SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của những startup được vinh danh tại giải thưởng I-Star

[03/03/2020 09:36]

Sau 2 năm tổ chức, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều startup với những giải pháp sáng tạo đột phá.

Lễ trao giải I-Star 2019.

Giải thưởng I-Star được tổ chức từ năm 2018 nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM.

Trong 2 năm tổ chức, giải thưởng đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều startup với những giải pháp sáng tạo, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh trong tương lai. Dưới đây là các startup với ý tưởng độc đáo nhận giải thưởng I-Star trong các năm qua.

Vexere: Startup triệu đô thay đổi ngành xe khách

Được thành lập từ tháng 7/2013, Công ty cổ phần VeXeRe là đơn vị đi đầu trong việc cách mạng hóa ngành xe khách Việt Nam với 3 giải pháp chính: đặt vé xe trực tuyến cho hành khách, phần mềm quản lý xe cho nhà xe và phần mềm hỗ trợ bán vé cho đại lý.

Ý tưởng tạo ra sản phẩm này của founder Trần Nguyễn Lê Văn xuất phát từ những ngày Tết xa quê của anh trên đất Mỹ. Lúc này, anh đọc tin tức thấy được hình ảnh người dân vất vả xếp hàng chờ mua vé xe tết, thậm chí nhiều công nhân phải mang chăn chiếu ra bến xe, nhà ga chờ mua vé.

Vexere đã gọi vốn thành công từ nhiều nhà đầu tư lớn ở Châu Á.

Khi đó, trong đầu Lê Văn nảy ra câu hỏi “Tại sao mình không xây dựng hệ thống đặt vé xe khách trực tuyến tại Việt Nam để người dân đỡ vất vả với việc mua vé?” Lúc này, chàng du sinh Mỹ bắt đầu thực hiện dự án để trả lời cho câu hỏi đó của mình.

Tại Việt Nam, ước tính có hơn 24 triệu người đi lại bằng xe khách với hơn 100 triệu vé xe bán ra mỗi năm. Thử thách đầu tiên mà Vexere phải đối mặt là thói quen mua vé và quản lý thủ công của khách hàng cũng như phần lớn các hãng xe tại Việt Nam. Vexere không phải người đầu tiên thực hiện điều này, nhưng là người thành công nhất tính đến thời điểm này.

Trong thời gian đầu, founder Lê Văn và các cộng sự phải tư vấn, làm việc miễn phí cho một số nhà xe để tạo niềm tin. Ngoài việc hỗ trợ xây dựng hệ thống số hóa, anh còn phải làm nhân viên bán vé khi nhà xe thiếu người. Mặc dù công nghệ đem lại rất nhiều sự tiện lợi, nhưng không phải ai cũng thấy được và có ý định thay đổi.

Founder Trần Nguyễn Lê Văn (giữa) của Vexere đã nung nấu ý tưởng từ khi còn là du sinh tại Mỹ.

Sau gần 7 năm với 4 vòng gọi vốn, VeXeRe đã gọi vốn thành công từ ba nhà đầu tư uy tín ở châu Á: Woowa Brothers, NCORE VENTURES, Access Ventures cùng một nhà đầu tư ẩn danh khác. Trong 3 năm gần nhất, Vexere luôn tăng trưởng ở mức 300%/năm, hơn 3 triệu lượt truy cập mỗi tháng, dù rất ít các hoạt động quảng bá, tiếp thị.

Đến nay, VeXeRe đã kết nối với hơn 2.000 nhà xe và bến xe trên cả nước, cung cấp hơn 5.000 tuyến đường, mỗi ngày hệ thống này bán ra hơn 400.000 vé xe (tương đương 40% tổng lượng vé bán ra trên thị trường). Không chỉ đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, công ty cũng được cộng đồng đánh giá cao bởi những hoạt động tặng vé xe cho công nhân, tân sinh viên.

Với những thành tích ấn tượng và giải pháp giúp thay đổi xã hội, Vexere là một trong ba startup khủng đã được vinh danh tại I-Star 2018. Công ty cho biết mặc dù đã phát triển từ nhiều năm trước đó, nhưng giải thưởng này chính là một sự công nhận những nỗ lực của doanh nghiệp trong hành trình phục vụ cộng đồng.

“Mặc dù công ty đã phát triển từ nhiều năm trước và đã có các hướng đi cho riêng mình, nhưng giải thưởng thật sự đã giúp ích rất nhiều, giúp mình cảm thấy được khích lệ. Ở giải thưởng này, sản phẩm của mình ngoài được các cơ quan, ban ngành đánh giá thì chính độc giả, người dân cũng biết đến mình và công nhận mình. Bên cạnh đó, giải thưởng hỗ trợ truyền thông cho công ty rất tốt, từ đó công ty gọi vốn được thành công và thậm chí là được rót vốn từ các unicorn lớn tại Châu Á”, anh Lương Ngọc Long, Đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ của Vexere, chia sẻ.

689Cloud và giải pháp bảo mật “trên mây” cho doanh nghiệp

Trong xu hướng phát triển công nghệ, nhu cầu sử dụng dịch vụ dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp ngày càng tăng cao, đó là yếu tố giúp các công ty tăng lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí và tăng hiệu suất. Bên cạnh đó, vẫn còn mối lo ngại lớn của ứng dụng đám mây trong doanh nghiệp đó chính là bảo mật thông tin.

Theo IBM Security, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 120.000 trường hợp tấn công, đánh cắp dữ liệu trên mạng của các doanh nghiệp, dẫn tới thiệt hại hàng triệu USD. Ngoài ra, công nghệ đám mây hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn để quan lý thông tin giữa các phòng ban trong doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

689 ra đời như một “cứu cánh” cho doanh nghiệp và tổ chức chính phủ khi được trang bị những công nghệ bảo mật hiện đại.

Đứng trước những vấn đề này, 689Cloud ra đời như một “cứu cánh” có trang bị công nghệ bảo mật IRM (Information Right Management) với chức năng bảo mật được đính kèm trên mỗi tài liệu, do đó cho dù tài liệu đã được chia sẻ ra bên ngoài cơ quan, tổ chức, hay bị đánh cắp thì chỉ những người dùng được cấp quyền mới có thể xem được tài liệu.

Với công nghệ vượt trội nâng tầm bảo mật, 689Cloud không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết được bài toán khó về an toàn dữ liệu mạng, mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho các tổ chức chính phủ; tổ chức giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng;...

Anh Johnny Le, Giám đốc điều hành của 689Cloud.​​​​​​​

Được ra mắt vào tháng 10/2017, chỉ trong vòng 1 năm sau đó, công ty đã có những khách hàng lớn “chọn mặt gửi vàng” như Ngân hàng Quốc tế VIB, Công viên phần mềm Quang Trung, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Ngân hàng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM,... và nhận được sự hợp tác từ FPT, Amazon, RICOH hay Shinhan,...

689Cloud đã được vinh danh là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại I-Star 2019. CEO Lê Xuân Anh của công ty cho biết: “Thị trường bảo mật ở Việt Nam còn nhỏ và hạn chế, đây vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội để công ty mở rộng thị trường trong nước, và đó cũng là đường đi sắp tới của công ty”.

Nói về cuộc thi, CEO 689Cloud cho biết: “Giải thưởng I-Star thật sự là một bước đệm, một bệ phóng giúp công ty phát triển vươn xa hơn. Trước đây, công ty của chúng tôi chỉ quảng cáo cho đối tượng doanh nghiệp, nhưng giờ đây khách hàng cá nhân với nhu cầu bảo mật cá nhân cũng liên hệ chúng tôi”.

BusMap không chỉ là ứng dụng cho xe bus

Với hơn 5 năm hỗ trợ thông tin các tuyến xe buýt dành cho người dân TP.HCM, 3 năm tại Hà Nội và mới đây là Đà Nẵng, ứng dụng BusMap đang dẫn đầu thị trường ứng dụng giao thông công cộng ở Việt Nam, đạt hơn 1 triệu lượt tải với hơn 400.000 người dùng thường xuyên mỗi tháng.

BusMap sở hữu tính năng chỉ đường đi xe buýt thông minh với thuật toán được tác giả tự phát triển, giúp tối ưu hóa cho riêng hệ thống xe buýt tại Việt Nam cũng như tiết kiệm chi phí vận hành cho sản phẩm. Bên cạnh đó, giao diện tra cứu xe buýt trên BusMap thân thiện dễ sử dụng cho người đi xe buýt, kể cả những người mới bắt đầu sử dụng loại hình giao thông công cộng này.

Người dùng có thể tra cứu tất cả mọi thông tin về các tuyến xe buýt từ biểu đồ giờ, danh sách trạm dừng, đường đi, giá vé, thông tin về xe buýt, đến đánh giá chất lượng,... một cách đầy đủ và nhanh chóng nhất. Với việc được sự hỗ trợ về mặt dữ liệu từ Sở GTVT TP.HCM, BusMap luôn được cập nhật dữ liệu mới nhất.

Kể cả khi không có Internet, BusMap vẫn có thể hoạt động bình thường với bản đồ offline tích hợp sẵn bên trong ứng dụng, người dùng vẫn có thể dùng BusMap để tìm đường đi, tra cứu hay theo dõi lộ trình một cách bình thường, đây là một trong những điểm đặc biệt của BusMap mà không sản phẩm nào khác có được.

Trung bình mỗi tháng có hơn 10 triệu lượt người sử dụng BusMap tại TP.HCM để phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe buýt, chiếm khoảng 20% số lượt đi xe buýt hằng tháng. Điều đó cho thấy tác động không nhỏ của BusMap về mặt xã hội trong cộng đồng người dùng xe buýt tại TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Được mệnh danh là “thần đồng lập trình”, anh Lê Yên Thanh với sản phẩm BusMap đã giúp cải thiện bộ mặt giao thông công cộng ở các thành phố lớn.

