Phổ biến chia sẻ kinh nghiệm áp dụng ISO 14051 cho doanh nghiệp miền Bắc nâng cao năng lực xuât nhập khẩu.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp da – giầy trong xu thế hội nhập, Trung tâm Thông tin Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Tổng cục TCĐLCL phối hợp với Cục Công nghiệp, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo Phổ biến chia sẻ kinh nghiệm áp dụng ISO 14051 cho doanh nghiệp miền Bắc.
Tham dự hội thảo có ông Ngô Văn Mạc – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông TCĐLCL, ông Phạm Hồng Việt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy – túi xách Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Da – Giầy Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội; ông Bùi Xuân Phong – Chuyên gia năng suất chất lượng, cùng một số doanh nghiệp sản xuất Da – Giầy phía Bắc.
Ông Ngô Văn Mạc – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông TCĐLCL.
Hội thảo phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng ISO 14051 cho doanh nghiệp đưa ra những nội dung hữu ích vì đây là tiêu chuẩn phân tích dựa trên dòng chảy nguyên vật liệu, làm rõ các lãng phí trong sản xuất kinh doanh, hay dịch vụ của các doanh nghiệp.
Từ thực tế cho thấy khối lượng các doanh nghiệp đưa ra sản phẩm liên quan đến ngành da – giầy là cực kỳ lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập rất nhiều hiệp định tự do thương mại như CPTPP, EVFTA…. Cũng cần nói thêm, ngành da – giầy, túi xách Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đứng thứ nhất sang thị trường Hoa Kỳ và EU. Do đó, khi muốn cạnh tranh, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng hàng rào kỹ thuật khi muốn xuất khẩu vào thị trường các nước.
Ông Phạm Hồng Việt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy – túi xách Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Da – Giầy Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội.
Trong khuôn khổ hội thảo, chia sẻ về tiếng nói chung của các doanh nghiệp da – giầy, ông Phạm Hồng Việt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy – túi xách Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Da – Giầy Hà Nội cho rằng, đứng trên góc độ thực tiễn ngành da – giầy Việt Nam hiện nay, những hội nghị, hội chợ liên quan đến da – giầy dần dần chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này minh chứng cho thấy ngành da – giầy Việt Nam đang phát triển, vị trí của ngành nằm trong top 3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vấn đề chúng ta phải nắm được xu hướng phát triển trong những năm tới, và theo đánh giá của thế giới từ nay đến năm 2035 là thời gian phát triển thịnh vượng của ngành da – giầy, và thịnh vượng nhất dự kiến từ nay đến năm 2028.
Sau khi ký kết hiệp định EVFTA, năm tới đơn hàng xuất khẩu có thể sẽ bùng nổ, tăng lên khoảng 30-50%. Trong kì họp cuối năm, Quốc hội sẽ chính thức phê chuẩn hiệp định này (có hiệu lực từ 1/1/2020). Đây chính là cơ hội vàng cho ngành da – giầy Việt Nam. Trước đó nhiều thông tin liên quan đến các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái Bình Dương có tác động rất nhiều đến doanh nghiệp, tuy nhiên theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội rất hạn chế, thời gian vừa qua các doanh Trung Quốc len lỏi vào thị trường Việt Nam rất nhiều.
Chia sẻ về nội dung công cụ kiểm soát dòng chi phí nguyên liệu MFCA (ISO 14051), ông Bùi Xuân Phong – Chuyên gia năng suất chất lượng cho rằng, đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hiện nay khách hàng sẽ quan tâm đến chất lượng, tiến độ và giá cả. Trước những thách thức của Việt Nam khi máy móc nhập, nguyên liệu nhập,… chúng ta nhìn vào đâu để cải tiến, mỗi một công cụ sẽ cho phép chúng ta đi theo một hướng, chính vì vậy việc áp dụng công cụ kiểm soát dòng chi phí nguyên liệu MFCA (ISO 14051) là rất cần thiết.
Ông Bùi Xuân Phong – Chuyên gia năng suất chất lượng.
MFCA giúp cho các nhà sản xuất đạt được mục tiêu nâng cao năng suất, giảm tác động môi trường bằng cách xác định chất thải và khí thải trong các quá trình kể cả khía cạnh vật lý và chi phí. Từ những dữ liệu chính xác đó giúp các nhà quản lý tăng cường hiệu suất sử dụng nguyên vật liệu và giảm chất thải hiệu quả hơn là chỉ dựa vào thông tin kế toán sản xuất và chi phí thông thường.
Bên cạnh đó, MFCA mang lại cho doanh nghiệp cả lợi ích bên trong và bên ngoài, cho phép tổ chức thu được lợi nhuận cao hơn và giảm tác động đến môi trường. Năng lực cạnh tranh của tổ chức được cải thiện đáng kể nhờ việc tăng lợi nhuận đi cùng việc tăng năng suất sử dụng nguyên vật liệu.
Để chuẩn hóa các thực hành MFCA, nhóm làm việc 8 của Ủy ban kỹ thuật ISO/TC 207, quản lý môi trường, nghiên cứu phát triển thành ISO 14051 – Quản lý môi trường, kế toán dòng nguyên vật liệu – bổ sung vào hệ thống tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000, bao gồm Đánh giá vòng đời – LCA (ISO 14040, ISO 14044), đánh giá hiệu suất môi trường – EPE (ISO 14031) tiêu chuẩn quản lý nhà kính (ISO 14064 -1 – 3, ISO 14065).
ISO 14051:2011 được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Thế giới ISO ban hành tháng 09 năm 2011. Trong đó, nội dung kiểm soát chi phí dòng nguyên liệu là phương pháp quản lý môi trường, hướng tới đồng thời giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp và tác động của việc sản xuất tới môi trường.
Thông qua hội thảo này, đơn vị tổ chức cũng mong muốn giúp doanh nghiệp có tư duy mới để cải tiến và đưa ra giải pháp thay đổi cho phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh với thế giới. Vì vậy, sự tham gia của doanh nghiệp vào các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm là điều rất cần thiết, bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nghiên cứu, cấu trúc lại quá trình sản xuất, trong quản lý sản xuất cần có quá trình cải tiến, làm thế nào để nhanh hơn và tốt hơn mới đem lại hiệu quả và đáp ứng được những thay đổi ngày càng cao của thương mại quốc tế.