Xây dựng luận cứ khoa học cho việc giải quyết rác đô thị của thành phố Cần Thơ (cũ)
Chủ nhiệm đề tài: Ths. Kỷ Quang Vinh; Cơ quan chủ trì: Trạm Quan trắc môi trường Cần Thơ; Thời gian thực hiện: 1999-2001.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Quản
lý chất thải trong đó quản lý chất thải rắn
đang là vấn đề bức xúc của Việt Nam nói chung và của TP. Cần Thơ nói riêng. Cộng đồng dân cư và chính quyền
thành phố đều nhận thức được sự cần thiết phải quản lý chất thải nhất là quản
lý rác đô thị. Nhưng quản lý như thế nào? Và dựa trên trên sở gì? luôn là những
ẩn số mà không phải bất cứ ai cũng có khả năng nhận biết và có câu trả lời đúng...
Trên
cơ sở đó, đề tài “Xây dựng luận cứu khoa học cho việc giải quyết rác đô thị của
TP. Cần Thơ (cũ)” được thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên.
II. KẾT QUẢ CỦA DỰ ÁN :
Các
nguồn phát sinh rác thải chủ yếu của TP. Cần Thơ (cũ) bao gồm: rác thải sinh hoạt
và thương nghiệp, rác thải y tế, rác thải sản xuất công - nông nghiệp và rác thải
“đặc biệt”.
1. Rác sinh hoạt:
a) Tại hộ gia đình:
Kết
quả điều tra về số lượng rác thải sinh hoạt trong khu vực TP. Cần Thơ (cũ) ở 25
hộ với tổng số nhân khẩu là 91 người cho thấy: trung bình một hộ dân trong khu
vực TP. Cần Thơ (cũ) một ngày thải ra khoảng 1,58 - 2,29 kg rác thải. Lượng rác
thải sinh hoạt bình quân mà một người thải ra khoảng 0,53 kg/người/ngày.
Tuy nhiên, qua kết quả
phỏng vấn trực tiếp 1.125 đối tượng bao gồm các hộ gia đình, các xí nghiệp công
nghiệp, cơ sở thu mua chế biến phế liệu thuộc các phường xã trong khu vực TP. Cần
Thơ (cũ) bằng bảng câu hỏi phỏng vấn thì trung bình vào thời gian thực hiện dự
án một hộ dân thải ra khoảng 2,4 kg/ngày. Hộ thải nhiều nhất là 200 kg/ngày (đây
là những hộ có sản suất kinh doanh) và hộ
thải thấp nhất là 0,1 kg/ngày).
Thành phần rác thải sinh
hoạt của hộ gia đình thì đa số là thực phẩm, giấy, gỗ,... hữu cơ chiếm 76,96%,
còn lại là các thành phần rác khó phân hủy và không thể phân hủy được dưới các điều
kiện tự nhiên như giấy, nhựa, bao bì, kim loại và thuỷ tinh thì chỉ chiếm
23,04%. Đây là một lợi thế rất lớn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt cho khu
vực TP. Cần Thơ (cũ) bằng các biện pháp sinh học, vì các thành phần rác thực phẩm,
hữu cơ là những chất dễ thối rửa và phân hủy trong điều kiện khí hậu nóng ẩm dưới
tác động của các loài vi sinh vật để tạo thành phân bón và các khí cung cấp năng
lượng cao.
b) Tại bãi chứa
rác:
Qua
theo dõi số lượng xe chở rác vận chuyển về bãi rác Đông Thạnh trong thời gian
thực hiện dự án, cho thấy, trung bình một ngày lượng rác được thu gom về bãi
rác Đông Thạnh khoảng 108 tấn/ngày. Đạt tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khoảng
61,2%, còn lại gần 40% lượng rác thải sinh hoạt (tương đương với 69 tấn rác)
thì được thải trực tiếp vào môi trường và gây ra rất nhiều vấn đề về môi trường
cho khu vực TP. Cần Thơ (cũ).
