SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xuất khẩu qua Mỹ giảm, cá tra tìm đường sang EU

[05/09/2019 15:18]

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đang sụt giảm mạnh và việc mở thêm các thị trường mới để tránh phụ thuộc được xem là giải pháp cấp bách hiện nay cho ngành hàng này.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 8/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 175,9 triệu USD, giảm 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo VASEP, kết quả trên cho thấy đã gần 7 tháng liên tiếp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm mạnh.

Với tình hình xuất khẩu như hiện nay, dự báo các tháng cuối năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ nhiều khả năng còn tiếp tục giảm. Và rào cản thương mại, kỹ thuật đang tiếp tục gây trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.

Đẩy mạnh xuất khẩu sang EU để tận dụng lợi thế của EVFTA sẽ giúp ngành cá tra tăng kim ngạch trong thời gian tới

Trên thực tế, không chỉ có xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ bị sụt giảm mà các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Trung Quốc… cũng ở trong tình trạng tương tự. Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, 5 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cá da trơn của nước này giảm ở tất cả các nguồn cung, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Guyana. Tuy nhiên nước này lại nhập khẩu thêm cá tra từ 2 nguồn cung mới là Tây Ban Nha và Đài Loan. Điều này cho thấy các nhà xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đang phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Một điểm đáng chú ý khác theo VASEP - đó là dự đoán về việc Mỹ chính thức nâng mức thuế đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25% (chủ yếu đánh vào sản phẩm cá rô phi - mặt hàng cạnh tranh với cá tra của Việt Nam) có thể sẽ là cơ hội tốt cho cá tra tăng xuất khẩu vào Mỹ. Song tín hiệu từ thị trường không khả quan như mong đợi và xuất khẩu cá tra của Việt Nam vẫn sụt giảm mạnh bởi Mỹ có chính sách đa dạng nguồn hàng từ Norway, Iceland, Canada, Chile, Nga.

Trong bối cảnh trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đa dạng thị trường là vô cùng cần thiết để giúp ngành tránh phụ thuộc vào nhà nhập khẩu này. Theo đó, thị trường Liên minh châu Âu (EU) với 508 triệu dân được xem là “cứu cánh” bởi Việt Nam vừa mới ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA và dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020.

Đại diện của VASEP cho biết, với hiệp định EVFTA sẽ tạo nhiều thuận lợi không chỉ về thuế quan về 0% cho cá tra theo lộ trình 3 năm mà còn giúp ngành này mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác như Ấn Độ, Thái Lan.

Trong khi đó, EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Trong nửa đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 138,5 triệu USD, tăng 18% và chiếm 14,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Trong đó với thị trường các nước Hà Lan, Anh, Đức và Bỉ, giá trị xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng lần lượt 0,7%; 46%; 51,3% và 35,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cơ hội cho doanh nghiệp cá tra nói riêng và ngành thủy sản nói chung trong hiệp định EVFTA là rất lớn. Khi thuế xuất giảm về 0%, mặt hàng cá tra sẽ dễ dàng cạnh tranh hơn so với chung loại cá thịt trắng khai thác trong EU. Và khi dòng thuế giảm, chúng ta có thể kết nối lại với những thị trường trước đó khi chưa có hiệp dịnh này.

Mặc dù Hiệp định EVFTA được khẳng định mang lại cơ hội vô cùng lớn cho cá tra vào thị trường châu Âu thuận lợi hơn nhưng để hưởng lợi thế này doanh nghiệp trong ngành phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn môi trường, lao động…

Liên quan đến vấn đề này, bà Tâm cho biết Vĩnh Hoàn đã chủ động nguồn nguyên liệu trong nước,  công ty có vùng nguyên liệu riêng của mình và sản xuất theo đúng tiêu chuẩn mà các nước trong FTA đề ra. Ngoài ra Vĩnh Hoàn cũng đang đẩy mạnh khâu quảng bá thương hiệu cá tra của Việt Nam, từ đó khẳng định thương hiệu này trên thị trường thế giới.

Theo congthuong.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