SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

“60% người tiêu dùng Việt Nam mua phải hàng giả”

[09/12/2011 08:56]

Thời gian qua, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phát triển và tinh vi hơn. Hậu quả của nó không chỉ làm thiệt hại đến sản xuất kinh doanh của các DN làm ăn chân chính, đến môi trường đầu tư mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, sức khỏe người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn ông Võ Văn Quyền- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang làm đau đầu các nhà quản lí, DN và cả người tiêu dùng. Thực trạng hiện nay của vấn nạn này như thế nào, thưa ông?

Theo báo cáo (chưa đầy đủ) của Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố, năm 2011, các lực lượng chức năng đã kiểm tra trên 480 nghìn vụ, xử lý trên 180 nghìn vụ vi phạm pháp luật với tổng số thu trên 3.000 tỉ đồng, trong đó xử phạt hành chính trên 900 tỉ đồng, phạt và truy thu thuế trên 1.500 tỉ đồng, trị giá hàng tịch thu 600 tỉ đồng.

Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thì hiện nay có tới 60% người tiêu dùng Việt Nam mua phải hàng giả, riêng tại thị trường TP.HCM 35% sản phẩm tiêu thụ trên thị trường là hàng giả.

Nhưng thực tế trên thị trường, số lượng hàng giả, hàng nhái đang kinh doanh, lưu thông còn lớn hơn nhiều so với số vụ cơ quan quản lí phát hiện và xử lý trong thời gian qua. Đặc biệt bất cứ mặt hàng nào có giá trị lớn và lãi càng cao thì hàng giả, hàng nhái càng phổ biến.

Trong các sản phẩm bị làm giả nhiều nhất thì có trên 50% là mặt hàng mỹ phẩm cho phụ nữ, ngoài ra còn có các mặt hàng như: Phân bón, thuốc trừ sâu và các sản phẩm thuốc phục vụ sức khỏe cho con người...

Vấn nạn hàng giả không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới tổng giao dịch hàng giả, hàng nhái chiếm từ 5 đến10%, thậm chí có chuyên gia nói, cứ 10 sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thì có 1 sản phẩm là hàng giả.

Thưa ông, vậy nguyên nhân chính của việc khó khống chế được tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường hiện nay là gì?

Một trong những nguyên nhân chính khiến hàng giả, hàng nhái khó giảm chính là thu nhập của người tiêu dùng còn thấp, chênh lệch giữa giá hàng hiệu và hàng giả quá lớn. Người bán vì hám lợi mà sẵn sàng trộn hàng giả vào để bán như hàng thật. Hàng thật thì tỷ lệ chiết khấu ở mức nhất định nhưng bán hàng giả thì lời hơn gấp đôi.

Nhiều khi chúng tôi nhận được thông tin về sản phẩm nào đó bị làm giả, làm nhái nhưng khi liên hệ với DN sản xuất hàng thật để điều tra, xử lý lại không nhận được sự hợp tác do sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của DN. Đặc biệt đến 99% kiến nghị của khách hàng về kiểm soát hàng hóa đều là của các DN nước ngoài chứ các DN trong nước hầu như không có.

Các DN cứ nghĩ rằng đang sản xuất cái mà chúng ta có, đương nhiên chúng ta là những người sở hữu hợp pháp. Còn những quy định về sở hữu trí tuệ, những tổ chức quốc tế bảo vệ quyền lợi DN thì chưa được DN Việt Nam tiếp cận. Các quy định pháp lý vẫn còn rất chồng chéo, thiếu tính thực thi.

Tôi hy vọng qua những vụ việc như Vinataba, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc… và mới đây là cà phê Buôn Ma Thuột, sẽ là bài học cảnh tỉnh DN, không chỉ bảo vệ thương hiệu tại thị trường nội địa mà phải vươn xa hơn, trước hết là ở những nước trong khu vực, thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng.

Giải pháp của vấn đề này là gì, thưa ông?

Muốn khắc phục được điều này, trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm, các DN cần tiết giảm chi phí để hạ giá thành, qua đó hàng giả, hàng nhái cũng không có cơ hội để tồn tại.

Tuy nhiên, một yếu tố không thể thiếu trong công tác phòng chống hàng nhái, hàng giả là sự hợp tác của các DN và các chủ nhãn hiệu hàng hóa cũng như những người mua hàng.

Việc đầu tiên DN cần phải làm đó là xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa, biểu tượng kinh doanh, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, bí mật kinh doanh.

Muốn chống hàng giả thì việc để DN tự làm là không hiệu quả, mà cần có sự nỗ lực của toàn cộng đồng DN. Bên cạnh đó những định chế của luật pháp phải được ban hành sát với thực tế, chi tiết cho từng hành vi vi phạm và được thực thi bởi một lực lượng chống hàng giả đủ mạnh.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức được hết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc đấu tranh chống hàng giả. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, trong đó, nêu rất rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của các nhà NK, phân phối, sản xuất trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, người tiêu dùng có quyền được biết thông tin hàng hóa từ các nhà NK, phân phối kinh doanh, nhất là hệ thống hóa đơn chứng từ của các hàng hóa đó để chứng minh đó là hàng thật.

Ngược lại, người tiêu dùng khi gặp phải hàng giả cũng có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan để có căn cứ chống lại các hành vi vi phạm. Điều đó, trước mắt để bảo vệ người tiêu dùng, còn lâu dài là bảo vệ môi trường cạnh tranh, môi trường luật pháp. DN sản xuất trong môi trường lành mạnh, cho ra sản phẩm tốt, cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, giá cả sản phẩm chứ không phải bằng cách làm giả, làm nhái.

Sắp tới tết Nguyên đán 2012, hàng giả, hàng nhái sẽ được dịp xuất hiện nhiều hơn. Ban Chỉ đạo 127 T.Ư và lực lượng Quản lý thị trường đã có những giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

Thông thường mỗi năm đều có những thời điểm mà sức tiêu thụ tăng đột biến, cung không đáp ứng kịp cầu. Đây chính là kẽ hở, tạo điều kiện cho các loại hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tung ra thị trường. Do đó, Ban chỉ đạo 127/TƯ đã có chỉ thị cho các lực lượng phải kiểm tra, kiểm soát sát sao, nhất là những mặt hàng trọng điểm, tuyến trọng điểm.

Đối với khu vực thành thị thì ở những chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị..., chúng tôi đều có kế hoạch kiểm tra những mặt hàng thiết yếu. Hiện, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phối hợp đồng bộ, trực tiếp thành lập các đoàn liên ngành ra quân kiểm tra, chỉ đạo trên các địa bàn, góp phần giảm thiểu và đẩy lùi vấn nạn hàng giả không chỉ trong dịp tết Nguyên đán mà còn cả những dịp khiến nó có điều kiện nảy nở, phát triển.

Đối với vùng nông thôn, các lực lượng chuyên môn phải nắm địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Nếu phát hiện những ổ nhóm lớn thì lực lượng Công an tiến hành xử lý hình sự, còn vụ việc nhỏ lẻ thì xử phạt hành chính để lập lại trật tự thị trường.

Xin cám ơn ông!

baohaiquan.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