Quy định mới về chi phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kĩ thuật
Từ ngày 5/6/2020, các nội dung chi cho việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) sẽ được áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, tổ chức và cá nhân.
Theo Thông tư số 27/2020/TT-BTC, mức chi tối đa là 20 triệu đồng/01 dự thảo cho công lao động thuê ngoài đối với cán bộ, chuyên gia trực tiếp xây dựng dự thảo TCVN, QCKT không cần phải khảo sát, khảo nghiệm; đối với TCVN, QCKT cần phải khảo sát, khảo nghiệm áp dụng mức chi tối đa 45 triệu đồng/01 dự thảo.
Ảnh minh họa
Đối với chi lập dự án TCVN, QCKT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức chi tối đa 1,5 triệu đồng/01 dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chi xây dựng thuyết minh dự thảo TCVN, QCKT, tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo TCVN, QCKT: Áp dụng định mức chi theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT - BTC - BKHCN ngày 22/4/2015 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Thông tư cũng quy định mức chi thuê chuyên gia trong nước và chi thuê chuyên gia nước ngoài. Cụ thể, áp dụng định mức chi thuê chuyên gia trong nước quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, tổng dự toán kinh phí thuê chuyên gia trong nước không vượt quá 30% tổng dự toán kinh phí của dự án xây dựng TCVN, QCKT.
Về mức chi thuê chuyên gia nước ngoài, đơn vị căn cứ nội dung yêu cầu công việc thuê chuyên gia thực hiện thương thảo mức tiền thuê chuyên gia, thuyết minh rõ kết quả của việc thuê chuyên gia, tiêu chí đánh giá kết quả thuê chuyên gia. Tổng dự toán kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài không vượt quá 50% tổng dự toán kinh phí của dự án xây dựng TCVN, QCKT.
Cùng với các nội dung trên, Thông tư cũng quy định chi tiết về các mức chi đối với mua vật tư, văn phòng phẩm, nguyên, nhiên vật liệu, tiêu chuẩn, quy trình, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ cho việc xây dựng dự thảo TCVN, QCKT; Chi tổ chức các cuộc họp Ban kỹ thuật TCVN, Ban biên soạn hoặc tổ biên soạn xây dựng TCVN; Chi tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị chuyên đề, tham gia góp ý cho dự thảo TCVN, QCKT; Chi dịch và hiệu đính tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và dịch tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; Chi cho hoạt động khảo sát, điều tra phục vụ công tác xây dựng dự thảo TCVN, QCKT; Chi mua mẫu, thử nghiệm, khảo nghiệm trong nước, ngoài nước về các nội dung của dự thảo TCVN, QCKT…
Đồng thời việc quy định về định mức chi xây dựng TCVN, QCKT, Thông tư số 27/2020/TT-BTC quy định, việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT thực hiện theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhằm giúp các đơn vị lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí đảm bảo đúng quy định, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết các nội dung về: Công tác lập dự toán; Phân bổ và giao dự toán; Thực hiện dự toán chi NSNN; Quyết toán NSNN.
Cụ thể, trong công tác lập dự toán, hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN của các cấp có thẩm quyền; căn cứ vào nội dung, yêu cầu khối lượng công việc xây dựng các dự án TCVN, QCKT; căn cứ vào các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và quy định tại Thông tư này, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng TCVN, QCKT lập dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT trình cơ quan chủ quản.
Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ kế hoạch xây dựng TCVN, QCKT thuộc lĩnh vực quản lý và dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT do các đơn vị trực thuộc lập theo quy định của Thông tư này để tổng hợp chung vào dự toán của Bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Về phân bổ và giao dự toán, căn cứ dự toán chi NSNN được cấp có thẩm quyền giao; các Bộ, ngành, địa phương phân bổ và giao dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT theo nội dung chi quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn và Thông tư này; đồng thời, gửi cơ quan tài chính cùng cấp và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để kiểm tra và thực hiện.
Về thực hiện dự toán chi ngân sách, căn cứ dự toán chi ngân sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
Bên cạnh đó, các đơn vị được giao dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT phải thực hiện công tác khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán. Trình tự lập, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và trách nhiệm xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành.
Kinh phí xây dựng TCVN, QCKT được quyết toán phù hợp với nguồn kinh phí sử dụng và phù hợp với mục chi tương ứng của mục lục NSNN theo quy định hiện hành và tổng hợp trong báo cáo quyết toán hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Cùng với các quy định trên, Bộ Tài chính yêu cầu, các đơn vị tổ chức chủ trì xây dựng TCVN, QCKT phải thực hiện đúng các quy định về quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng TCVN, QCKT theo quy định hiện hành của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN và các quy định cụ thể tại Thông tư này. Người chủ trì phải chịu trách nhiệm về các nội dung và kết quả nghiên cứu xây dựng TCVN, QCKT theo dự án đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm báo cáo và thuyết minh số liệu quyết toán kinh phí thực hiện với đơn vị, tổ chức chủ trì.