Xây dựng mô hình cải thiện công tác vệ sinh môi trường tại 3 ấp thuộc thị trấn Ô Môn, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ
Chủ nhiệm dự án: Huỳnh Thanh Danh; Cơ quan chủ trì: Phòng Kinh tế Quận Ô Môn; Cơ quan phối hợp: Trạm Quan trắc môi trường thành phố Cần Thơ; Thời gian thực hiện: 6/2001 - 6/2002.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thị trấn Ô Môn là trung
tâm của huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ là đầu mối giao lưu quan hệ phát triển kinh
tế - văn hoá, xã hội. Thị trấn Ô Môn có 14 ấp, tổng diện tích khoảng 1.647 ha,
tổng số hộ 6.044 hộ và 28.866 nhân khẩu, mật độ dân hơn 1.700 người/km2.
Trên địa bàn thị trấn có 50% hộ dân làm nghề thương mại dịch vụ nhưng cơ sở hạ
tầng và phương tiện để bảo vệ môi trường tại chỗ đang ở tình trạng rất đơn
giản, không giải quyết được vấn đề ô nhiễm, làm cho chất lượng môi trường ngày
càng xấu đi. Rác từ các khu dân cư tập trung ngày càng nhiều nhưng chưa có biện
pháp thu gom xử lý triệt để, đã có hiện tượng rác tồn đọng làm mất vẽ mỹ quan của địa phương và gây khó chịu cho cộng đồng
bởi mùi hôi, ruồi nhặng,... và nơi trú ẩn của côn trùng gây bệnh.
Toàn huyện chỉ có 01 hợp
tác xã Thành Đạt thực hiện công tác vệ sinh môi trường, quản lý, chăm sóc cây
xanh, cống rãnh, vỉa hè, điện chiếu sáng công cộng và các dịch vụ vệ sinh môi
trường nhưng hoạt động chưa mang lại hiệu quả như mong muốn...
Để từng bước đưa Ô Môn
lên thành một địa phương phát triển và hiện đại, chính quyền và nhân dân huyện
không chỉ cần được trang bị thêm phương tiện vật chất và nâng cao nhận thức về
sản xuất, làm chủ nền kinh tế thị trường, mà còn phải được hỗ trợ về việc bảo
vệ môi trường.
Dự án Xây dựng mô
hình cải thiện công tác VSMT tại 3 ấp của thị trấn Ô Môn sẽ là biện pháp
thực tiễn cần thiết để tìm ra phương pháp bảo vệ môi trường phù hợp nói trên.
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ
PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
1. Mục tiêu
Mục
tiêu chính: tìm ra mô hình phù hợp cho công tác BVMT tại các vùng nông thôn
tỉnh Cần Thơ
Mục
tiêu từng phần: xây dựng và áp dụng quy chế BVMT tại địa phương để chính
quyền và nhân dân khu vực dự án biết mình cần làm gì, nên và không nên làm gì
để BVMT; thực hiện công tác BVMT:thu gom, vận chuyển rác qua việc ứng dụng các
biện pháp đồng bộ, để tăng cường năng lực quản lý môi trường cho các hộ và nhân
dân trong vùng dự án; xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường
2. Nội dung
2.1 Xây dựng và áp
dụng quy chế bảo vệ môi trường tại địa phương: xây dựng hai văn bản Quy chế
bảo vệ môi trường và biểu giá dịch vụ vệ sinh môi trường.
2.2 Thực hiện công
tác bảo vệ môi trường: thu gom và chuyên chở rác.
- Hỗ trợ tổ chức lại tổ
vệ sinh môi trường trong khu vực dự án: tổ chức tập huấn công tác thu gom rác,
sử dụng trang thiết bị đúng kỹ thuật làm cho đội viên đội dịch vụ vệ sinh môi
trường (VSMT) trong khu vực dự án, phân công trách nhiệm giữa dân và Đội vệ
sinh trong giữ gìn khu phố sạch.
- Tổ chức hội thảo quy
trình và kỹ thuật thu gom xử lý chất thải cho địa phương: đưa ra quy trình thu
gom hiện nay và quy trình được mong muốn để mọi người góp ý, nhằm mục tiêu
tuyên truyền và khuyến khích người dân trong khu vực dự án nắm vững qui định và
yêu cầu thu gom rác hợp lý để hỗ trợ đội vệ sinh.
- Trang bị phương tiện
thu gom, xử lý rác hợp lý: chọn mua thùng rác công cộng, xe thu gom rác, quần
áo bảo hộ cho đội viên đội VSMT trong khu vực dự án.
- Khuyến khích thu gom
và phân loại rác trong dân: công tác thu gom rác được thực hiện khá tốt nhưng
việc phân loại rác hoàn toàn chưa được quan tâm. Dự án sẽ đặt vấn đề và tìm
biện pháp giúp người dân hiểu lợi ích của của việc phân loại rác và thực hiện
tốt.
- Trồng cây xanh ven
đường: gây phong trào ở vài tuyến đường chính như đường 26 tháng 3, Trần Hưng
Đạo, Châu Văn Liêm, Vành đai thị trấn với số lượng 500 cây và khuyến khích
người dân tự trồng thêm. Về loại cây trồng theo danh mục cây trồng đô thị của
Công ty Công trình đô thị.
