Xây dựng tiêu chuẩn (tạm thời) quản lý heo đực giống trong tỉnh Cần Thơ
Chủ nhiệm: Ths.Nguyễn Văn Sơn; Cơ quan thực hiện: Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ; Thời gian thực hiện: 1998-2000.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ trước đến nay, việc chọn lọc, sử
dụng heo đực giống (HĐG) trong chăn nuôi được nhân dân thực hiện một cách tự
phát không có định hướng rõ rệt, vì vậy dẫn đến tình trạng cận huyết, giảm chất
lượng đàn heo của tỉnh. Từ khi đề tài “Cải tiến chất lượng giống heo địa phương
để tăng năng suất thịt” được triển khai
cùng với các chương trình khuyến nông giới thiệu các giống mới có hiệu quả cao,
người chăn nuôi đã nhận thức được vai trò quan trọng của con giống trong sản
xuất. Vì nguồn cung cấp heo giống có giới hạn, không đáp ứng được yêu cầu nên
người dân tự gây tạo con giống cho mình. Việc này dẫn đến hậu quả là không quản
lý tốt chất lượng đàn giống được sử dụng, không quản lý được việc phối giống
một cách khoa học, hiệu quả để tránh xảy ra cận huyết hay tạo ra sự phân ly
trong thế hệ đàn con. Đề tài “Xây dựng tiêu chuẩn (tạm thời) quản lý heo đực
giống trong tỉnh Cần Thơ” được tiến hành nhằm phục vụ cho việc quản lý giống để
nâng cao năng suất chăn nuôi heo.
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
1. Mục tiêu
-
Nắm lại hiện trạng chăn nuôi HĐG của tỉnh Cần Thơ về đặc điểm giống, tình hình
dịch bệnh, phương thức nuôi dưỡng và quản lý chất lượng.
-Xây
dựng tạm thời bộ tiêu chuẩn HĐG tỉnh Cần Thơ để tiến tới xây dựng và công nhận
tiêu chuẩn heo đực giống của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
-
Đề xuất qui trình quản lý, kiểm tra việc phối giống heo trong địa bàn tỉnh Cần
thơ.
2.
Nội dung:
-
Tổ chức điều tra các giống heo đang nuôi trong tỉnh Cần Thơ, trong các
cơ sở quốc doanh và của các chủ nuôi heo đực.
- Điều tra tất cả các huyện trong tỉnh Cần Thơ,
mỗi huyện chọn 2 xã nuôi nhiều heo đực và điều tra tất cả các heo đực đang nuôi
trong xã .
- Chỉ tiêu ghi nhận là số lượng và
tỷ lệ các giống heo đực đang nuôi trong địa bàn tỉnh, nguồn gốc, sự phân bố các
giống heo.
- Theo dõi
các chỉ tiêu cần thiết để xây dựng tiêu chuẩn HĐG: năng suất sinh sản của heo
đực: số con sơ sinh/ổ, trọng lượng sơ sinh bình quân (kg/con), tần suất làm
việc, tỷ lệ phối giống đậu thai.
- Các đặc điểm
về phẩm chất tinh dịch: thể tích, nồng độ, hoạt lực, pH, tỷ lệ kỳ hình.
- Hiện trạng
ghi chép về năng suất sinh sản của các HĐG của các chủ nuôi heo.
- Tình hình vệ
sinh thú y.
- Điều tra
tình hình nhiễm các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của heo
đực giống.
- Xây dựng các
tiêu chuẩn quản lý heo đực hậu bị và heo đực làm việc, tinh heo dùng gieo tinh
trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.
3. Phương pháp thực hiện: heo thí nghiệm là các heo giống Yorkshire được nuôi trong
các trại quốc doanh và các chủ nuôi cá thể trong các huyện, TP thuộc tỉnh Cần
Thơ.
- Dùng phương pháp điều tra
chọn mẫu ngẫu nhiên đe điều tra tỷ lệ các giống heo đang nuôi trong tỉnh
Cần Thơ số mẫu điều tra chiếm tỷ lệ 20 - 25% tổng đàn.
- Dùng
phương pháp thống kê sinh vật để xử lý số liệu và xây dựng tiêu chuẩn đực giống
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1 Tình
hình chăn nuôi heo trong tỉnh Cần Thơ
- Về số
lượng: từ 1995-1998 số đầu heo gia tăng
không đáng kể. Tổng đàn tăng hàng năm chỉ khoảng 3,3%, lượng heo nái tăng chút
ít nhưng ngược lại, số lượng heo đực giống lại sụt giảm tính đến tháng 6 năm
1998, đã giảm rất nhiều, chỉ còn 561 con.
