WTO kêu gọi nhanh mở cửa thương mại quốc tế
Ngày 23/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy đã kêu gọi các nước thành viên tiếp tục đẩy nhanh quá trình mở cửa thương mại quốc tế trong bối cảnh bất ổn kinh tế và các nguy cơ nền kinh tế thế giới rơi trở lại khủng hoảng đang tăng lên.
Ông Lamy cảnh báo bảo hộ mậu dịch đã dành được
chỗ đứng ở nhiều khu vực trên thế giới như là một phản ứng chính trị đối với
những khó khăn kinh tế trong nước mặc dù những khó khăn này không thể giải
quyết bằng bảo hộ mậu dịch.
Các dấu hiệu khác nhau cho thấy sự phục hồi của
xu thế bảo hộ mậu dịch trong chính sách công nghiệp để bảo vệ ngành công nghiệp
trong nước hoặc sử dụng các biện pháp thay thế nhập khẩu để hỗ trợ chính sách
này.
Tuy phần lớn các chính phủ vẫn hạn chế sử dụng
các biện pháp bảo hộ mậu dịch nhưng xu thế này đang tăng lên trong năm 2011
thông qua việc áp đặt các hạn chế thương mại mới.
Trong năm 2011, 339 biện pháp hạn chế thương
mại mới, trong đó có nhiều biện pháp hạn chế mạnh hoặc làm biến dạng thương
mại, đã được ghi nhận trong buôn bán quốc tế, tăng 53% so với năm 2010.
Đáng chú ý là các biện pháp mới về hạn chế xuất
khẩu tăng nhanh nhất tuy chỉ chiếm 19% trong tổng số các biện pháp hạn chế
thương mại.
Các lĩnh vực thương mại bị tác động lớn nhất
bởi các biện pháp mới hạn chế buôn bán là thép và các sản phẩm thép cơ bản, máy
móc và thiết bị, hoá chất hữu cơ, sản phẩm thịt, các sản phẩm từ nhựa, thiết bị
vận tải, ngũ cốc.
Ở lĩnh vực dịch vụ, những biện pháp hạn chế
thương mại áp đặt trong hai năm qua vẫn được duy trì.
Tổng Giám đốc WTO khẳng định phục hồi kinh tế
toàn cầu đến nay vẫn không đủ mạnh để giảm tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước.
Mọi hành động đơn phương bảo hộ nền công nghiệp
trong nước của mỗi thành viên WTO không những không giải quyết được mà còn làm
trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của nước đó cũng như toàn cầu, kích động
những hành động trả đũa gây thiệt hại cho các bên.
Những nguy cơ suy thoái của nền kinh tế thế
giới ngày càng trầm trọng bởi nhận thức không đúng về thị trường mà nhiều chính
phủ đưa ra các phản ứng không thích hợp.
Hệ thống thương mại đa phương là công cụ tốt
nhất để duy trì thương mại tự do trong khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
Các nước thành viên WTO cần tăng cường hệ thống
này để thương mại có thể phát huy được đầy đủ chức năng hỗ trợ phục hồi và phát
triển kinh tế mỗi quốc gia và toàn cầu trong tương lai.