SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình ‘lúa – tôm càng xanh” tại xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

[23/12/2011 20:24]

Chủ nhiệm dự án: Cn Ngô Hồng Yến; Cơ quan thực hiện: Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cờ Đỏ; Thời gian thực hiện: 11/2001 – 11/2003.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản có chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Chính vì vậy, tôm càng xanh là một trong những đối tượng rất quan trọng đối với nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản nước ngọt. Hiện nay, tôm càng xanh được nuôi bằng nhiều hình thức phổ biến như nuôi trong ao đất, mương vườn, nuôi đăng quầng, nuôi trong ruộng lúa...

Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy sản. Phương thức nuôi này đã góp phần tăng thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích đất.

 Nhằm tận dụng diện tích mặt nước sẵn có và góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, việc xây dựng một mô hình tôm - lúa dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật để mang lại lợi nhuận, tăng thu nhập cho người dân so với độc canh cây lúa là một việc làm rất cần thiết.

II.  MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

            1. Mục tiêu:

            -  Tăng hiệu quả kinh tế của người nông dân bằng cách chuyển đổi hệ canh tác với kỹ thuật kết hợp nuôi tôm luân canh trong ruộng lúa.

            - Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ cho nông dân vùng dự án, đưa năng suất lúa Đông Xuân từ 4,5 tấn/ha lên 5,0 tấn/ha; tăng tổng thu nhập từ mô hình lúa tômh ( 3- 4 lần so với canh tác lúa đơn thuần).

            - Xác định  hiệu quả kinh tế của mô hình để từng bước hoàn thiện kỹ thuật nuôi tôm luân canh với lúa, từ đó có thể nhân mô hình sản xuất thử ra diện rộng, phục vụ cho sản xuất toàn vùng.

            - Sau khi kết thúc dự án, đào tạo 02 kỹ thuật viên và tập huấn 40 hộ nông dân sản xuấtt mô hình lúa - tôm càng xanh.

            2. Nội dung:

            - Điều tra về hiện trạng nuôi thủy sản xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ). Đánh giá thực trạng lợi nhuận của nông hộ tham gia dự án trước khi ứng dụng mô hình lúa - tôm càng xanh.

            - Tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa cho người dân vùng dự án. Hỗ trợ cho nông dân dụng cụ để xác định Oxy, pH và nhiệt độ nước.

            - Phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình tôm lúa luân canh.

            - So sánh hiệu quả kinh tế của mô hình tôm lúa với mô hình 3 vụ lúa.

3. Phương pháp thực hiện:

- Địa điểm thực hiện dự án: xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ)

            - Phương pháp thực hiện:

+ Điều tra nông hộ nuôi tôm, cá: phỏng vấn 20 hộ trong địa bàn dự án có ruộng thích hợp nuôi tôm, đảm bảo an ninh, tiện chăm sóc, quản lý; có điều kiện kinh tế khá; có nguồn nhân lực đảm bảo cho việc thực hiện nuôi tôm và có tinh thần học hỏi cầu tiến, quyết tâm nuôi tôm.

                        + Tập huấn kỹ thuật canh tác lúa Đông Xuân (ĐX): thời điểm xuống giống vào tháng 11 và thu hoạch vào tháng 2 năm sau.

                        + Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh: sau khi thu hoạch xong lúa ĐX tiến hành vệ sinh đồng ruộng. Thời điểm thả con giống vào tháng 3- 4, thu hoạch vào tháng 11.

                        + Phương thức đầu tư và thu hồi vốn: hỗ trợ không hoàn lại cho nông dân chi phí tôm giống và một phần chi phí thức ăn, chi phí còn lại sẽ được đầu tư cho nông dân và thu hồi sau khi kết thúc dự án.

                        + Thu mẫu và xử lý số liệu: định kỳ thu mẫu nước ở các ruộng mỗi tháng một lần. Các yếu tố môi trường được thu mẫu và phân tích mẫu gồm: nhiệt độ (sử dụng nhiệt kế thủy ngân), pH (giấy so màu pH),  Oxy (test nhanh)

            . Thường xuyên kiểm tra hoạt động của tôm nhất là vào sáng sớm, tình trạng, mức độ lột xác thông qua chài lưới và sàn ăn.

            . Năng suất lúa và tôm sẽ được tính toán sau khi thu hoạch.

            . Xử lý số liệu: các số liệu theo dõi trong quá trình nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm Excel.

