Chiều 13.9, sự kiện TechFest Việt Nam lần đầu tiên tại Hoa Kỳ đã diễn ra với sự tham dự của hơn 200 startup hai nước Việt – Mỹ, cộng đồng nhà đầu tư và rất đông những người “hướng về Việt Nam”. Báo Khoa học và Phát triển trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, người chủ trì sự kiện này.
Thứ trưởng Bộ KH& CN Trần Văn Tùng. Ảnh: KH&PT.
KHPT: Thưa ông, vậy là chúng ta hiện thực hóa việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và Silicon Valley – một chuyện mà ông đã theo đuổi nhiều năm. Tâm trạng của ông thế nào?
Rất hào hứng. Đây là năm đầu tiên mà chúng ta chính thức đưa những ý tưởng khởi nghiệp, những công trình sáng tạo của người Việt ra nước ngoài. Ở Mỹ có hai thành phố là Boston và San Francisco, sẽ còn có Singapore và Hàn Quốc. Những nơi này chúng tôi kỳ vọng sẽ giới thiệu, trao đổi với những quỹ đầu tư và những người có nguồn lực để thu hút được sự đầu tư và hỗ trợ đối với Việt Nam từ phía nước ngoài. Tôi rất mong muốn những ý tưởng ấy sẽ được đánh giá, được thực thi, nhưng đồng thời được các tổ chức hỗ trợ và thu hút nguồn lực từ nước ngoài về với Việt Nam.
Được biết là Bộ có đề án thu hút chất xám Việt kiều. Vậy xin ông cho biết Bộ đã triển khai chương trình đó như thế nào?
Hôm rồi tôi dự chung kết cuộc thi VietChallenge, một cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt trên toàn thế giới. Tôi thấy đây chính là một kênh để thực hiện chuyện tối đa hóa nguồn lực khởi nghiệp từ cộng đồng người Việt. Đề án 844 hỗ trợ VietChallenge, vì các bạn ấy đang tự mình dấn thân, thu hút lực lượng trẻ, lực lượng có kiến thức, có trình độ được đào tạo rất tốt ở nước ngoài quay trở về để phát triển những ý tưởng đó tại Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một kênh rất quan trọng. Bên cạnh đó, các chính sách của nhà nước về thu hút nguồn lực Việt Nam ở nước ngoài thì đã và đang thực hiện. Làm sao cho có thể có những người Việt của chúng ta có kiến thức, có trình độ và có tấm huyết quay trở lại với Việt Nam để đóng góp những ý tưởng đó, kiến thức đó để phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam.
Điều gì làm cho ông ấn tượng nhất về VietChallenge?
Đối với VietChallenge, tôi cảm nhận được sự tâm huyết của các bạn rất lớn, ngay từ những năm đầu của chương trình. Trải qua 4 năm hoạt động, đến bây giờ, không những là phát triển mở rộng, mà còn thu hút được nhiều nhân tài Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại nước nhà. Điều này tôi đánh giá rất cao. Đối với tôi, VietChallenge không phải là để thắng thua, để chỉ ra người đứng đầu, mà chỉ ra những người sẽ học hỏi, trao đổi và tiếp nối hệ thống khởi nghiệp trên thế giới. Hy vọng rằng những ý tưởng tốt của người Việt sẽ được các tổ chức, quỹ đầu tư và hỗ trợ và chúng ta sẽ có nguồn lực để phát triển những ý tưởng ấy tại chính đất nước của chúng ta.
Với chiến lược “startup Viet go global”, chúng ta đang đem các startup Việt ra nước ngoài. Nhưng ở phương diện nào đó, theo tôi điều cần hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn Việt Nam quay trở về nước khởi nghiệp?
Tôi nghĩ làm gì thì làm, nhưng chúng ta phải hướng đến việc xây dựng Việt Nam. Ví dụ ý tưởng của người Việt có thể ra nước ngoài để giới thiệu, để trao đổi, để thi. Nhưng thật ra chúng tôi rất mong những người Việt ra nước ngoài có thể thu hút được nguồn lực đầu tư từ phía các quỹ đầu tư ở nước ngoài. Còn đối với các bạn Việt Nam đang ở nước ngoài, chúng tôi rất mong những ý tưởng đó có thể quay trở về để phát triển và khởi nghiệp tại Việt Nam. Như vậy chúng ta hiểu rằng, những trí tuệ của người Việt Nam và những kiến thức ấy sẽ đem vào phát triển kinh tế xã hội để phát triển mạnh mẽ. Cuối cùng là quay trở lại vì Việt Nam và để Việt Nam phát triển.
Các chuyên gia, start up, nhà đầu tư tham gia sự kiện. Ảnh: K.H
Nếu một bạn startup đang dự sự kiện này hỏi ông, “em muốn về Việt Nam”, thì lời khuyên của ông dành cho bạn là gì?
Nếu muốn về Việt Nam khởi nghiệp thì hoan nghênh quá! Tôi có cảm nhận, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức chính trị xã hội đều sẵn sàng khởi nghiệp. Hệ sinh thái của chúng ta đang phát triển tốt, và không gian của nhà đầu tư được nới rộng. Việt Nam đang được xem là thị trường khởi nghiệp năng động nhất khu vực, Phụ nữ có, thanh niên có, hội nông dân có và tất cả các địa phương đều chủ động tham gia khởi nghiệp. Tôi cảm nhận cách làm của các địa phương đã dần đi theo cách làm chung trong hướng dẫn của đề án 844. Chúng ta đi cũng cùng đi với các nước trên thế giới. Việc cụ thể nhất tôi có thể làm, là giới thiệu và kết nối các bạn với các chương trình khác nhau của 844, và lời hứa sẽ làm những gì tốt nhất trong khả năng để các bạn có thể phát huy tài năng và đóng góp của mình.
Cảm ơn ông.
Đỗ Quốc Phong thực hiện (từ Boston - Mỹ)
www.khoahocphattrien.vn (tnttrang)