Nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số
Đây cũng là chủ đề chính của Diễn đàn xuất khẩu 2019 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức sáng ngày 27/8.
Xúc tiến theo hướng gắn kết mặt hàng xuất khẩu và thị trường
Ông Phạm Thiết Hòa- Giám đốc ITPC cho biết, TP. Hồ Chí Minh hiện đang thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu theo hướng gắn kết mặt hàng xuất khẩu và thị trường, tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Đông đảo doanh nghiệp quan tâm tham dự hội thảo
Cụ thể, hai thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ; thị trường các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); các thị trường Việt Nam ký kết các FTA song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile...
Bên cạnh đó, thành phố cũng định hướng xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đang đàm phán FTA như Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand và Israel...
Đại diện các Tổng lãnh sự, đại sứ quán nước ngoài tham dự
Về xuất khẩu hàng hóa, ITPC sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu tập trung vào 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực (sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; thực phẩm chế biến; đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; trang phục may sẵn); 01 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng (thuốc, hóa dược và dược liệu) và 03 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực (trồng trọt rau và hoa cây kiểng; chăn nuôi bò sữa và heo; thủy sản gồm tôm nước lợ và cá cảnh).
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cũng tập trung vào mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, một mặt hàng chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu xuất khẩu của thành phố.
Bên cạnh đó, hiện nay DN nhỏ và vừa chiếm trên 96% tổng số lượng DN tại thành phố, có nguồn vốn và công nghệ còn hạn chế, do đó việc hỗ trợ đối tượng DN này là rất cần thiết, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.
Từ phía các DN cũng cần lưu ý trong việc nắm vững trong các FTA để nắm lấy cơ hội và phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu, nắm được lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, mua sắm công... Thành phố sẽ có những giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho DN như hỗ trợ DN nhỏ và vừa xây dựng và phát triển thương hiệu; cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng xuất khẩu; hỗ trợ DN tham gia các chương trình khảo sát thị trường; tổ chức các khóa huấn luyện và đào tạo kiến thức xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường; tập huấn cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn HALAL để xuất khẩu sang các thị trường đạo Hồi... - ông Hòa nhấn mạnh.
Nhận diện xu hướng tiêu dùng và ứng dụng kinh tế số
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cần nhìn rõ ba động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay là: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; CPTPP và các FTA; kỹ thuật số và thương mại điện tử.
Các đại biểu được doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm bên lề diễn đàn
Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động giúp việc mua sắm xuyên quốc gia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì thế tích hợp online và offline để nâng cao trải nghiệm mua hàng là cần thiết. Do đó, các DN “thông minh” đang quay trở lại những điều cốt lõi, tập trung vào trải nghiệm thực tế và tận dụng kỹ thuật số để mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm liền mạch hơn, tuyệt vời hơn.
Theo ông Châu Việt Bắc- Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) các DN cần lưu ý những vấn đề trong hoạt động thương thảo hợp đồng xuất nhập khẩu và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, các phương thức giao dịch trong bối cảnh kinh tế số.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm ngay tại diễn đàn
So sánh những yếu tố thuận lợi và bất lợi giữa giao dịch truyền thống và giao dịch thông qua công cụ điện tử của DN cho thấy, giao dịch truyền thống minh bạch giấy tờ, “giấy trắng mực đen” rõ ràng; tuân thủ theo yêu cầu của pháp luật về hình thức giao dịch giữa các bên, nhưng vấn đề thu thập chứng cứ chứng minh việc mất giấy tờ dễ dẫn đến không thể chứng minh để đòi quyền lợi, chưa kể tác động của các yếu tố môi trường đến giấy tờ. Còn giao dịch thông qua công cụ điện tử, đảm bảo các thông tin được lưu trữ tự động; tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển chứng từ, văn bản giữa các bên; tuy nhiên, bất lợi là không kiểm soát được về tính chính xác của các công cụ trao đổi: email, fax…, không kiểm soát được về thẩm quyền của người làm việc qua các công cụ trao đổi.
Giá trị pháp lý của hợp đồng, chứng từ điện tử không bị phủ nhận ở hầu hết quy định của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Thế nhưng, ông Châu Việt Bắc lưu ý khi thực hiện giao dịch có yếu tố “số hóa” thì phải áp dụng công cụ số an toàn trong quá trình thực hiện hợp đồng, những giao dịch bắt buộc phải thực hiện thông qua văn bản nhằm đảm bảo yêu cầu về chứng cứ chứng minh. Mặc dù sự phát triển theo xu hướng kinh tế số là cần thiết, nhưng yếu tố về chứng cứ bằng văn bản cần được chú trọng nhằm hạn chế những rủi ro và yếu thế khi phát sinh tranh chấp.