Từ hội thảo “Phòng chống hàng giả và gian lận thương mại” do Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần phát triển Khoa học Công nghệ Vina và báo đối ngoại Việt Nam Economic News phối hợp tổ chức mới đây, một lần nữa cho thấy tình trạng xâm phạm quyền SHTT đang ở mức báo động
|
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó phòng
Hành chính nhân sự Công ty mỹ phẩm LG Vina: Hầu hết các mặt hàng của Công ty
đều bị làm giả, làm nhái. Mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất là phấn trang điểm
Essance. Giá của những sản phẩm thật là 126.000 đồng/hộp, nhưng giá của hàng
giả, hàng nhái chỉ 20.000 - 30.000 đồng/hộp, và đôi khi hàng giả còn có mẫu
mã, kiểu dáng đẹp hơn hẳn hàng thật nên bằng mắt thường, người tiêu dùng sẽ
không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
|
|
Hiện nay, hàng giả mạo, hàng xâm
phạm quyền SHTT xuất hiện ở tất cả các địa bàn, từ cửa hàng, chợ, siêu thị,
trung tâm thương mại, cho đến các cơ quan, DN và hộ gia đình.
Theo báo cáo của hội nghị toàn quốc
về SHTT năm 2011, số lượng các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong năm
như: Xử lý 1.561 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hàng, phạt trên 9 tỷ đồng; xử
phạt 107 vụ xâm phạm quyền kinh doanh công nghiệp, với số tiền trên 264 triệu
đồng; xâm phạm sáng chế là 4 vụ, phạt trên 18 triệu đồng; vi phạm chỉ dẫn địa
lý là 39 vụ, phạt trên 18 triệu đồng…
Điển hình như vụ Công ty TNHH Ánh My
(phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) đăng ký giấy phép sản xuất, kinh
doanh mỹ phẩm nhãn hiệu AM với lời quảng cáo “hiệu quả sau năm-bảy ngày sử
dụng”.
Tuy nhiên, thực tế kết quả thử
nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 ngày 21-9-2010 cho thấy,
các loại mỹ phẩm của Ánh My như kem dưỡng trắng-tái tạo da; kem trắng mặt và
kem trị nám-tàn nhang có hàm lượng thủy ngân (Hg) vượt mức giới hạn cho phép từ
14 đến 29 lần.
Trên bao bì AM lại ghi địa chỉ “ma”:
Sản xuất tại Cần Thơ, để người tiêu dùng không truy được nguồn gốc. Một trường
hợp nữa là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục Hải quan
TP.HCM đã phát hiện lô hàng nước tăng lực của Công ty TNHH Quốc Tế Việt vi phạm
nhãn hiệu “Carabao, hình” và tạm giữ toàn bộ lô hàng gồm 139.728 lon nước ngọt,
324.420 lon vỏ nhôm, 156 thùng carton mang nhãn hiệu “Arabao và hình”. Qua điều
tra cho thấy, Công ty TNHH Quốc Tế Việt đã thuê Công ty TNHH Chế biến thực phẩm
và Công ty TNHH Tân Quang Minh gia công, sản xuất với khối lượng lớn sản phẩm
nước tăng lực mang nhãn hiệu “Arabao và hình”.
3 Công ty này đã có hành vi sản
xuất, gia công nước tăng lực mang nhãn hiệu “Arabao và hình”, xâm phạm nhãn
hiệu “Carabao, hình” của Công ty Carabao Tawangdang Co.,Ltd (Thái Lan) đang
được bảo hộ tại Việt Nam. Vụ việc này đã được UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt
với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng và tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.
Theo bà Trương Thị Tuyết Mai, đại
diện Cục Sở hữu trí tuệ (Văn phòng đại diện phía Nam), cơ chế xử lý vi phạm về
SHTT còn có sự khác nhau giữa các ngành, thậm chí trong cùng một lực lượng;
công tác xử lý còn tùy tiện, thiếu tính khoa học. Vì vậy, Nhà nước cần hoàn
thiện các văn bản pháp quy về SHTT theo hướng thống nhất giữa các văn bản, dễ
hiểu, dễ áp dụng và có tính răn đe cao hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ
tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để tự
bảo vệ mình, người tiêu dùng cần phải kiểm tra hàng hóa trước khi nhận,
lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...