- Về chất
lượng: ngày càng có những tiến bộ đáng kể
về các chỉ tiêu như tăng trọng, tỉ lệ nạc, năng suất sinh sản, sản lượng thịt,
... trên đàn heo của tỉnh: Số đôi xương sườn đã tăng 0,77 làm tăng chiều dài
thân thịt heo, tăng tỉ lệ thịt nạc trong quày thịt. Tỉ lệ móc hàm và tỉ lệ thịt
xẻ tăng 3,58% và 4,19% một cách tương ứng. Độ dày mỡ lưng trung bình và độ dày
mỡ đo ở sườn 10-12 giảm tương ứng là 14,09mm và 6,18 mm. Tỉ lệ nạc trong quày
thịt tăng từ 42,7% lên 53,78%.
- Về con
giống: các giống heo có năng suất cao đã
được đưa vào nuôi tại nhiều hộ gia đình qua nhiều hình thức như chương trình
Nạc hóa đàn heo của Sở NN và PTNT tỉnh Cần Thơ, Chương trình Heifer của trường
Đại học Cần Thơ, chương trình Khuyến nông và một phần tự phát của người chăn
nuôi. Các giống heo ngoại như Yorkshire, Landrace, Duroc đã thích nghi với điều
kiện chăn nuôi tiến bộ hơn tại nhiều xã ấp. Các con giống này đã cho ra những
thế hệ con lai có năng suất cao và đang thay thế dần các heo giống địa phương.
2. Kết quả điều tra heo đực giống
- Cơ cấu
đàn heo đực giống tỉnh Cần Thơ
Nhóm giống
heo ngoại (Yorkshire, Landrace, Duroc) có số lượng là 408 con, chiếm 72,73%
tổng đàn, nhóm heo lai là 127 con, chiếm 22,63% tổng đàn. Nhóm heo nội chỉ còn
26 con, chiếm 4,63%. Giống heo Yorkshire chiếm phần lớn trong số các giống heo
ngoại được nuôi (87%), sau đó là giống Landrace.Về nguồn gốc các heo đực giống
ngoại người nuôi tìm mua ở các trại lớn trong vùng như Trại Phước Thọ (Vĩnh
Long), Trại Vàm Cống, Vĩnh Khánh (An Giang). Một số ít chủ nuôi hoặc trại quốc
doanh mua lại heo của các trại ở TP. Hồ Chí Minh. Heo được mua khi còn trong
giai đoạn hậu bị.
-
Đặc điểm và phẩm chất tinh dịch heo đực nuôi trong tỉnh Cần Thơ
Số mẫu kiểm tra là 101 mẫu tinh heo.
Bình quân mỗi lần xuất tinh, thể tích tinh dịch qua lọc của heo Yorkshire tỉnh
Cần Thơ là 214,5 ml với nồng độ là 216,2 triệu tinh trùng trong 1 ml tinh dịch,
hoạt lực 80%, độ pH hơi kiềm (7,08), sức kháng 8160. Tổng số tinh trùng tiến
thẳng (VAC) trong một lần xuất tinh của heo đực giống tỉnh Cần Thơ là 45,96 tỉ.
3. Điều tra tình hình nuôi dưỡng,
chăm sóc và khai thác heo đực giống trong chăn nuôi
- Tình hình nuôi dưỡng, chăm sóc và
chế độ làm việc: các trại chăn nuôi theo hướng công
nghiệp với hệ thống chuồng trại đạt yêu cầu kỹ thuật, các hộ tư nhân chăn nuôi
heo đực đa phần đều có chuồng trại khá tốt, nền tráng xi măng, vách tường xây
gạch kiên cố, mái lợp lá hoặc tole. Hơn 70% số hộ được điều tra có máy bơm
nước, giếng khoan hoặc sử dụng nước máy để tắm heo và vệ sinh chuồng trại.
Qui trình phòng bệnh trên đàn heo đực
giống nuôi trong dân chưa được thực hiện chặt chẽ, hầu hết chỉ tiêm phòng theo
lịch của Chi cục Thú y với các loại vaccine phòng các bệnh Lở mồm long móng,
Dịch tả, Phó thương hàn và Tụ huyết trùng. Phần lớn số heo đều không tiêm
vaccine phòng các bệnh gây rối loạn sinh sản như bệnh do Porcine Parvo virus
(PPV), Leptospira ...
