SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quan ngại đối với Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc của Indonesia về an toàn đồ chơi

[27/04/2020 09:07]

Trong biên bản họp của Ủy ban TBT/WTO ban hành tháng 01/2020, Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc của Indonesia về an toàn đồ chơi được thông báo cho WTO theo mã G/TBT/N/IDN/64, G/TBT/N/IDN/64/Add.3 đã tiếp tục vấp phải quan ngại từ các nước Thành viên WTO.

Các quan ngại cụ thể như sau:

- Quan ngại của Phái đoàn Liên minh châu Âu:

Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng quan ngại đối với biện pháp này đã được đưa ra nhiều lần trong các cuộc họp của Ủy ban TBT trước đây, đặc biệt là các nội dung sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc của Indonesia (SNI) đối với Đồ chơi. Sửa đổi đã đưa ra Kế hoạch lần thứ 5, áp dụng kiểm toán và kiểm tra các cơ sở sản xuất đồ chơi thay cho việc yêu cầu thử nghiệm từng lô 6 tháng/lần - một yêu cầu có tính chất phân biệt đối xử trước đó. EU bày tỏ quan ngại về việc triển khai toàn bộ Kế hoạch lần thứ 5 này, EU đề nghị Indonesia làm rõ liệu các cuộc kiểm toán, kiểm tra và thử nghiệm có được tiến hành kịp thời và hiệu quả theo kế hoạch mới này hay không?

Ngoài ra, việc triển khai các văn bản Hướng dẫn dự kiến sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về các yêu cầu đối với nhà nhập khẩu đồ chơi chưa được công bố. Về vấn đề này, Liên minh châu Âu hiểu rằng Trung tâm Tiêu chuẩn hóa đã ban hành Thông tư nội bộ gần đây (số 257/BPPI/VIII/2019) về quy trình chứng nhận đồ chơi theo Kế hoạch lần thứ 5, trong đó có bổ sung nội dung về kiểm toán nhà máy và/hoặc lấy mẫu sản phẩm và thử nghiệm cho các sản phẩm mới được tiêu thụ trên thị trường sáu tháng một lần. Những yêu cầu này sẽ được áp dụng ngay cả khi nhà sản xuất đã có được chứng nhận về cơ sở sản xuất của họ - một chứng nhận có hiệu lực trong 04 năm. Do đó, Liên minh châu Âu đề nghị Indonesia làm rõ mục đích của kinh tế quy định này. Hơn nữa, quy định này dường như rất khó khăn để đáp ứng vì sẽ yêu cầu các công ty phải lên kế hoạch trước khi sản phẩm mới được tiêu thụ trên thị trường trong quá trình kiểm toán/giám sát hàng năm do chính quyền Indonesia đặt ra. EU cho rằng các cuộc kiểm toán mới chỉ nên thực hiện khi có một nhà máy thay đổi.

- Quan ngại của Phái đoàn Hoa Kỳ:

Hoa Kỳ lưu ý rằng việc đối thoại giữa các bên về tiêu chuẩn đồ chơi này của Indonesia đã diễn ra từ năm 2012 nhưng Hoa Kỳ rất thất vọng khi sau nhiều năm trao đổi kỹ thuật, các yêu cầu nhập khẩu đồ chơi của Indonesia tiếp tục là rào cản đối với hàng xuất khẩu đồ chơi của Mỹ. Hoa Kỳ kêu gọi Indonesia tham gia một cách có ý nghĩa với các bên liên quan để giảm thiểu các rào cản thương mại trong việc nhập khẩu đồ chơi. Hoa Kỳ nhắc lại khi vấn đề được nêu ra tại cuộc họp tháng 6, Indonesia đã tuyên bố rằng sẽ không ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cho biện pháp này. Điều này đã gây thất vọng và tăng thêm vào sự thiếu rõ ràng cho các nhà nhập khẩu. Indonesia đã tuyên bố việc giới thiệu Kế hoạch lần thứ 5 cho các nhà nhập khẩu là một nỗ lực để giảm bớt gánh nặng cho các nhà nhập khẩu, nhưng theo ngành công nghiệp Mỹ, chi phí kiểm tra nhà máy cứ sau 6 tháng là quá cao khiến cho Kế hoạch lần thứ 5 không phải là một lựa chọn và do đó, các nhà nhập khẩu buộc phải tiếp tục kiểm tra từng lô hàng đồ chơi nhập khẩu. Để Kế hoạch lần thứ 5 trở thành một sự thay thế hợp lý, Indonesia cần xem xét cho phép các kiểm tra viên được ISO công nhận tại quốc gia sản xuất tiến hành việc kiểm tra này. Theo tìm hiểu của Hoa Kỳ, Bộ Công nghiệp Indonesia (MOI) đã làm việc với các bên liên quan để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Hoa Kỳ đề nghị Indonesia cập nhật thông tin về thời gian ban hành biện pháp mới này.

- Quan ngại của Phái đoàn Nhật Bản:

Đại diện của Nhật Bản ủng hộ quan điểm của EU. Vào tháng 10 năm 2018, Indonesia đã sửa đổi quy định an toàn đồ chơi của mình để giới thiệu một kế hoạch mới: kết hợp hệ thống quản lý chất lượng trong quy trình sản xuất để thực hiện thủ tục chứng nhận đồ chơi. Mặc dù Indonesia đã đề cập rằng việc soạn thảo các hướng dẫn thực hiện đang được tiến hành tại cuộc họp của Ủy ban TBT tháng 3 năm 2019 và hơn một năm trôi qua kể từ khi quy định an toàn đồ chơi được sửa đổi, hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được công bố. Về vấn đề này, tại cuộc họp Ủy ban TBT tháng 6 năm 2019, Indonesia đã giải thích rằng quy định 29/2018 bao gồm các hướng dẫn cho Kế hoạch lần 5 nhằm mục đích chứng nhận sản phẩm. Tuy nhiên, quy định lại không cung cấp đủ thông tin để tuân thủ. Do đó, Nhật Bản đề nghị Indonesia cung cấp đầy đủ các văn bản hướng dẫn này. Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại rằng biện pháp sẽ làm hạn chế thương mại quá mức cần thiết.

- Phản hồi của Indonesia:

Indonesia phản hồi cho Ủy ban rằng Quy định 29/2018 hiện hành đã bao gồm các hướng dẫn kỹ thuật cho tùy chọn loại 1 và 5 đối với các thủ tục chứng nhận sản phẩm. Theo sự hiểu biết của Indonesia, cả hai loại chứng nhận đều có cách đối xử giống nhau giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa. Ngoài ra, Bộ Công nghiệp Indonesia MOI đã thông tin cho các Cơ quan Chứng nhận Sản phẩm để giải thích các quy trình chứng nhận sản phẩm loại 5. Về phòng thử nghiệm, Indonesia đã chấp nhận các phòng thử nghiệm nước ngoài trong khuôn khổ công nhận quốc tế về ILAC và MRA./.

Theo tbt.gov.vn (Ha Linh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