SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hệ thống thông tin tôn giáo tỉnh cần Thơ

[23/12/2011 17:22]

Chủ nhiệm đề tài: Ths. Trần Hữu Hợp; Cơ quan thực hiện: Ban Tôn giáo tỉnh Cần Thơ; Cơ quan phối hợp: Trung tâm Thông tin Tư liệu Cần Thơ; Thời gian thực hiện: tháng 03/2002 đến tháng 12/2003.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

           Công tác tôn giáo là một công tác quan trọng, được thể hiện trên 4 mặt: công tác vận động quần chúng tín đồ các tôn giáo; công tác đối với chức sắc và giáo hội các tôn giáo; công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo hoạt động vi phạm luật pháp và công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Riêng công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo được thực hiện trên các lĩnh vực như lễ đạo, đất đai, xây sửa nơi thờ tự, đào tạo, phong chức, bổ nhiệm chức sắc, nhà tu hành, in ấn, lưu hành, xuất nhập văn hoá phẩm tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế của các tôn giáo...

Do đối tượng quản lý đông, đa dạng và có những yếu tố phức tạp. Các dữ liệu về tôn giáo Cần Thơ chưa được thu thập đầy đủ và có hệ thống, hơn nữa lại được quản lý bằng phương pháp thủ công nên khối lượng hồ sơ cồng kềng, việc truy tìm, cập nhật thông tin rất chậm chạp. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin để khắc phục những nhược điểm trên nhằm tăng cường hiệu quả công tác tôn giáo là một việc làm rất cần thiết.

II. MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG THỰC HIỆN

            1. Mục tiêu

            - Thu thập các thông tin cần thiết và có hệ thống về chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ, cơ sở đất đai tôn giáo, tín ngưỡng trong tỉnh.

- Xây dựng các chương trình quản lý lý lịch các chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

- Cài đặt kết nối phân quyền các chương trình thống nhất chạy trên mạng cục bộ tại Ban Tôn Giáo.

- Ứng dụng Công nghệ GIS để liên kết, tìm kiếm thông tin.

- Khắc phục các nhược điểm của quản lý thủ công thông tin không đồng bộ, truy tìm, cập nhật chậm, khối lượng hồ sơ cồng kềnh.

2. Nội dung

- Thiết kế các bảng biểu, tổ chức thu thập dữ liệu.

- Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý.

- Lắp đặt máy móc, thiết bị.

III. KẾT QUẢ

            1. Nghiệm thu dữ liệu

            Đã thu về 1.100 lý lịch, 460 tóm tắt tiểu sử cơ sở thờ tự, 10 danh sách và số liệu thống kê tôn giáo của 118 xã, phường thị trấn. Trong đó: 714 lý lịch, 319 tóm tắt tiểu sử cơ sở thờ tự, số liệu thống kê tôn giáo của 118 xã, phường, thị trấn, 10 danh sách đã được đánh giá đạt yêu cầu.

            2. Các phần mềm quản lý

            - Chương trình quản lý lý lịch chức sắc, nhà tu hành: phần mềm này cho phép nhập, sửa chữa, bổ sung tất cả các thông tin liên quan đến lý lịch của chức sắc, nhà tu hành như:

+ Chức sắc, nhà tu hành: nhập liệu lý lịch chức sắc, nhà tu hành theo mã số, ảnh, họ tên khai sinh, họ tên thường dùng, họ tên trong đạo, ngày tháng năm sinh, nơi sinh (ấp, xã, huyện, tỉnh), số CMND, quê quán, giới tính, địa chỉ của đối tượng cư trú, nghề nghiệp, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, hệ phái, ngày xuất gia đi tu, phẩm hàm trong đạo, trình độ học vấn, chức vụ tại cơ sở tôn giáo, địa chỉ cơ sở thờ tự, trình độ giáo lý, ngoại ngữ, trình độ chuyên môn khác, người đỡ đầu, hướng dẫn đi tu. Quá trình hoạt động bản thân, quan hệ gia đình, họ tên cha, năm sinh, nghề nghiệp, hiện sống hay chết, lý do, làm gì, ở đâu. Họ tên cha mẹ, năm sinh, nghề nghiệp, hiện sống hay chết, lý do, làm gì, ở đâu. Anh chị Em ruột, quan hệ gia xã hội,....  Kết quả đã nhập liệu 714 lý lịch.

+ Chức việc: nhập liệu theo họ tên khai sinh, tên trong đạo, ngày tháng năm sinh, mã số chức việc, giới tính, thuộc đạo, phẩm hàm và pháp danh, chức vụ trong Giáo hội tại cơ sở thờ tự, ngày tháng năm được bầu, ngày tháng năm hết nhiệm kỳ, học vị, học vấn, ngoại ngữ, địa chỉ thường trú, điện thoại, phân loại hàng năm, ghi chú, địa chỉ.

- Chương trình quản lý cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng: đã nhập liệu 319 tóm tắt tiểu sử cơ sở thờ tự.

- Chương trình quản lý đào tạo của tôn giáo: giúp quản lý thuận tiện các thông tin chi tiết về trường, lớp, giảng viên, thông tin về học viên, điểm, trung bình các môn học, xếp loại, ngày tốt nghiệp,.... của các học viên.

