Khảo sát khả năng sinh tổng hợp IAA và cố định đạm của vi khuẩn Gluconacetobacter sp. và Azospirillum sp. được phân lập từ cây mía.
Đề tài do nhóm tác giả Đỗ Kim Nhung và Vũ Thành Công (Viên NC & PT Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm chọn lọc thêm các chủng vi sinh vật có triển vọng hướng tới sản xuất phân đạm sinh học cho cây mía.
Mía được biết đến như là cây công nghiệp lấy đường quan trọng của ngành
công nghiệp mía đường ở Việt Nam
hiện nay. Mía, cũng như mọi cây trồng khác, muốn sinh trưởng và phát triển tốt
phải hấp thu các chất dinh dưỡng từ đất và không khí bằng hình thức chủ yếu là
dinh dưỡng khoáng. Ba nguyên tố khoáng chính mà cây trồng thường xuyên sử dụng
là N, P, K. Lượng phân đạm chiếm 30% tổng số phân bón cần cho nông nghiệp. Ở
Việt Nam,
lượng phân đạm bón cho cây cũng tăng dần từ 1.271.000 tấn (2000) đến 1.627.000 tấn (2010) (www.fadinap.org).
Tuy nhiên, lượng đạm bón cho cây chủ yếu là đạm hóa học và lượng đạm này cũng
chỉ bù đắp được một phần lượng đạm mà cây trồng lấy đi khỏi đất hằng năm. Điều
này rất bất lợi đối với người nông dân vốn còn nhiều khó khăn về vốn sản xuất.
Lượng phân thừa còn lại trong đất đem lại nhiều tác hại xấu cho môi trường, gây
ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Để
khắc phục những hạn chế trên của phân hóa học thì việc sử dụng phân sinh học có
chứa các dòng vi khuẩn có khả năng cố định đạm và kích thích tăng trưởng cho
cây trồng như indole acetic acid là một trong những biện pháp có hiệu quả tiết
kiệm chi phí sản xuất mà chất lượng và năng suất vẫn tăng.
Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy khả năng sinh tổng hợp indol acetic
acid (IAA) và cố định đạm của vi khuẩn Gluconacetobacter sp. và Azospirillum
sp. được phân lập từ cây mía được thực hiện nhằm sản xuất phân bón vi sinh.
Trong số 12 dòng vi khuẩn Azospirillum sp. và 14 dòng vi khuẩn
Gluconacetobacter sp. đã được khảo sát thì có 2 dòng vi khuẩn A1 và G10 vừa có
khả năng tổng hợp IAA vừa có khả năng cố định đạm đạt ở mức cao. Lượng IAA của
dòng A1 đạt (17,748 µg/ml); G10 (2,710 µg/ml) và lượng đạm A1 đạt (8,098
µg/ml); G10 (8,772 µg/ml).
Tạp chí Khoa học 2011:18a 153-160, trường Đại học Cần Thơ