BusMap thường xuyên làm việc với các trường học ở thành phố để giới thiệu ứng dụng đến với các bạn học sinh, sinh viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các bạn sử dụng phương tiện giao thông công cộng này. Qua đó ứng dụng đẩy mạnh phong trào sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong người dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hỗ trợ cho bài toán phát triển đô thị bền vững trong tương lai.

Lê Yên Thanh, CEO BusMap, cho biết: “Không chỉ là một ứng dụng, tôi kỳ vọng BusMap có thể tạo ra văn hóa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng của người dân, giảm số lượng người đi xe cá nhân, từ đó giảm áp lực về giao thông”.

Nhờ những tính năng hữu dụng và cách thức sáng tạo để giải quyết các nhu cầu trong xã hội, BusMap đã được vinh danh là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại I-Star 2019.

Phát huy cá tính nổi trội để đổi mới sáng tạo

Các tác phẩm dự thi đạt giải I-Star trong 2 năm qua đều được đánh giá cao về ý tưởng lẫn tính thực tế khi áp dụng vào cuộc sống, dù lúc đầu nghe qua chúng có vẻ khá xa vời và khó ứng dụng.

Anh Ngọc Long từ công ty Vexere cho biết: “Theo một thống kê gần đây, số lượng bằng sáng chế đang được tăng nhanh qua từng ngày và giữ mức tăng kỷ lục. Trong thời buổi mà người người nhà nhà ai cũng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, thì đây đã là chuyện tất yếu mà nếu không làm mình sẽ thất bại”.

Giám độc công nghệ Vexere cũng chia sẻ mặc dù ý tưởng của dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế là người dân không thể mua vé online, dẫn đến việc đặt vé xe quá khó khăn. Nhưng không phải cứ tạo ra một nền tảng đặt vé trực tuyến là sẽ thành công, mà thay vào đó cần phải tìm ra cách làm hiệu quả để kết nối được nhà xe với hành khách lẫn đại lý.

Trong khi đó, anh Johnny Le đại diện 689Cloud nhìn nhận: “Đổi mới sáng tạo giúp tạo ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới chưa từng xuất hiện trong quá khứ, do đó người lao động có thể tìm được công việc dễ dàng hơn do thị trường rộng mở, nhìn xa dẫn đến thúc đẩy kinh tế quốc gia và nâng cao sự sáng tạo trên quy mô quốc gia”.

Anh lấy thực tế từ câu chuyện của mình, cho biết nhu cầu bảo mật vốn không được nhiều người xem là thiết thực mà thấy đó như một thứ xa vời. Nhưng thông qua cách làm sáng tạo, các doanh nghiệp khách hàng và thậm chí là bất cứ ai trong khối doanh nghiệp, cũng thấy được sự cần thiết của bảo mật và từ đó tạo ra một ngành nghề mới về bảo mật trực tuyến.

Mùa giải mới năm 2020 của Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) sắp sửa bắt đầu. Trước những tiến bộ của xã hội và xu hướng mới của công nghệ, giải thưởng năm nay hứa hẹn sẽ chứng kiến sự bùng nổ của nhiều ý tưởng độc đáo, nhằm hướng đến một xã hội văn minh, hiện đại trong tương lai không xa.

Khởi nghiệp phải đi lên từ cộng đồng

Khởi nghiệp là môi trường tạo ra những ý tưởng đột phá, chưa từng xuất hiện trong quá khứ, nhưng sự đột phá này cũng phải được sinh ra để phục vụ cộng đồng, và đó cũng là tiêu chí bình chọn của Giải thưởng I-Star trong 2 năm vừa qua.

TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM

Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Giải thưởng I-Star tổ chức bao quát trong hầu hết các thành phần, các lĩnh vực khởi nghiệp. Những tác phẩm dự thi là những sản phẩm khởi nghiệp đã diễn ra trong thực tế, đã góp phần thay đổi cuộc sống chứ không phải là ý tưởng còn nằm trên giấy. Ngoài ra, chúng ta có thể gọi giải thưởng này là giải thưởng cộng đồng, bởi vì ngoài phần đánh giá và bình chọn của hội đồng chuyên môn, thì chính cộng đồng cũng có quyền đề xuất sản phẩm và biểu quyết bình chọn cho các dự án”.

Các dự án khi tham gia cuộc thi còn được hỗ trợ rất tốt về mặt truyền thông, cộng đồng khởi nghiệp và xã hội sẽ biết đến các dự án như là một sản phẩm khởi nghiệp được phát triển vì cộng đồng, như Vexere giải quyết khó khăn trong mua vé xe hay BusMap giúp người dân đi lại bằng phương tiện công cộng dễ dàng hơn.

Quang Niên

Xem bản tin gốc tại đây

www.khampha.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