Thay đổi mục đích sử dụng đất và đời sống kinh tế - xã hội của người dân trong vùng dự án khu đô thị Nam Cần Thơ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Đề tài do các tác giả Huỳnh Phú Hiệp (Văn Phòng UBND TP. Cần Thơ) và Lê Quang Trí (Bộ môn Khoa học Đất và QLĐĐ, Khoa Nông Nghiệp & SHƯD, trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm đánh giá biến động sử dụng đất, tác động của các dự án đến đời sống của người dân trước và sau khi thực hiện dự án và hiệu quả việc sử dụng đất của các dự án đến tình hình kinh tế - xã hội của phường Phú Thứ.
Với vai trò là Trung tâm thương mại của đồng bằng sông Cửu Long, thành
phố Cần Thơ đang triển khai thực hiện nhiều dự án nhằm xây dựng hệ thống các cơ
sở hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du
lịch, thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển kinh tế - xã hội với
tốc độ nhanh, bền vững. Để làm được điều này, thành phố đã phải sử dụng đất
nông nghiệp với diện tích khá lớn. Chỉ riêng tại Khu đô thị Nam sông Cần Thơ
thuộc địa bàn quận Cái Răng đã có hơn 2.000ha đất nông nghiệp được quy hoạch
trải rộng trên các địa bàn quận. Phường Phú Thứ nằm trong địa bàn quận Cái Răng
được xem là Phường ngoại thành, đất và dân số làm nông nghiệp ở đây vẫn còn
chiếm tỷ lệ cao. Hiện tại, phường Phú Thứ có 19 dự án quy hoạch đô thị. Sự thay
đổi mục đích sử dụng đất do những dự án này có thể ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân và
hiện trạng kinh tế xã hội của Phường Phú.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn các hộ dân có nguồn vốn tăng sau
quy hoạch nhờ tiền bồi thường nhưng do việc sử dụng nguồn vốn kém nên hiệu quả
đầu tư thấp. Lao động sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang làm công nhân hoặc
kinh doanh buôn bán nhỏ. Bên cạnh đó thì số lao động không có việc làm gia tăng
do trình độ học vấn thấp và không được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Đời sống
vật chất của người dân đã được cải thiện trừ những khu vực có dự án treo do
chưa nhận tiền bồi thường. Thu nhập bình quân đầu người/năm của địa phương sau
quy hoạch tăng đáng kể so với trước quy hoạch. Tổng thu ngân sách của địa
phương giai đoạn sau quy hoạch tăng lên hơn 10 lần so với giai đoạn trước quy
hoạch. Cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc và cảnh quan tại khu vực nghiên cứu
được cải thiện. Cấu trúc kinh tế được tái thiết theo hướng đô thị hóa, công
nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Tạp chí Khoa học, số 18a/2011, ĐHCT