- Tình hình sử dụng heo đực giống: do sự mất cân đối về tỉ lệ nọc/nái và vì lợi nhuận nên chủ
heo thường khai thác heo sớm và bắt heo làm việc quá sức. Bình quân heo phối 8
-10 nái/tháng, nhưng trong thực tế số lần phối không phân bố đều trong tháng mà
thường tập trung theo đợt, có khi nọc không làm việc hàng tháng hoặc ngược lại
nhiều trường hợp 1 nọc phối đến 30 nái trong một tháng.
- Tình hình ghi chép, quản lý phối
giống: ở các cơ sở quốc doanh, việc theo
dõi năng suất sinh sản của heo được chú ý, nhưng chỉ chú ý con cái còn về heo
đực giống không có sự theo dõi, kiểm tra đánh giá năng suất sinh sản của heo
đực. Ở các cơ sở chăn nuôi cá thể, việc ghi chép số liệu theo dõi về phối giống
và năng suất sinh sản rất ít được thực hiện, chủ yếu là để phục vụ cho việc thu
tiền phối giống và theo dõi heo cái có lên giống trở lai hay không.
4. Kết quả điều tra tình hình nhiễm
các bệnh Leptospira va Parvovirus ở heo đực tỉnh Cần Thơ
- Tình hình
nhiễm bệnh Leptospirosis: tỉ lệ HĐG
có tỉ lệ nhiễm Leptospira là 47,49%. Trong đó, heo nuôi tại các trại chăn nuôi
tập trung có tỉ lệ nhiễm cao hơn (61,3%) so với heo nuôi tại các hộ gia đình
(47,49%). Tại TP. Cần Thơ, Ô Môn, Thốt Nốt, Long Mỹ có đàn nọc với số lượng lớn
và nhiều hộ chăn nuôi có qui mô khá thì tỉ lệ nhiễm Leptospira lại cao hơn
những huyện như Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thanh có số lượng heo nọc ít. Điều
này cho thấy, hiện nay mật độ nuôi là yếu tố quan trọng nhất trong việc sự lây
nhiễm Leptospirosis.
- Các
chủng Leptospira gây nhiễm: ở tỉnh Cần Thơ có 14 chủng nhiễm Leptospira,
trong đó có 6 chủng nhiễm với tỉ lệ cao theo thứ tự là: L.
icterohaemorragiae: 29,7%; L.canicola: 13,2% L.bataviae:
11,9%; L.panama: 6,8%; L.pyrogenes: 6,8%; L.autrlis: 5,9%
- Tình hình
nhiễm Parvovirus ở đàn heo đực giống tỉnh Cần Thơ qua kết quả xét nghiệm huyết
thanh và xét nghiệm mẫu tinh dịch heo cho thấy: tỷ lệ HĐG nhiễm Parvovirus tại các hộ gia đình cao hơn các
trại chăn nuôi tập trung, trong kết quả xét nghiệm huyết thanh heo ở Phụng
Hiệp, tỉ lệ nhiễm 82,24%; các trại chăn nuôi tập trung có tỉ lệ nhiễm. PPV hiện
diện ở mọi lứa tuổi của đàn heo đực giống, trong đó nhóm heo 13-18 tháng tuổi
có tỉ lệ dương tính cao nhất là 45 mẫu chiếm 43,68%. Heo đực giống tuy không là
đối tượng bị rối loạn sinh sản nhưng là tác nhân lây truyền rất nguy hiểm, cơ
hội tiếp xúc trong đàn nhiều hơn heo nái.
Xét
nghiệm mẫu tinh dịch heo với phản ứng HA xác định kháng nguyên PPV kiểm tra 52
mẫu, cho thấy các hộ gia đình là 23/38 mẫu dương tính, tỉ lệ 60,53%, trong đó
trại chăn nuôi tập trung tỉ lệ dương tính là 4/14 mẫu (28,57%).
5. Tiêu chuẩn heo đực giống
Yorkshire trong tỉnh Cần Thơ:
Heo đực
giống dùng giao phối trực tiếp hoặc sản xuất tinh cho gieo tinh nhân tạo phải
qua kiểm tra năng suất cá thể, có xác nhận kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý
giống do Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Cần Thơ qui định và đạt các tiêu chuẩn như
sau:
- Nguồn
gốc : heo phải có lý lịch rõ ràng, ghi chi tiết các cá thể ông bà, cha
mẹ. Thể hiện rõ đặc điểm ngoại hình của giống Yorkshire.
- Đặc
điểm ngoại hình: tầm vóc to lớn, thân mình dài nhưng không nặng nề. Màu
sắc lông da trắng tuyền (có thể có đốm đen nhỏ trên da). Đầu to, trán rộng, tai
to, đứng. Mõm thẳng hoặc hơi cong. Bụng to gọn. Lưng thẳng hoặc hơi cong. Mông
nở. Đùi to và dài. Có từ 12-16 vú . Hai tinh hoàn săn, đều, nở nang, lộ rõ ra
ngoài.
