Quan ngại của các nước Thành viên WTO đối với Luật An ninh mạng của Việt Nam
Trong biên bản họp của Ủy ban TBT/WTO ban hành tháng 5/2019, Luật an ninh mạng của Việt Nam đã vấp phải một số quan ngại của các nước Thành viên WTO
ảnh minh họa
Các quan ngại cụ thể như sau:
- Quan ngại của phái đoàn Nhật Bản:
Đại diện của Nhật Bản nhắc lại những quan ngại trước đây liên quan đến Luật An ninh mạng của Việt Nam và lưu ý rằng tại cuộc họp trước, Nhật Bản đã yêu cầu Việt Nam thông báo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật an ninh mạng cho Ủy ban TBT và xem xét ý kiến góp ý của các Thành viên. Nghị định chưa được thông báo mặc dù dự thảo Nghị định có hiệu lực vào ngày 01 tháng 1 năm 2019. Do đó, Nhật Bản yêu cầu Việt Nam cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng có hiệu lực của Luật An ninh mạng và Nghị định định hướng dẫn một số điều của Luật an ninh mạng. Nhật Bản bày tỏ quan ngại nếu Nghị định có hiệu lực mà không thông báo cho Uỷ ban. Nhật Bản cũng yêu cầu Việt Nam cung cấp thêm thông tin chi tiết của thuật ngữ "điều kiện an ninh mạng" và các thủ tục dưới dạng hợp pháp. Ngoài ra, Nhật Bản vẫn quan tâm đến các đơn vị có nghĩa vụ tuân thủ yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam và mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định tại các điều 24 và 25 của Nghị định.
- Quan ngại của phái đoàn Hoa Kỳ:
Đại diện của Hoa Kỳ tuyên bố rằng phái đoàn Hoa Kỳ rất thất vọng vì Việt Nam đã không chính thức thông báo Luật An ninh mạng ở dạng dự thảo cho WTO. Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam thông báo Luật và dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều được công bố vào ngày 02 tháng 11 năm 2018 và cho phép tất cả các bên quan tâm được xem xét góp ý kiến. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam xem xét sử dụng phương thức đánh giá rủi ro dựa trên thực tiễn, được chấp nhận rộng rãi và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và xem xét áp dụng quy trình chứng nhận theo Cơ chế Thừa nhận Tiêu chí Chung (CCRA).
- Quan ngại của phái đoàn Liên minh châu Âu (EU)
Đại diện Liên minh châu Âu ủng hộ các ý kiến quan ngại của các nước Thành viên khác và nhắc lại những quan ngại trước đây về tác động kinh tế tiềm ẩn của Luật An ninh mạng cũng như sự tương thích với các cam kết của Việt Nam theo WTO.
Phái đoàn EU hoan nghênh các cuộc tham vấn công khai về dự thảo Luật An ninh mạng đã tạo cơ hội cho Uỷ ban châu Âu và Ban đối ngoại châu Âu tham gia đóng góp ý kiến đối với luật này. Theo thông tin gần đây, Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật an ninh mạng vẫn chưa được thông qua và do đó phái đoàn EU đề nghị Việt Nam thông báo dự thảo nghị định cho Ủy ban TBT vì mục đích minh bạch theo Điều 2.9 của Hiệp định TBT. Việc thông báo sẽ giúp các nước Thành viên WTO có cơ hội phân tích sâu hơn và tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo.
- Quan ngại của phái đoàn Canada:
Phái đoàn Canada cũng ủng hộ các ý kiến quan ngại của các Thành viên khác, nhấn mạnh tầm quan trọng về việc thông báo dự thảo cho WTO cũng như việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng văn bản. Canada lưu ý rằng các sản phẩm công nghệ thông tin của Canada xuất khẩu vào Việt Nam đã được thử nghiệm trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
- Quan ngại của phái đoàn Úc:
Phái đoàn Úc nhắc lại những quan ngại trước đây. Ngoài ra, phái đoàn Úc lưu ý rằng lâu nay Việt Nam được biết đến như một nền kinh tế mở và biện pháp này sẽ làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam, gây tác động đến khả năng khai thác cơ hội từ nền kinh tế kỹ thuật số và thời đại công nghiệp 4.0. Theo như tìm hiểu của phái đoàn Úc, Việt Nam hiện đang xây dựng một dự thảo Nghị định thi hành mới. Do đó, phái đoàn Úc đề nghị Việt Nam tạo cơ hội cho các nước Thành viên WTO tham gia góp ý xây dựng dự thảo này.
- Phản hồi của phái đoàn Việt Nam:
Luật An ninh mạng đã được quốc hội thông qua vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 để đảm bảo rằng hoạt động trong không gian mạng sẽ không gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân. Việt Nam khẳng định Luật an ninh mạng sẽ cung cấp một khung pháp lý đầy đủ và nghiêm ngặt cho các cơ quan chức năng để bảo vệ hiệu quả an ninh quốc gia, đồng thời, bảo vệ một không gian mạng an toàn cho mọi người, tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và internet tại Việt Nam. Việt Nam lưu ý rằng Điều 10 của Luật An ninh mạng áp dụng với mục đích đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống thông tin thuộc về cơ quan nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc gia và có tính chất bí mật. Hơn nữa, Điều này không áp dụng cho các hệ thống không phải là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, bao gồm hệ thống thông tin của khu vực tư nhân trong nước và của các doanh nghiệp từ các quốc gia khác đầu tư vào Việt Nam. Đối với Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật an ninh mạng, Việt Nam đã công bố dự thảo cho phép tất cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đánh giá và góp ý kiến. Cuối cùng, Việt Nam đã nỗ lực xem xét tất cả các ý kiến góp ý và đã làm việc với các tổ chức và doanh nghiệp đại diện nước ngoài để tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Dự thảo Nghị định dự kiến sẽ được hoàn thiện và đệ trình lên chính phủ vào cuối tháng 3 năm 2019.