Về thành phần rác thải tại
bãi chứa rác Đông Thạnh, qua nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt lớn so với
thành phần rác thải tại các hộ gia đình. Thành phần các chất hữu cơ vẫn chiếm tỷ
lệ lớn khoảng 75,11%, còn lại các hợp chất khác như thuỷ tinh, kim loại chỉ chiếm
tỷ lệ thấp. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt đã thu gom được còn một số lượng rất
lớn các loại rác thải công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong khu vực nội ô
thành phố chưa có biện pháp thu gom mà để cho các cơ sở sản xuất trực tiếp xử
lý và thải vào môi trường bằng nhiều cách.
Trong thành phần của rác
thải tại bãi chứa rác có các chất hữu cơ dễ phân huỷ chiếm tỷ trọng cao. Do vậy,
rác thải của TP. Cần Thơ (cũ) có thể được sản xuất thành phân hữu cơ phục vụ sản
xuất nông nghiệp hoặc xử lý để có thể tận dụng điện năng từ quá trình phân huỷ
rác. Tuy nhiên, việc phân huỷ các chất hữu cơ này sẽ tạo ra mùi hôi thối và nhiều
vấn đề môi trường khác làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng nếu không có qui
trình xử lý thích hợp. Do đó, trong thời gian tới, việc qui hoạch, xây dựng bãi
chứa rác tập trung cần bảo đảm khoảng cách an toàn theo qui định của nhà nước từ
khu vực bãi rác đến khu dân cư và các công trình khác.
Thành phần
nhựa và cao su mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 12,89% nhưng đây là những hợp chất bền vững trong môi trường tự
nhiên và gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý rác thải. Và đặc biệt với
xu hướng như hiện nay thì trong thời gian tới tỷ lệ thành phần này sẽ có xu hướng
gia tăng do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng và do sự bền vững của chúng trong
môi trường tự nhiên.
Về tỷ trọng rác tại TP.
Cần Thơ (cũ) khoảng 350kg/m3, ẩm độ rác thay đổi theo mùa, bình thường
khoảng 50-60%. Trong tương lai nếu phải đổ rác ở bãi rác khác với cự ly vận
chuyển xa hơn thì vấn đề ép rác tới tỷ trọng lớn hơn 750kg/ m3, để đưa
vào những thùng chứa lớn khoảng 20 tấn/thùng là một vấn đề cần quan tâm của các
nhà quản lý rác nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển rác.
2. Rác bệnh viện:
Kết quả khảo sát rác thải
y tế tại 3 bệnh viện lớn trong khu vực thành phố là bệnh viện 121, bệnh viện Đa
khoa Cần Thơ và Trung tâm Lao cho thấy các bệnh viện này tuy đã thực hiện được
khâu thu gom, lưu giữ chất thải rắn tại nguồn nhưng đều chưa có biện pháp xử
lý, quản lý theo đúng qui định của ngành y tế. Thông thường các loại rác thải
này chưa được phân loại để tách riêng rác thải sinh hoạt và rác y tế độc hại để
xử lý, mà toàn bộ lượng rác thải này thường được Công ty Công trình Đô thị thu
gom và đổ chung vào bãi rác Đông Thạnh với các loại rác thi sinh hoạt.
Tổng lượng rác thải y tế
(bao gồm rác thải sinh hoạt và rác thải y tế độc hại) sinh ra hàng ngày là khoảng
1,5 tấn/ngày với các thành phần tương đối giống nhau giữa 3 bệnh viện. Một điều
đáng chú ý là ngoài 3 bệnh viện đã khảo sát thì trong khu vực TP. Cần Thơ (cũ)
cũng còn một số lượng rất lớn các cơ sở khám chữa bệnh nằm rãi rác ở các phường
xã mà lượng rác thải y tế do các cơ sở này thải ra môi trường hàng ngày cũng rất
đáng kể.
Lượng rác độc hại của
các bệnh viện trong thành phố là khoảng 170kg/ngày, bình quân lượng rác thải y
tế độc hại là 0,150kg/giường/ngày (theo Sở Y tế Cần Thơ).
