So sánh hiệu quả sản xuất giữa hai mô hình độc canh lúa ba vụ và lúa luân canh với màu tại huyện Cai Lậy- tỉnh Tiền Giang.
Đề tài được thực hiện bởi nhóm tác giả Đặng Thị Kim Phượng và PGS.TS Đỗ Văn Xê, trường Đại học Cần Thơ.
Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá
hiệu quả của việc luân canh lúa - màu - lúa so với mô hình độc canh cây lúa, đề
tài thực hiện phân tích, so sánh, đánh giá hiệu quả sản xuất giữa hai mô hình
lúa ba vụ và lúa luân canh với màu để cung cấp thông tin cho các nhà quản lý và
người dân quyết định sản xuất mô hình canh tác phù hợp đảm bảo năng suất và tăng
lợi nhuận cho nông hộ theo hướng sản xuất bền vững.
Nghiên cứu được thực hiện tại huyện Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang qua việc phỏng
vấn 64 hộ đang canh tác mô hình luân canh lúa màu và độc canh lúa. Áp dụng phương
pháp thống kê mô tả, phân tích chi phí - lợi ích và hồi qui tương quan cho thấy
hiệu quả sản xuất của mô hình lúa - màu cao hơn mô hình thâm canh lúa 3 vụ liên
tục; tổng thu nhập và lợi nhuận của mô hình lúa - màu cao hơn mô hình lúa 3 vụ
gấp 2 lần. Thu nhập của mô hình lúa - màu là 86,8 triệu/ha, lợi nhuận là 57,5
triệu đồng/ha, trong khi đó, mô hình lúa 3 vụ thu nhập và lợi nhuận lần lượt là
42,4 triệu đồng/ha và 25 triệu đồng. Tổng chi phí đầu tư cho mô hình lúa 3 vụ
trung bình 23 triệu đồng/ha (bao gồm chi phí cơ hội). Chi phí đầu tư cho mô
hình lúa - màu trung bình là 38,4 triệu đồng/ha, cao gấp 1,7 lần mô hình lúa 3
vụ. Hiệu quả đồng vốn của mô hình lúa màu là 2,96 còn hiệu quả đồng vốn của mô hình
lúa 3 vụ là 2,42. Hiệu quả lao động của mô hình lúa -màu cũng cao hơn mô hình lúa
3 vụ gấp 1,23 lần. Hiệu quả lao động của mô hình lúa màu là 285.649 đồng, trong
khi đó hiệu quả lao động của mô hình lúa 3 vụ là 231.615 đồng. Các yếu tố ảnh hưởng
đến mô hình lúa - màu là chi phí giống, nông dược và phân bón. Trong khi đó lợi
nhuận của mô hình lúa 3 vụ chịu tác động của các yếu tố chi phí nông dược, chăm
sóc và thu hoạch.