Phân lập và nhận diện vi khuẩn phân giải cellulose
Đề tài do hai tác giả Võ Văn Phước Quệ và Cao Ngọc Điệp (Viện NC&PT Công nghệ sinh học, trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm mục tiêu phân lập và nhận diện vi khuẩn phân giải cellulose từ đất trồng lúa và dạ cỏ bò, bước đầu đánh giá khả năng phân giải rơm rạ của các dòng vi khuẩn phân lập được ở điều kiện phòng thí nghiệm.
Khoảng một nửa
hợp chất carbon
trong sinh khối (biomass) trên
mặt đất là cellulose, chiếm tới 35 – 50% khối lượng
khô sinh khối thực vật. Tất cả sản phẩm sinh khối sẽ được khoáng hóa nhờ hệ
thống enzyme được cung cấp bởi vi sinh vật. Hệ thống enzyme phân giải cellulose
thường chậm và không hoàn toàn. Tuy nhiên, trong
khoảng thời gian ngắn (48 giờ) hệ vi sinh vật trong dạ cỏ bò có thể phân giải 60–
65% cellulose. Hơn thế nữa, nhờ hệ thống vi sinh vật trong đường ruột mà loài mối có thể tiêu hóa đến 90% cellulose của gỗ... Hệ vi
sinh vật phân giải cellulose có thể lên men hiếu khí hoặc kỵ khí, bình nhiệt
hoặc ái nhiệt, bao gồm nấm, vi khuẩn và xạ khuẩn được tìm thấy nhiều trong đất,
nước, đường tiêu hóa một số động vật… nơi cung cấp lượng cellulose dồi dào để
vi sinh vật phân giải và phát triển.
Kết quả nghiên cứu cho thấy từ đất trồng
lúa không phân lập được vi khuẩn có khả năng phân giải cellulose; từ dịch dạ cỏ
bò phân lập được 4 dòng vi khuẩn Q4, Q5, Q8 và Q9 đều có khả năng sản sinh
enzyme cellulase và phân giải hiệu quả giấy photocopy và rơm rạ. Phân tích di truyền phân tử dựa trên trình tự 16S rRNA cho
thấy dòng vi khuẩn Q5, Q8 và Q9 đồng hình với dòng Bacillus megaterium, dòng
vi khuẩn Q4 đồng hình với dòng Cellulomonas flavigena.
Tạp chí Khoa học 2011:18a 153-160, trường Đại học Cần Thơ