Trên thực tế, đa số các bệnh viện, trung tâm y tế này tuy đã
thực hiện được khâu thu gom, lưu giữ chất thải rắn tại nguồn nhưng đều chưa có
biện pháp xử lý, quản lý theo đúng qui định. Trong 03 bệnh viện trên thì bệnh
viện Đa Khoa Cần Thơ là bệnh viện có lượng rác thải lớn nhất (khoảng 865
kg/ngày) và thấp nhất là Trung tâm Lao (khoảng 98 kg/ngày). Trong thời gian tới
khi bệnh viện Đa Khoa mới được xây dựng xong và đưa vào sử dụng thì công tác xử
lý chất thải y tế cần phải được quan tâm hàng đầu để có thể hạn chế được bớt những
ảnh hưởng đến môi trường mà đặc biệt là sức khoẻ của cộng đồng.
3. Rác thải công nghiệp:
Rác
thải công nghịêp trên địa bàn TP. Cần Thơ (cũ) tập trung chủ yếu ở các cơ sở sản
xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm phân tán trong các khu dân cư đô
thị.
Qua kết quả điều tra từ
dự án tại 05 xí nghiệp trong khu vực TP. Cần Thơ (cũ) vào giai đoạn 1998 - 2000
là xí nghiệp Dược Hậu Giang, xí nghiệp Thuốc lá, Công ty bia BGI, xí nghiệp
MEKO và xí nghiệp 404 cho thấy lượng rác thải công nghiệp đã lên đến khoảng 817
kg/ngày tức là khoảng 298 tấn/năm. Với
thành phần rác thải có thực phẩm và hữu cơ chiếm tỷ lệ tương đối lớn và dao động
trong khoảng từ 44,76% (XN MEKO) cho đến 72,55% (XN Dược Hậu Giang). Các thành
phần khác như kim loại và thuỷ tinh có khối lượng khoảng 13,96 kg/ngày.
Như vậy, nếu tính ở qui
mô trung bình thì một cơ sở sản suất công nghiệp trong khu vực TP. Cần Thơ (cũ)
có thể thải ra khoảng 163 kg rác/ngày, nếu tính tổng lượng rác thải từ các cơ sở
sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong thành phố thải ra trong một
ngày thì con số này sẽ lớn.
Về thành phần của rác thải
giữa các ngành sản xuất cũng có sự khác biệt, nó phụ thuộc vào đặc điểm và qui
mô sản xuất của từng ngành. Do vậy, để quản lý có hiệu quả lượng chất thải nói
chung và chất thải rắn nói riêng của một ngành nào đó thì cần tìm hiểu rõ về
qui trình sản xuất, tần suất sản xuất để có những biện pháp thích hợp nhằm hạn
chế đến mức thấp nhất lượng chất thải rắn phát sinh, cũng như có những qui
trình thu gom và xử lý thích hợp cho ngành sản xuất đó.
4. Rác thải “đặc biệt”
Ngoài các loại rác thải
trên thì số người chết của thành phố nếu không có biện pháp giải quyết hợp lý cũng
sẽ là một nguồn chất thải có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường rất lớn.
Trong thời gian thực hiện dự án số người chết trong thành phố thường được chuyển
ra khu vực ven TP. Cần Thơ (cũ) (tập trung ở khu vực xã Long Tuyền) để an táng,
một số được đem thiêu tại các lò thiêu cũng ở khu vực ngoài thành phố.
Trung bình một
năm số lượng người chết của thành phố khoảng 1.178 người hay 3-4 người/ngày. Đây
là một số lượng rất lớn do vậy trong thời gian tới nhất thiết thành phố phải có
biện pháp để giải quyết vấn đề này nhằm tránh tình trạng chôn không đúng nơi và
cần có qui chế hoạt động cho các lò thiêu, kèm theo đó là kiểm tra giám sát sự
hoạt động các lò thiêu này.
III. ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ RÁC
Để nâng cao hơn nữa hiệu
quả của hệ thống thu gom quản lý và xử lý rác thải của thành phố trong tương
lai thì cần phải thay đổi cách suy nghĩ như hiện nay là rác thải phát sinh bao
nhiêu sẽ thu gom bấy nhiêu. Với cách suy nghĩ đó chúng ta rất khó để có thể đưa
ra một chiến lược đúng đắn, lâu dài cho việc quản lý rác thải của thành phố, vì
sự phát triển của hệ thống thu gom quản lý và xử lý rác sẽ không thể nào đáp ứng
kịp tốc độ gia tăng của lượng rác thải nếu không có biện pháp để các đối tượng
sản sinh rác tự giảm lượng rác của mình. Để thu gom và xử lý toàn bộ lượng rác
hiện có của thành phố chúng tôi đề nghị mô hình chiến lược dài hạn quản lý rác
với 3 khâu công việc liên hoàn:
- Giảm lượng
rác từ nguồn phát sinh: các loại nguyên liệu, nông sản cần được sơ chế để
loại bớt các phần không sử dụng được tại nguồn phát sinh trước khi được chở vào
thành phố. Như vậy, một phần lớn lượng rác thải sẽ được hạn chế ngay từ nguồn sản
sinh.
+ Thực hiện việc phân
loại rác tại nguồn: tạo điều kiện về luật pháp, công nghệ, tổ chức bộ máy
và tuyên truyền khuyến khích các thành phần trong cộng đồng áp dụng hình thức
phân loại tại nguồn đối với các loại rác thải để có thể thu gom theo từng loại
như sau:
+
Rác thải sinh hoạt: rác thải sinh hoạt loại hữu cơ (bao gồm các loại rác
thải có thể phân huỷ được như thực phẩm...) và các loại rác thải không phải hữu
cơ và có thể tái chế như thuỷ tinh, kim loại, xà bần...
+
Rác thải công nghiệp: rác thải công nghiệp, công nghiệp độc hại và rác
thải sinh hoạt công nghiệp
+
Rác thải y tế: rác thải y tế độc hại và rác thải sinh hoạt y tế.
- Chứa tạm, thu
gom và trung chuyển:
.
Rác được phân loại xong nên chứa tạm trong khi chờ vận chuyển, thời gian chứa tạm
thay đổi tùy theo loại rác: trong ngày với rác gốc hữu cơ dễ phân hủy, thưc phẩm...; 5-7 ngày với rác gốc nhựa, giấy.
. Việc thu gom rác có thể
theo 2 cách:
+Thu
gom tại hộ gia đình: chủ hộ tự quét dọn và gom rác vào bọc chứa rác và để trước
cửa nhà vào giờ qui định để công nhân đến tận nhà để thu gom.
+Thu
gom tập trung: chủ hộ tự đem rác của gia đình mình đến nhà chứa tạm và bỏ vào nơi
qui định trong khi chờ công nhân đến thu gom.
. Do rác có tỷ trọng thấp
nên cần qui hoạch các trạm trung chuyển rác, ép rác để giãm thể tích, tăng trọng
lượng rác khi vận chuyển nhằm tăng hiệu
quả của khâu vận chuyển rác. Trạm trung chuyển ép rác nên cách nhau bán kính
3-5km tùy theo lượng rác của khu vực đặt trạm và diện tích có được của trạm. Trạm
cần có diện tích khoảng 1000m2/trạm và thiết kế đúng kỹ thuật để
không gây ô nhiễm môi trường khu vực.
- Vận chuyển và xử
lý theo loại:
Các loại rác thải này sau khi phân
loại tại nguồn sẽ được thu gom và vận chuyển riêng theo từng loại:
+
Rác thải có thể phân hủy được sẽ được thu gom hàng ngày sau đó sẽ được xử lý
thu hồi năng lượng hay phân hữu cơ.
+
Rác thải có thể tái chế như bọc nhựa, thuỷ tinh, kim loại... sẽ được chuyển đến
cho các cơ sở tái chế.
+
Rác thải độc hại và đốt được sẽ xử lý bằng phương pháp đốt với nhiệt độ buồng đốt
từ 900 -1200oC. Đặc biệt, khuyến khích việc an táng người chết bằng
lò thiêu.
+ Rác thải
không thể tái chế, làm phân hay đốt sẽ được chôn tại các bãi chôn lấp theo đúng
yêu cầu kỹ thuật.