHTT cho biết, để minh bạch hóa quản lý
đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN), Cục SHTT đã công khai danh sách cá nhân và
tổ chức đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN trên trang điện
tử của Cục, giúp các tổ chức, cá nhân có nhu cầu có thể xác thực cũng như tìm
kiếm một cách nhanh nhất các đại diện SHCN phù hợp theo địa bàn kinh doanh của
mình. Đến tháng 10.2011, cả nước đã có 125 tổ chức được ghi nhận đủ điều kiện
hành nghề dịch vụ đại diện SHCN và 278 cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề
dịch vụ đại diện SHCN.
Tính đến ngày 30.6.2011, Cục SHTT đã tiếp nhận
64.656 đơn các loại trong đó có 34.736 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, bao gồm
3.895 đơn sáng chế và giải pháp hữu ích, 1.684 đơn kiểu dáng công nghiệp,
27.165 đơn nhãn hiệu quốc gia, 4 đơn thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, 4
đơn chỉ dẫn địa lý và 24.472 đơn các loại khác. Cũng tính đến thời điểm này,
Cục SHTT đã xử lý 50.214 đơn các loại.
Với hoạt động giám định SHCN, sau khi Viện
Khoa học SHTT trở thành tổ chức giám định SHTT độc lập đầu tiên (2009), trong
năm 2010, tổng số đơn yêu cầu giám định đã tăng lên 337. Số đơn yêu cầu giám
định trong 10 tháng đầu năm 2011 cũng đã xấp xỉ bằng năm 2010 với 332 yêu cầu,
trong đó số yêu cầu từ các tổ chức, cá nhân đạt xấp xỉ 90%.
Số lượng đơn nộp vào Cục SHTT tiếp tục có
chiều hướng tăng lên đã chứng tỏ nhận thức về việc bảo hộ các thành quả sáng
tạo công nghệ trong xã hội được nâng cao, đồng thời khẳng định chính sách bảo
hộ SHTT của Việt Nam đã tạo dựng được lòng tin từ các doanh nghiệp trong quá
trình hoạt động sản xuất và kinh doanh tại đây.
Với công tác hỗ trợ, tư vấn thông tin, Cục
SHTT cũng đã chính thức đưa Chương trình đào tạo từ xa về SHTT (trong khuôn khổ
hợp tác với WIPO) vào hoạt động. Hình thức đào tạo mới này đã thu hút được sự
chú ý của công chúng. Trong năm vừa qua, đã có 2 khóa được tổ chức với sự tham
gia của hơn 500 học viên.
Ngoài các hoạt động tư vấn hỗ trợ thường
xuyên, Cục SHTT đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục thành lập Trung tâm Phát
triển tài sản trí tuệ đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm này sẽ đáp
ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng như
các trường đại học đặt tại đây, tạo cầu nối giữa khối nghiên cứu và doanh
nghiệp, giúp đưa những thành quả sáng tạo có khả năng thương mại hóa cao có thể
dễ dàng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cần tăng cường hoạt động quản lý SHTT ở địa
phương
Mặc dù nhiều địa phương đã coi trọng và thực
hiện có hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về SHTT nhưng tại Hội nghị toàn
quốc về quản lý SHTT nhiều ý kiến cho rằng vai trò quản lý SHTT tại nhiều địa
phương còn mờ nhạt. Năng lực, kiến thức chuyên môn về SHTT của các cơ quan thực
thi quyền SHTT ở các địa phương còn bất cập, tình trạng lúng túng trong việc
thực hiện các chức năng của mình, trông chờ, lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan
chuyên môn ở trung ương còn phổ biến.
Theo thông tin từ Cục SHTT, chức năng quản lý
SHTT ở địa phương hiện chủ yếu được ghép chung với các lĩnh vực khác như: an
toàn bức xạ, thông tin, quản lý công nghệ… Đến nay, vẫn chỉ có 10 sở khoa học và
công nghệ (KH&CN) có bộ phận chuyên trách quản lý về SHTT (thành lập Phòng
SHTT riêng). Tuy số cán bộ phụ trách lĩnh vực SHTT có tăng nhưng tổng số người
theo dõi công tác này lại giảm, từ 160 năm 2010 xuống chỉ còn 147 người năm
2011. Ngoài ra, tính từ tháng 7.2010 đến tháng 6.2011, số đơn vị, cá nhân đến
Sở KH&CN các địa phương tham vấn về SHTT rất ít, chưa đến 700 lượt và chủ
yếu liên quan đến tư vấn về nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, nạn hàng giả, hàng nhái vẫn là
một vấn đề bức xúc tại nhiều địa phương trong cả nước. Hầu hết các vụ xâm phạm
quyền SHCN đều liên quan đến nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Theo số liệu
thống kê không đầy đủ, tại các địa phương đã xảy ra nhiều vụ vi phạm: nhãn hiệu
hơn 1.560 vụ, kiểu dáng công nghiệp 107 vụ, sáng chế/giải pháp hữu ích 4 vụ,
chỉ dẫn địa lý 39 vụ.
Mặc dù số vụ bị xử lý vi phạm có xu hướng giảm
so với những năm trước song đây vẫn là con số không nhỏ. Bởi vậy, các địa
phương cần xây dựng những quy định quản lý, xử phạt chặt chẽ và có tính răn đe
cao hơn để phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Và nếu công tác SHTT ở địa
phương được chú trọng hơn nữa, có lẽ đã không xảy ra tình trạng chỉ dẫn địa lý
nông sản ở Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài “lấy mất” như nước mắm Phú Quốc,
Phan Thiết, cà phê Buôn Ma Thuột… Tất nhiên, câu chuyện này cũng phải nhìn từ
nhiều góc độ khác nhau nhưng nếu như công tác quản lý SHTT tại các địa phương
được chú trọng hơn, chắc chắn sẽ giảm được đáng kể tình trạng các chỉ dẫn địa
lý của Việt Nam bị nước ngoài chiếm dụng.
Nhằm khắc phục những điều còn tồn tại, nhiều
năm qua, Cục SHTT và các địa phương cũng đã nỗ lực tìm các giải pháp thích hợp.
Song, đây vẫn là một thách thức không nhỏ với những người công tác trong lĩnh
vực SHTT. Có lẽ cũng cần đặt ra mục tiêu, chiến lược cụ thể và dài hạn cho hoạt
động này nhằm tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa hoạt động SHTT ở trung ương
với địa phương và các địa phương với nhau để các phát huy tốt năng lực hoạt
động của mỗi đơn vị; đổi mới công tác quản lý để SHTT ngày càng phát huy tốt
vai trò quan trọng của mình và có những đóng góp thiết thực cho phát triển kinh
tế - xã hội, đưa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới.