Bộ tiêu chuẩn dành cho các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học
Nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường và các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa sinh học, Hiệp hội vật liệu và thử nghiệm Mỹ đã đề xuất một bộ tiêu chuẩn dành riêng cho các sản phẩm này.
Nhựa đã trở thành một phần phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu, các nhà sản xuất sản xuất từ 270 đến 360 triệu Mg (300 đến 400 triệu tấn) nhựa trên toàn thế giới mỗi năm để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của con người. Tuy nhiên, rác thải nhựa thải ra lại tồn tại lâu hơn tính hữu dụng của chúng đã trở thành một vấn đề không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của chính chúng ta.
Bộ tiêu chuẩn được ASTM đề xuất dành riêng cho các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học.
Theo số liệu thống kê trong báo cáo từ Royal Statistical Society, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế, 12% được thiêu hủy trong khi có tới 79% còn lại thải ra môi trường tự nhiên. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học, khoảng tám triệu tấn rác thải nhựa, bao gồm túi nylon sẽ dừng chân cuối cùng ở các đại dương trên toàn thế giới. Chính vì vậy, một tiểu ban của ASTM Quốc tế- tiểu ban D20.96, được thành lập để ngăn chặn và hỗ trợ xử lý nhựa an toàn dựa trên các sản phẩm nhựa và các sản phẩm phân hủy sinh học, một phần của ủy ban về nhựa (D20).
Hiện nay, Tiểu ban D20.96 hiện giám sát 18 tiêu chuẩn hoạt động đối với các sản phẩm nhựa, túi nylon và các sản phẩm tự phân hủy sinh học. Các tiêu chuẩn cho sản phẩm tự phân hủy sinh học liên quan đến sản phẩm có nguồn gốc carbon hữu cơ từ nguồn gốc tái tạo như thực vật, động vật hoặc vật liệu biển thay vì nguồn gốc không thể tái chế như từ nhiên liệu dầu. Quá trình phân hủy của rác thải từ nhựa phân hủy sinh học so với nhựa thông thường được rút ngắn từ hàng trăm năm xuống còn một vài năm. Điều đặc biệt là loại vật liệu này chỉ phân hủy khi tiếp xúc với đất hoặc được chôn lấp trong đất, khi phân hủy chúng sinh ra các thành phần “sạch” như nước, khí cacbonic (CO2), và các sinh khối. Bên cạnh đó, do không chứa kim loại nặng, không chứa độc tố nên vật liệu này thân thiện với hệ sinh thái và con người.
Hiện có ba tiêu chuẩn về nhựa phân hủy sinh học hiện đang được ứng dụng trong ngành công nghiệp phân bón như:
Tiêu chuẩn ASTM D6400: Yêu cầu ghi nhãn cho chất dẻo có khả năng tạo compost hiếu khí tại các cơ sở xử lý chất thải đô thị hoặc công nghiệp;
Tiêu chuẩn ASTM D5338: Phương pháp xác định sự phân hủy sinh học hiếu khí của vật liệu chất dẻo dưới điều kiện tạo compost có kiểm soát, kết hợp các nhiệt độ;
Tiêu chuẩn ASTM D6691: Phương pháp xác định sự phân hủy sinh học hiếu khí của vật liệu chất dẻo trong môi trường biển bằng vi sinh vật đã được xác định hoặc bằng nước biển tự nhiên.
Trong số ba tiêu chuẩn trên, tiêu chuẩn ASTM D6400 là tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến, rỗng rãi nhất và có được chứng nhận toàn cầu.
Trong thời gian tiếp theo, tiểu ban D20.96 với số lượng thành viên từ khắp nơi trên thế giới sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm việc để đạt được những thành tựu mới. Họ sẽ tiếp tục tạo ra các tiêu chuẩn toàn cầu cho các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học không những đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người mà còn đảm bảo hệ sinh thái trên toàn cầu./.