SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của kali phun lá giai đoạn tiền thu hoạch đến năng suất và phẩm chất trái xoài Châu Nghệ sau thu hoạch.

[12/12/2011 21:18]

Thí nghiệm do Huỳnh Thị Chí Linh và TS. Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông Nghiệp và Sinh Học Ứng Dụng, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm xác định nồng độ và dạng phân kali thích hợp để gia tăng năng suất, phẩm chất trái và kéo dài thời gian bảo quản trái sau thu hoạch.

Xoài Châu Nghệ rất được ưa chuộng trên thị trường nội địa, hiện xoài đã được đăng ký thương hiệu và có tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên cần tiếp tục nâng cao năng suất và phẩm chất. Kali là một dưỡng chất có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và phẩm chất của nông sản (Suelter, 1970), nhất là trên cây ăn trái như làm tăng độ cứng, tăng hàm lượng tinh bột, tăng lượng đường trong trái (Daryl và Brown, 1993). Ngoài ra, kali còn giúp cây trồng tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường (Viện Lân và Kali Canada, 1995), từ đó góp phần tăng năng suất và phẩm chất nông sản khi thu hoạch. Ở đồng bằng sông Cửu Long, phun kali qua lá trên xoài Cát Hòa Lộc cho kết quả tốt (Mai Thu Hương, 2003), nhưng trên giống xoài Châu Nghệ chưa được nghiên cứu.

Để gia tăng năng suất và phẩm chất xoài Châu Nghệ, một thí nghiệm được thực theo thể thức khối hoàn toàn ngẩu nhiên tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh với 7 nghiệm thức gồm 1 nghiệm thức đối chứng và 6 nghiệm thức phun KCl, KNO3 và K2SO4 ở 2 nồng độ là 2 và 4 g/l. Thí nghiệm có 6 lần lặp lại. Phân được phun qua lá và trái 2 tuần một lần, kể từ 1 tuần sau khi đậu trái đến trước khi thu hoạch 2 tuần, trên cây xoài Châu Nghệ 12 năm tuổi.

Kết quả thí nghiệm cho thấy phun KNO3 nồng độ 2 g/l trước thu hoạch đã làm tăng phẩm chất trái xoài Châu Nghệ và cho năng suất cao nhất (111,4 kg/cây). Phun KNO3 ở nồng độ 2 g/l cho lợi nhuận tăng thêm cao nhất (272.000 đồng/cây) và chi phí tăng thêm chỉ ở mức trung bình (49.600 đồng/cây) so với các nghiệm thức xử lý khác, đồng thời cũng làm cho trái chín chậm hơn 4 ngày so với đối chứng. Bên cạnh đó, nhóm tác giả đề xuất với điều kiện xoài Châu Nghệ tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, có thể phun KNO3 ở nồng độ 2 g/l qua lá và trái 2 tuần một lần, bắt đầu phun 1 tuần sau khi đậu trái đến trước khi thu hoạch 2 tuần để làm tăng năng suất, phẩm chất và kéo dài thời gian chín của trái.

Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