Thực thi nghĩa vụ minh bạch hóa trong vấn đề cải cách WTO
Vào tháng 6 năm 2019, một loạt các nước gồm Argentina, Canada, Costa Rica, EU, Nhật Bản, New Zealand, Đài Loan Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đưa ra một số các bước đề nghị áp dụng đối với các nước Thành viên không tuân thủ nghĩa vụ minh bạch hoá
Trong đó, các bước đề nghị bao gồm:
- Các nước Thành viên nêu tên những nước chậm thông báo;
- Đại diện của nước Thành viên bị nêu tên phải trả lời sau khi tất cả các nước đã nêu ý kiến (nhưng trước phần nêu ý kiến của các quan sát viên);
- Khi nước chậm thông báo nêu ý kiến trong cuộc họp Đại hội đồng nước đó phải được xác định rõ;
- Ban thư ký sẽ phải báo cáo thường xuyên cho Hội đồng thương mại hàng hoá về tình trạng thông báo của các nước thành viên;
- Đại diện của nước Thành viên chậm thông báo sẽ không được đề cử vào vị trí chủ trì các tổ chức của WTO. Thậm chí, nếu vẫn chậm thực hiện nghĩa vụ thông báo, các nước sẽ phải nộp phí với mức bổ sung 5% trên tổng mức đóng góp thông thường của Thành viên cho ngân sách của WTO. Phí phạt này sẽ được sử dụng vào mục đích hỗ trợ kỹ thuật về nghĩa vụ thông báo thông qua Viện hợp tác kỹ thuật và đào tạo (ITTC) của WTO. Liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại TBT, Uỷ ban TBT WTO được đánh giá là một trong các Uỷ ban hoạt động hiệu quả nhất của WTO. Các phiên họp của Uỷ ban TBT là diễn đàn để các nước Thành viên đưa ra những ý kiến góp ý của mình đối với các biện pháp TBT của các nước Thành viên khác. Đây cũng là cơ hội để các nước làm việc song phương, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thương mại do những chính sách liên quan tới TBT gây ra. Việc thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá hay thông báo là một trong những nghĩa vụ quan trọng của Hiệp định TBT đảm bảo tính dễ dự đoán của các biện pháp TBT khi xây dựng và ban hành, qua đó giảm thiểu các tác động thương mại không cần thiết. Những kinh nghiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá của Hiệp định TBT để cải thiện hoạt động của Ủy ban TBT và nhân rộng ra các cơ quan khác của WTO cũng là một trong các đề xuất, sáng kiến mà các nước Thành viên WTO đưa ra trong quá trình nêu ý kiến về việc cải cách WTO. Tuy nhiên, như thực tế đã nêu ở trên, không phải nước Thành viên WTO nào cũng thực hiện tốt nghĩa vụ minh bạch hoá hay thông báo về TBT, kể cả các nước phát triển. Để có thể thực hiện được các sáng kiến mà các nước đã nêu ở trên đối với việc thông báo TBT không phải dễ dàng vì theo Hiệp định TBT các nước có thể không cần thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá nếu đánh giá biện pháp của mình được xây dựng và ban hành không gây cản trở thương mại quá mức cần thiết để nhằm thực hiện các mục tiêu hợp pháp của nước đó như bảo vệ sức khoẻ, an toàn của người dân, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường… Trên thực tế, nhiều nước thành viên WTO đã lý luận và giải trình về việc không thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá của mình bằng cách giải thích biện pháp của mình không gây rào cản không cần thiết cho thương mại, không cản trở thương mại và đang được xây dựng nhằm mục tiêu hợp pháp.
Như vậy có thể thấy để nghĩa vụ minh bạch hoá thực sự phát huy được vai trò của mình trong việc tạo ra môi trường thương mại dễ dự đoán và giúp thuận lợi hoá thương mại, bản thân các nước Thành viên WTO là nước phát triển cần phải tuân thủ triệt để, nêu gương vì đây là những nước đã có đầy đủ cơ sở để thực hiện nghĩa vụ. Các nước đang phát triển cần được hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt trong việc nâng cao vai trò của Cơ quan thông báo quốc gia tại các nước Thành viên, giúp Chính phủ các nước hiểu rõ vai trò của các cơ quan này trong việc thực thi nghĩa vụ minh bạch hoá của nước mình. Thêm vào đó, các nước Thành viên WTO cũng cần tích cực nêu sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt về minh bạch hoá làm cơ sở để các nước Thành viên WTO khác thực hiện.