- Khả
năng sinh trưởng: heo có sức tăng trưởng tốt, theo đúng tiêu chuẩn
giống, tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng thấp (dưới 3 kg). Mức tăng trưởng
của heo đực giống Yorkshire trong năm đầu tiên phải đạt thể trọng sau 12 tháng
là 185 kg.
- Chất lượng tinh dịch:
+ Đối với heo đực phối giống trực tiếp: tỉ lệ phối giống đậu thai xét trên 30 lần phối giống sau cùng, tỉ lệ đậu thai phải trên 75%.
Chất lượng
tinh dịch: 6 tháng kiểm tra/lần phải đạt: thể tích >150 ml, hoạt
lực>0,70, nồng độ>200 triệu/ml tinh dịch
+ Đối với heo đực dùng gieo tinh
nhân tạo: lượng tinh xuất đã lọc >150 ml,
hoạt lực > 0,70, nồng độ tinh trùng >200 triệu/ml, sức kháng >3000, pH
trong khoảng 6,8 đến 7,5, tỉ lệ kỳ hình không lớn hơn 10%.
- Về thú
y: heo đực phải được tiêm phòng định kỳ các bệnh truyền nhiễm như dịch tả,
lở mồm long móng. Định kỳ xét nghiệm các bệnh ảnh hưởng đến sinh sản như:
+ Bệnh
Leptospirosis: heo phải âm tính qua xét nghiệm huyết thanh với hiệu giá
ngưng kết là 1:400 (phản ứng M.A.T). Đối với heo đã tiêm phòng bệnh
Leptospirosis thì hiệu giá ngưng kết là 1:1000.
+ Bệnh
Parvovirus: qua xét nghiệm huyết thanh bằng phản ứng HI, hiệu giá ngưng kết
phải dưới 1:160 (heo chưa tiêm phòng) hoặc 1:640 (heo đã tiêm phòng).
Xét nghiệm
phân hoặc tinh dịch bằng phản ứng HA, hiệu giá ngưng kết phải dưới 1:128
IV. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
1. Kết luận:
- Kết quả điều tra đàn heo đực giống tỉnh Cần Thơ:
Qua điều
tra trực tiếp các cơ sở chăn nuôi ghi nhận được: có 240 hộ chăn nuôi gia đình
và 3 trại chăn nuôi với tổng đàn heo đực giống là 561 con. Trong đó, heo đực
giống ngoại chiếm tỉ lệ 72,73% (408 con), heo đực giống địa phương chiếm tỉ lệ
4,63% (26 con) và heo đực giống lai
chiếm tỉ lệ 22,63% (127 con). Trong các giống heo ngoại, heo Yorkshire chiếm tỉ
lệ cao nhất 63% tổng đàn heo đực và 87%
đàn heo giống ngoại.
- Đặc điểm phẩm chất tinh dịch heo đực:
Bình quân mỗi lần xuất tinh, thể
tích tinh dịch qua lọc của heo Yorkshire tỉnh Cần Thơ là 214,5 ml với nồng độ
là 216,2 triệu tinh trùng trong 1ml tinh dịch, hoạt lực 80 %, độ pH hơi kiềm:
7,08; sức kháng 8160. Tổng số tinh trùng tiến thẳng (VAC) trong một lần xuất
tinh của heo đực giống tỉnh Cần thơ là 45,96 tỉ.
- Tình hình nuôi dưỡng và khai thác heo đực giống:
Các hộ chăn
nuôi heo đực giống có kiến thức về chăn nuôi rất cơ bản. Hầu hết chuồng trại
đạt yêu cầu kỹ thuật, có 78% hộ sử dụng thức ăn hỗn hợp hoặc thức ăn đậm đặc
trong nuôi dưỡng heo đực giống, việc tiêm phòng dịch bệnh được thực hiện với
các loại vaccine phòng các bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả, Phó thương hàn và Tụ
huyết trùng, còn các bệnh Leptospiroris, Parvovirus không được tiêm phòng.
- Tuổi phối
giống lần đầu bình quân là 7,49 tháng. Tuổi loại thải bình quân là 23,65 tháng.
Số lần phối giống bình quân trong tháng là 9,35 lần. Tỉ lệ đậu thai là 86,96 %.
Việc ghi chép số liệu theo dõi về
phối giống và về năng suất sinh sản rất ít được thực hiện.