2.3 Công tác nâng cao
nhận thức BVMT của dân cư thị trấn.
-
Tuyên truyền bằng hình thức chiếu phim về môi trường (4 buổi), phát thanh
thường kỳ về BVMT trên đài phát thanh
của thị trấn.
-
Biểu bảng tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện sống thân thiện với môi trường.
-
Thi đua giữ vệ sinh môi trường khu vực dự án.
3. Phương pháp thực
hiện:
- Xây dựng và áp dụng
quy chế bảo vệ môi trường tại 3 ấp: Rạch Chùa, Rạch Chùa 1 và Châu Thành Phường
Châu Văn Liêm
- Thực hiện công tác bảo
vệ môi trường tại 3 ấp.
- Nâng cao nhận thức
BVMT của dân cư tại 3 ấp: tuyên truyền, cổ động.
III. KẾT QUẢ
1. Trồng
được 350 cây xanh: công
tác này được chuẩn bị từ tháng 6 năm 2001 đến tháng 8 năm 2001.
Loại cây trồng chủ yếu
là cây Dương, Sao và một vài loại cây khác trong danh mục cây trồng đô thị của
Công ty Công trình đô thị.
Vị trí trồng cây đúng
theo quy hoạch của dự án là trên các tuyến đường của các ấp Rạch Chùa, Rạch
Chùa 1 và ấp Châu Thành.
Số lượng cây được chăm
sóc tốt và đã bàn giao cho Đội vệ sinh Ô Môn thuộc Công ty Công trình đô thị
314 cây. Số cây chết là 36 cây (hơn 10% lượng cây trồng), do các hộ dân khu vực
có cây trồng lấn chiếm vĩa hè và tráng nền ciment để thực hiện các hoạt động
khác nên không thể trồng lại được.
2. Mua xe chở rác 2,5
tấn:
Đã mua xong xe mang nhãn
hiệu Kiatitan, loại xe ben, tải trọng 2,5 tấn, có nắp đậy, chuyên dùng chở rác,
chất lượng còn 80% theo giám định của Công ty Giám định Vietcontrol
Tháng 1 năm 2002 đã bàn
giao xe cho hợp tác xã chuyên chở rác Thành Đạt sử dụng, phục vụ công tác thu
gom, chuyên chở rác cho khu vực dự án. Tuy nhiên, do một khó khăn trong thủ tục
thanh toán, đóng thuế trước bạ, đăng ký bảng số xe và kiểm định xe, ... mà địa
phương, Ban chủ nhiệm dự án và Ban chấp hành HTX Thành Đạt vẫn chưa thể đưa xe
vào hoạt động phục vụ công tác vệ sinh môi trường hàng ngày mà chỉ đưa xe vào
hoạt động vào các ngày lễ, Tết và cổ động cho ngày môi trường thế giới.
3. Mua và lắp đặt
thùng rác:
Lắp đặt 40 thùng rác
trên vĩa hè hai tuyến đường Trần Hưng Đạo và đường 26 tháng 3. Số thùng rác
trên giao cho Đội vệ sinh Ô Môn cùng lúc với số cây xanh của dự án trồng để đội
vệ sinh tiếp tục bảo quản sử dụng.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận:
Dự án Xây dựng mô hình
cải thiện công tác vệ sinh môi trường tại 3 ấp thuộc thị trấn Ô Môn, Huyện Ô
Môn được xây dựng và thực hiện là hoàn toàn đúng đắn và khả thi. Nếu dự án được
hoàn thành tốt thì sẽ là một mô hình tốt cho các địa phương khác rút kinh
nghiệm thực hiện để nâng cao nhận thức về môi trường trong cộng đồng. Đây có
thể xem là hoạt động thực hiện Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) mà Việt Nam
đã ký kết cùng thực hiện với cộng đồng quốc tế - một trong những mục tiêu mà Dự
án Cần Thơ xanh, một dự án hợp tác thực hiện giữa 3 địa phương Thành phố Cần
Thơ, Thành phố Kalmar của Thụy Điển và thành phố Aarhus của Đan Mạch đầu tư
thực hiện.
Với
việc thực hiện dự án nâng cao nhận thức, một loại dự án mang tính phức tạp cao
và rất nhạy cảm, ngoài nhiệt tình Ban chủ nhiệm còn cần phải có kinh nghiệm và
năng lực chuyên môn nhất định, thì tính khả thi hoàn thành dự án với kết quả
tốt mới được bảo đảm.
2. Kiến nghị:
Để tiếp nối thành quả
của dự án đã thực hiện được, đề nghị UBND huyện Ô Môn (nay là quận Ô Môn), các
Sở, Ban, Ngành có liên quan đồng ý kết thúc dự án tại đây. Nhưng sau đó cho xây
dựng một dự án mới mang tính nối tiếp các hoạt động còn chưa thực hiện và giao
cho Ban chủ nhiệm dự án có đủ năng lực và chuyên môn về môi trường thực hiện để
phát huy hiệu quả của các công việc đã được thực hiện và tiếp tục củng cố nhận
thức BVMT cho người dân tại khu vực phường Châu Văn Liêm và Quận Ô Môn. Tiếp
tục xây dựng mô hình vận động cộng đồng trong công tác BVMT.