SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phiên họp Ủy ban WTO/TBT

[13/12/2019 17:54]

Ngày 11/2019 tại Geneva, Thụy Sĩ đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Văn phòng TBT Việt Nam đã tham dự cuộc họp Ủy ban TBT. Phiên họp diễn ra từ ngày 11 – 15/11/2019. Đại diện cho Văn phòng TBT Việt Nam Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó trưởng phòng NCTK, Phụ trách phòng Nghiệp vụ, Văn phòng TBT Việt Nam, Trưởng đoàn, Ông Nguyễn Trọng Nhân, chuyên viên phòng Nghiệp vụ, Văn phòng TBT Việt Nam, Thành viên.

Toàn cảnh cuộc họp

1. Phiên họp không chính thức

1.1 Chủ đề về Tiêu chuẩn

Tại Bản báo cáo đánh giá ba năm lần thứ tám, các Thành viên đã đồng ý tiếp tục tổ chức các phiên họp chủ đề bên cạnh cuộc họp Uỷ ban định kỳ trong giai đoạn 2019-2021 nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm của các bên. Tại cuộc họp Uỷ ban TBT tháng 11/2019 phiên họp chủ đề về Tiêu chuẩn đã được diễn ra, tập trung vào nội dung tham khảo các tiêu chuẩn liên quan khi xây dựng tiêu chuẩn. Ngoài phần trình bày của Ban thư ký, đã có tổng cộng 08 bài trình bày của Ca na đa, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Úc, nội dung xoay quanh kinh nghiệm xây dựng tiêu chuẩn trong thực tiễn.

1.2 Phiên chủ đề thủ tục đánh giá sự phù hợp

Phiên họp không chính thức về chủ đề thủ tục đánh giá sự phù hợp diễn ra trong chiều ngày 12/11/2019 và sáng ngày 13/11/2019 đã có 20 bài trình bày của Tổ chức quốc tế và các nước Thành viên tập trung vào nội dung "Phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI)". Phiên họp này đã khai thác 4 trụ cột chính của hạ tầng chất lượng, bao gồm: công nhận, đo lường, tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp và các trụ cột này hỗ trợ lẫn nhau như thế nào.

1.3. Thông tin từ Ban thư ký

Ban Thư ký của Uỷ ban thông báo một số thông tin như sau:

- Đề nghị các Thành viên công bố toàn văn các biện pháp đã được ban hành trên trang web riêng của mình. Hiện đã có 22 nước Thành viên đáp ứng yêu cầu này, Ban Thư ký sẽ tiếp tục làm việc với các Thành viên còn lại và sẽ cập nhật thông tin trong cuộc họp tiếp theo.

- Cập nhật về tình hình sử dụng hệ thống cảnh báo ePing: Hiện tại đã có hơn 8.300 người dùng đăng ký tài khoản trên ePing, khoảng 45% từ chính phủ và 55% từ khối tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, học viện, các tổ chức khu vực và quốc tế.

- eAgenda: Ban Thư ký khuyến khích các Thành viên sử dụng eAgenda để đưa ra các quan ngại của mình cho cuộc họp Uỷ ban sắp tới (dự kiến vào tháng 2/2020).

2. Theo dõi về các vấn đề liên quan đến quan ngại thương mại

Tại phiên họp chính thức của Ủy ban TBT (ngày 13 - 15/11/2019) có tổng số 64 quan ngại thương mại (STC) của các nước Thành viên WTO đưa ra, trong đó có 13 STC mới và 51 STC cũ. Trong 3 ngày làm việc liên tiếp, các nước Thành viên WTO liên quan đã nêu và phản hồi đối với từng STC.

Tại phiên họp này, Việt Nam tiếp tục gặp quan ngại đối với 02 biện pháp, cụ thể:

Nghị định 116/2017/ND-CP về Điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô (Nghị định 116, bao gồm cả các nội dung liên quan tới Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP (Thông tư 03) và Thông tư 25/2019/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành (Thông tư 25).

Nêu ra quan ngại đối với Nghị định này có Liên minh Châu Âu (EU), Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên bang Nga. Các phái đoàn quan ngại về việc thực hiện nghĩa vụ Minh bạch hóa của Việt Nam đối với Nghị định 116, Thông tư 03 và dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 03 và đề nghị Việt Nam thực hiện việc thông báo các văn bản sửa đổi trong thời gian tới để các Thành viên có cơ hội góp ý.

Luật An ninh mạng (bao gồm cả các nội dung liên quan tới dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng).

Nêu ra quan ngại có các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, và Liên minh Châu Âu (EU). Nội dung quan ngại tập trung chủ yếu vào: Vấn đề minh bạch hóa, Tiến độ xây dựng văn bản, Thực thi Luật và các văn bản hướng dẫn Luật.

Tại cuối phiên họp tháng 11/2019, đoàn Việt Nam nhận được đề nghị làm việc song phương từ 02 Phái đoàn gồm Nhật Bản và Liên minh Châu Âu. Qua đó các bên trao đổi cụ thể về các quan ngại, đại diện Việt Nam đã có buổi thảo luận trả lời cụ thể các nội dung vấn liên quan, Việt Nam tiếp tục tham vấn các ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình hoàn thiện các dự thảo, văn bản.

Liên quan tới phối hợp xử lý quan ngại thương mại và các trao đổi song phương của Việt Nam: Các Bộ chuyên trách vẫn chậm trễ trong việc cung cấp thông tin có liên quan và không cử đại diện tham dự dẫn tới khó khăn trong quá trình trao đổi, làm việc song phương với các nước./.

Theo tbt.gov.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