- Tình hình
nhiễm các bệnh Leptospirosis và Parvovirus:
Bệnh Leptospirosis :
+ Về tỉ lệ nhiễm :
Heo đực giống tỉnh Cần Thơ có tỉ lệ nhiễm Leptospira chung là 47,49%
(104/219 mẫu xét nghiệm) và tỉ lệ nhiễm này không biến động lớn khi đánh giá
trên các yếu tố đặc thù khác như đặc
điểm con giống, lứa tuổi, điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc và chế độ làm việc.
+Về
khả năng lây nhiễm: trong điều kiện chăn nuôi tập trung, bệnh có tỉ lệ lưu
hành cao: heo đực ở các hộ chăn nuôi gia đình có tỉ lệ nhiễm là 45,59%
(88/193), trong khi các trại chăn nuôi tập trung là 61,3% (16/26). Ở loại hình chăn nuôi gia đình, các đơn vị
huyện có số lượng heo đực nhiều như TP. Cần Thơ có tỉ lệ nhiễm cao là 70,78%
(36/51mẫu xét nghiệm) trong khi Phụng Hiệp có số lượng luợng heo đực ít nhất
thì tỉ lệ nhiễm chỉ có 20% (5/25 mẫu xét
nghiệm). Kết quả xét nghiệm của 14 heo nọc và 45 heo nái do số heo nọc nầy phối
giống trực tiếp cho thấy, các serotype Leptospira gây nhiễm giống nhau là Australis,
Canicola, Icterohaemorragiae, Pyrogenes, Hebdomadis, Javanica và Pomona. Do đó, trong điều kiện chăn nuôi
heo đực giống của tỉnh Cần Thơ hiện nay, tình hình lây nhiễm Leptospirosis phụ thuộc chủ yếu qua
tiếp xúc trực tiếp do mật độ nuôi và qua sự phối giống trực tiếp.
Xác định chủng Leptospira hiện diện
trên đàn heo đực giống tỉnh Cần Thơ:
Kết quả xét nghiệm 219 mẫu huyết
thanh cho thấy heo đực giống tỉnh Cần Thơ nhiễm 14 serogroup leptospira là: Australis,
Autumnalis, Bataviae, Canicola, Icterohaemorragiae Pyrogenes, Cynopterie,
Gryppotyphosa, Sejroe, Hebdomadis, Javanica Panama, Pomona, Tarassovi. Trong
đó, có 8 chủng có tỉ lệ nhiễm cao đáng chú ý theo thứ tự là:
Icterohaemorragiae, Canicola, Bataviae, Panama, Pyrogenes, Australis, Pomona, Hebdomadis.
Các mẫu huyết thanh dương tính với 1 chủng gây
nhiễm chiếm tỉ lệ cao nhất là 49,03%, 2 chủng là 30,77% ; 3 chủng là 8,66%, 4
chủng là 6,73% ; 5 chủng 4,81%.
Các serotype có tỉ lệ xuất hiện cao
trong các loại hình nhiễm kết hợp nhiều chủng là: Icterohaemorragiae,
Canicola, Australis, Bataviae, Pomona.
Bệnh
Parvovirus:
Kết quả xét nghiệm PPV bằng phản ứng
HA-HI đã xác định có sự hiện của PPV ở đàn heo đực giống trên địa bàn tỉnh Cần
Thơ. Tập quán cho heo đực phối giống trực tiếp vẫn còn phổ biến trong chăn
nuôi. Do vậy, heo đực giống giữ vai trò gieo rắc mầm bệnh PPV sang cho heo cái.
Kiểm tra huyết thanh heo: trại có 10 mẫu dương tính/26 mẫu xét nghiệm (38,46%), của hộ chăn nuôi gia đình có 93 mẫu dương
tính/152 mẫu xét nghiệm (61,18%).
Kiểm tra
tinh dịch heo: trong 52 mẫu tinh dịch được kiểm tra bằng HA, kết quả cho
thấy: có 27 mẫu dương tính chiếm tỉ lệ 51,92%, trong đó của Trại có 4 mẫu dương
tính/14 mẫu (28,57%) và của các hộ chăn nuôi gia đình 23 mẫu dương tính/38 mẫu
xét nghiệm (60,53%).
2. Đề nghị:
- Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn: ban hành các biện pháp quản lý giống vật nuôi, trong đó qui
định tiêu chuẩn heo đực giống được phép sử dụng và các điều kiện vệ sinh thú
y tại cơ sở.
- Thành lập các trạm truyền giống
gia súc, trước mắt là thụ tinh nhân tạo heo để hạn chế việc lây nhiễm
Leptospirosis, PPV qua việc phối giống trực tiếp.