SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sống chung với lũ chủ động, ổn định và phát triển tỉnh Cần Thơ, giai đoạn 2002-2010 và tầm nhìn đến 2015.

[29/11/2011 20:43]

Chủ nhiệm đề tài: Ths. Nguyễn Văn Sơn; Cơ quan chủ trì: Trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL; Thời gian thực hiện: 2002 - 2003.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

            Tỉnh Cần Thơ nằm trong vùng trung - hạ lưu của châu thổ sông Mê kông, thuộc nhánh sông Hậu, trong đó trên 31% diện tích chịu ảnh hưởng của lũ. Tùy vào vị trí so với nguồn gây lũ, các ảnh hưởng lũ lụt trên các địa bàn khác nhau đã tác động đa dạng lên đời sống dân cư, cơ sở hạ tầng và tình hình sản xuất trên địa bàn, tác động trên nhiều mức độ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

            Kể từ sau năm 1996, chế độ lũ tại đồng bằng sông Cửu Long diễn biến với nhiều cực trị: lũ kém nhất trong vòng 70 năm (1998), lũ với lưu lượng cao (2000), tình hình diễn biến với cường suất lớn trong 3 năm liên tiếp (2000-2002). Quá trình hình thành các công trình chống lũ tự phát cũng làm chế độ thủy văn trên dòng chính cũng như trong nội đồng khá phức tạp, điển hình nhất là tình hình ngập của TP. Cần Thơ trong những năm gần đây.

            Các diễn biến này có tác động sâu sắc đối với việc bố trí dân cư, lực lượng sản xuất cũng như cơ sở hạ tầng của vùng ngập lũ và có những tác động nhất định đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Do đó, đề án “Sống chung với lũ một cách chủ động, ổn định và phát triển” được xây dựng nhằm nghiên cứu và đề ra những giải pháp để phát huy các tiềm năng điều kiện tự nhiên, xã hội một cách bền vững, hạn chế các tác động của lũ lụt trong bối cảnh tổng thể kiểm soát lũ.

II. MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1. Mục tiêu:

- Dự báo tình hình thủy văn và môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh Cần Thơ theo tiến độ xây dựng và vận hành các công trình kiểm soát lũ. Tiến hành phân vùng ngập lũ phù hợp với vùng KT-XH.

- Trên cơ sở tình hình thủy văn dự báo và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, đề xuất bố trí trên từng địa bàn về:

+Dân cư: bố trí các tuyến và cụm dân cư, các đô thị và cụm KT-XH.

+Lực lượng sản xuất: sản xuất nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ

+ Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi: các công trình giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, các công trình giáo dục-y tế-văn xã nhằm đảm bảo "sống chung với lũ" theo các mục tiêu từ thấp lên cao cho từng địa bàn như sau:

+ Sống chung với lũ một cách an toàn, chủ động: bảo đảm không thiệt hại về nhân mạng, tài sản và cơ sở hạ tầng quan trọng

+ Sống chung với lũ một cách ổn định: bảo đảm tình hình cư trú, hoạt động sản xuất, sinh hoạt đời sống không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động của lũ.

+ Phát triển trong bối cảnh sống chung với lũ: tận dụng tiềm năng về tự nhiên, kinh tế - xã hội trong bối cảnh vận hành hệ thống kiểm soát lũ, phát triển KT-XH của tỉnh gắn với các chỉ tiêu phát triển của tỉnh.

2. Nội dung:

- Biên hội các tài liệu lịch sử - hiện trạng về điều kiện tự nhiên và KT-XH có liên quan của tỉnh Cần Thơ.

- Tổ chức điều tra trên địa bàn cấp huyện theo các mẫu biểu về: sử dụng đất, bố trí lực lượng sản xuất, tình hình đời sống, bố trí dân cư và các cơ sở hạ tầng.

- Tổ chức điều tra - phỏng vấn có chọn mẫu về KT-XH tổng hợp; kết hợp với khảo sát địa bàn

- Phân tích chuyên gia các yếu tố tác động theo phương pháp phân tích tác nhân.

- Tính toán bài toán lũ theo dữ liệu thực đo năm 1999-2001 kết hợp với các giả thiết về công trình điều khiển lũ đang và sẽ quy hoạch trên vùng Tứ Giác Long Xuyên và Tây sông Hậu. Xây dựng bảng phân vùng thủy văn, xác định các tiêu chí về độ sâu và thời gian ngập cho các biện pháp bố trí.

- Đề xuất các biện pháp phát triển trên 3 đối tượng chính: dân cư, lực lượng sản xuấtcơ sở hạ tầng kỹ thuật - phúc lợi

III. KẾT QUẢ

Trên phương diện kinh tế xã hội trong bối cảnh sống chung với lũ có thể phân chia tỉnh Cần Thơ thành các vùng tổng hợp gồm: vùng lũ, vùng triều, vùng ngập úng và vùng úng triều.

Nhận định 07 vấn đề ảnh hưởng đến sự  phát triển bền vững của tỉnh Cần Thơ gồm:

- Hệ thống thủy lợi nhằm kiểm soát lũ, phân lũ, ngăn triều, thoát úng chưa hoàn chỉnh

- Hệ thống giao thông đường bộ kết hợp với kênh, đê thủy lợi chưa hoàn chỉnh. Giao thông bộ "vùng ruột" chưa thông suốt, chưa tạo được trục kinh tế xương sống cho liên vùng lũ và vùng úng.