- Vẽ bản đồ tôn giáo: hệ thống cho phép người dùng vẽ các bản đồ chuyên đề như bản đồ mật độ cư trú của tín đồ. Hệ thống sử dụng 5 màu khác nhau để mô tả mật độ cư trú của tín đồ 5 tôn giáo trong tỉnh Cần Thơ, hệ thống có thể vẽ các biểu đồ thể hiện tỷ lệ % các tôn giáo từng huyện.

- Ứng dụng công nghệ Gis liên kết các thông tin: hệ thống GIS tôn giáo cho phép nhấp chuột trên các biểu tượng tượng trưng cho các nơi thờ tự trên bản đồ để tìm kiếm các thông tin có liên quan đến nơi thời tự đó. Việc tìm kiếm thông tin mang tính trực quan, thao tác nhanh chóng, do đó dễ sử dụng hơn các hệ thống cơ sở dữ liệu thông thường.

            3. Lắp đặt máy móc thiết bị:

            Các máy móc, thiết bị, được lắp đặt gồm: 1 máy chủ Intel Pentium IV Xeon 1.8GHz, với bộ nhớ Ram 512 MB, HDD 36GB; 2 máy trạm Intel Pentium IV 1.7GHz, với bộ nhớ Ram 128 MB, HDD 20GB và các thiết bị mạng và thiết bị ngoại vi như 1 máy in HP Laserjet Printer 1200, 1 máy scaner HP Scanjet 4500c, đầu ghi, tích điện, ổn áp ... Kinh phí cho lắp đặt máy móc thiết bị là 93.050.938 đ, các máy móc đã lắp đặt và chạy ổn định.                  

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

            1. Kết luận

Khi hệ thống đưa vào sử dụng sẽ phát huy tính truy xuất thông tin nhanh để phục vụ cho công tác tôn giáo, độ chính xác, tính đồng bộ và cập nhật thông tin sẽ được tăng cường.      Đặc biệt, tính liên kết thông tin nhờ ứng dụng công nghệ GIS trên bản đồ hành chánh tỉnh sẽ góp phần làm cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được chặt chẽ, chính xác và nhanh chóng hơn. Những thông tin về các cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử văn hoá, thành tích yêu nước của chức sắc, nhà tu hành chức việc tôn giáo là những tư liệu quí để giáo dục truyền thống cho đồng bào tôn giáo.

 Đề tài cần được bổ sung, nâng cao theo hướng hoàn thiện các phần mềm đã xây dựng, mở rộng đối tượng quản lý: công tác qui hoạch, đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo, xây dựng trang Web để giới thiệu những thông tin tổng quát, thông thường về tôn giáo cho những người quan tâm, giới thiệu nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo (các văn bản công khai), các văn bản pháp qui của Nhà nước về hoạt động tôn giáo, hướng dẫn các thủ tục hành chánh, giới thiệu về thành tích yêu nước của đồng bào các tôn giáo, giới thiệu các công trình kiến trúc, điêu khắc tôn giáo có giá trị nghệ thuật...

Cần xây dựng nội qui sử dụng hệ thống phần mềm quản lý, tiếp tục thu thập những dữ liệu còn thiếu, qui định cập nhật dữ liệu.

Việc đưa hệ thống phần mềm này vào sử dụng sẽ góp phần tin học hoá công tác tôn giáo, thực hiện cải cách hành chính tại Ban Tôn giáo TP. Cần Thơ, đồng thời mở ra triển vọng có thể chuyển giao công nghệ này cho các Ban Tôn Giáo của các tỉnh bạn, và có thể nối mạng nội bộ các máy của các Ban Tôn giáo khu vực. Đồng thời cũng gợi mở khả năng có thể ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tôn giáo trên phạm vi cả nước.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tôn giáo là sự tăng cường sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại phục vụ công tác tôn giáo. Tuy nhiên, máy móc, công nghệ hiện đại không thể thay thế con người. Bởi vì việc bổ sung, hoàn thiện phần mềm, việc thu thập đầy đủ, việc cập nhật thông tin một cách kịp thời và chính xác, việc tập huấn và chuyển giao phần mềm về cho các quận, huyện, và thị xã...đều do cán bộ thực hiện. Do đó công tác qui hoạch, đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo với phẩm chất chính trị, đạo đức và khả năng chuyên môn thích hợp vẫn là khâu có tính chất quyết định đối với công tác tôn giáo.

2. Kiến nghị

- Cho đề tài thực tiếp tục hiện giai đoạn 2.

- Đề nghị Trung tâm Thông tin Tư liệu Cần Thơ, tổ GIS - Khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ giúp phân tích, chuyển giao phần mềm này cho tỉnh Hậu Giang.

- Giúp chuyển giao phần mềm cho các quận, huyện.

Trên cơ sở kết quả đạt được bước đầu của đề tài, vào giữa năm 2003, lãnh đạo tỉnh Cần Thơ tiếp tục cho áp dụng công nghệ GIS để tăng cường công tác quản lý cho 8 sở ngành khác của tỉnh Cần Thơ. Một kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện đề tài này là nếu muốn làm tăng hiệu quả quản lý Nhà nước, một trong những việc phải làm đó là phải có sự gặp gỡ, phối hợp chặt chẽ giữa những nhà quản lý với những nhà tin học, để những thành tựu CNTT có điều kiện phục vụ rộng rãi và hữu hiệu hơn trong các lĩnh vực quản lý.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