- Việc xúc tiến các mô hình canh tác nông lâm ngư tiên tiến do điều kiện lũ, triều chưa thực hiện được hoặc không đạt kết quả mong muốn. Sự thiệt hại mùa màng vào những năm lũ lớn chưa khắc phục được, do đó sản xuất thiếu tính bền vững.

- Việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn khó khăn do kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, nhất là giao thông và điện.

-Việc phát triển đô thị và xây dựng nông thôn còn chậm.

- Vốn và công nghệ-kỹ thuật cũng là những khó khăn cho phát triển           

- Chất lượng giáo dục chưa đều, còn thấp tại các vùng sâu. Mặt khác, tỷ lệ lao động được đào tạo chỉ tập trung tại các đô thị lớn, chủ yếu là tại TP.Cần Thơ, là trở ngại lớn cho phát triển bền vững trong tương lai.

Giải quyết 7 vấn đề nêu trên đưa tỉnh Cần Thơ vượt qua mức tăng trưởng thấp và thiếu bền vững tại các vùng chịu ảnh hưởng lũ và triều trong đó vấn đề kiểm soát lũ, phân lũ và giữ nước trong mùa khô có một vai trò chủ chốt trong việc tạo ra động lực ổn định cho phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp, tạo tiền đề cho xây dựng giao thông, điện, nước, xây dựng đô thị - bố trí dân cư - nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, làm nền tảng cho phát triển công thương nghiệp và dịch vụ.

- Dự báo về chế độ thủy văn sau khi kiểm soát lũ và phân tích tính thích nghi sử dụng đất đai sau khi hệ thống kiểm soát lũ hình thành.

- Đề ra các quan điểm, mục tiêu, các phương án phát triển cho tỉnh Cần Thơ đến năm 2015 như:

+ Phát triển một số ngành chủ yếu về nông ngư nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ,

+ Bố trí lại dân cư đô thị hóa phân bố dân cư theo vùng, đề ra các chỉ tiêu phát triển của các khu dân cư, cũng như xây dựng các mô hình cư trú.

+ Phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phúc lợi và các biện pháp, giải quyết vấn đề môi trường.

+ Cung cấp các giải pháp về vốn, về thực hiện và điều hành các phương hướng phát triển, về khoa học, công nghệ, môi trường và các giải pháp về nhân lực.    

IV. KẾT LUẬN:

            1. Mục tiêu "sống chung với lũ" không chỉ được thực hiện trên vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ (Thốt Nốt-Ô Môn) mà còn phải xét đến phát triển kinh tế - xã hội những địa bàn chịu tác động gián tiếp của lũ (từ Cần Thơ đến Long Mỹ) và các hoạt động tại khu vực thượng lưu và hạ lưu sông Hậu.

            "Sống chung với lũ", không chỉ dừng lại ở các hình thức sản xuất tránh lũ và cư trú vượt lũ mà còn phải tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững trên cơ sở bố trí hợp lý và đồng bộ các yếu tố về sản xuất, cơ sở hạ tầng, dân cư trong bối cảnh kiểm soát lũ và phát triển kinh tế xã hội bền vững.

            2. Các nội dung của đề án đã tổng hợp các vấn đề chính sau:

            - Phát triển kinh tế xã hoi của tỉnh Cần Thơ cần gắn liền với diễn biến về tình hình thủy văn trong quá trình xây dựng và vận hành kiểm soát lũ toàn vùng. 

            - Về phương diện sản xuất, nông lâm nghiệp sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa thị trường với quy mô tập trung và chất lượng đồng nhất trên cơ sở hình thành các vùng chuyên và cải thiện các hệ thống canh tác tương ứng với biến động của điều kiện thủy văn. Công thương nghiệp phát triển mạnh đồng bộ với quá trình phát triển khu vực I và quá trình hình thành các trục phát triển kinh tế - đô thị, tương ứng với bố trí dân cư, cơ sở hạ tầng theo các công trình kiểm soát lũ. Đề án đã dự kiến các phương án phát triển nền kinh tế các vùng theo hướng hoàn chỉnh cơ cấu nông - công nghiệp và dịch vu tiến sang cơ cấu dịch vụ - công nông nghiệp.

            - Về phương diện xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông được bố trí đồng bộ với các công trình kiểm soát lũ để hình thành các mạng phát triển KT-XH. Trên đó, bố trí dân cư - nhà ở và các cơ sở hạ tầng khác phù hợp với quá trình phát triển và các cụm tuyến dân cư. 

            - Về phương diện bố trí dân cư, trên cơ sở định hướng phát triển dân cư theo hình thức cư trú cụm và tuyến tập trung, quá trình đô thị hóa cần được chú trọng trên các nút giữa mạng phát triển, trong đó, các cụm dân cư vượt lũ, các cụm dân cư nhỏ cần sớm phát triển về quy mô và chất, trở thành các cụm kinh tế xã hội, làm hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội cho các khu vực chung quanh. 

Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