III. KẾT QUẢ

            Sau khi điều tra, dự án đã chọn và thực hiện trên ruộng lúa của 03 hộ với tổng diện tích 20 ha tại xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ.

            1. Năng suất vụ lúa ĐX:

            Kết quả lượng phân bón sử dụng trong vụ lúa ĐX cho thấy lượng phân bón Urê, DAP và Kali ở 3 ruộng lúa dao động từ 380 - 405 kg/ha/vụ (bình quân 395 kg/ha/vụ) và năng suất lúa từ 5,5 - 6,1 tấn/ha/vụ, năng suất bình quân 5,9 tấn/ha/vụ (vụ 1: chưa nuôi tôm). Năng suất lúa vụ 2 đạt 5,9 - 6,1 tấn/ha/vụ, năng suất bình quân 6,1 tấn/ha/vụ. Sau vụ tôm đầu tiên, lượng phân bón  sử dụng giảm 40 - 50%.  Tuy nhiên, năng suất bình quân của 2 vụ không giảm và tăng 0,2 tấn/ha/vụ so với vụ 1. Năng suất bình quân ở các ruộng đạt 6 tấn/ha/vụ. Kết quả cho thấy phân tôm và thức ăn thừa của vụ nuôi tôm góp phần tăng độ phì nhiêu của đất từ đó tăng năng suất lúa, giảm chi phí sản xuất (giảm phân, giảm thuốc trừ sâu), giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

            2. Năng suất tôm nuôi trong ruộng lúa:

            Sau 6,5 - 7 tháng nuôi, năng suất bình quân tôm nuôi ở vụ 1 đạt 555 kg/ha/vụ, năng suất cao nhất ở ruộng 1 là 666 kg/ha/vụ, ruộng 2 đạt 600 kg/ha/vụ, ruộng 3 đạt 400kg/ha/vụ.

            Kết quả nuôi của vụ 2, năng suất bình quân tôm nuôi đạt 672 kg/ha/vụ, năng suất cao nhất ở ruộng 1 đạt 815 kg/ha/vụ, ruộng 2 đạt 700 kg/ha/vụ và ruộng 3 đạt 500 kg/ha/vụ. Năng suất tôm nuôi ở các ruộng của vụ 2 đều cao hơn so với vụ 1. Ở vụ tôm thứ 2, các hộ nuôi đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tốt hơn từ khâu chuẩn bị nuôi, thả con giống đến cách cho ăn, chăm sóc và quản lý. Năng suất tôm ở các ruộng đạt từ 450 -741 kg/ha/vụ, năng suất bình quân 614 kg/ha/vụ cao hơn so với mô hình tôm lúa xen canh (chỉ đạt 154 kg/ha/vụ). Kết quả cho thấy có sự chuyển biến rất lớn về các biện pháp kỹ thuật qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi tôm, từng bước xây dựng hoàn thiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ.

            3. Hiệu quả của mô hình:

                        - Về kinh tế:

                         Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm càng xanh

 

TT

Chỉ tiêu

Vụ tôm

Vụ lúa ĐX

Hệ thống tôm - lúa

01

Lợi nhuận (triệu đồng/ha)

42,1

10,6

52,7

02

Tổng chi (triệu đồng/ha)

22,9

5,6

28,5

03

Lãi ròng (triệu đồng/ha)

19,2

5,0

24,2

Tổng thu nhập bình quân từ  mô hình tôm lúa là 52,7 triệu đồng/ha, trong đó thu từ vụ tôm là 42,1 triệu đồng/ha và vụ lúa ĐX là 10,6 triệu đồng/ha. Lợi nhuận của mô hình sản xuất là 24,2 triệu đồng/ha (vụ lúa ĐX 5 triệu đồng/ha và vụ tôm đạt 19,2 triệu đồng/ha).

            Kết quả cho thấy mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh với trồng lúa ĐX đạt thu nhập trên 50 triệu đồng/ha và lợi nhuận từ mô hình này khá cao đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Diện tích có khả năng nuôi tôm lúa kết hợp ở huyện Cờ Đỏ lên đến gần 1.000 ha thì lợi nhuận mang lại khoảng 24 tỷ đồng.

            - So sánh hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm - lúa luân canh và mô hình 3 vụ lúa

 

STT

Chỉ tiêu

1 vụ tôm - 1 vụ lúa

3 vụ lúa

1

Tổng thu (triệu đồng/ha)

52,7

23,8

2

Tổng chi (triệu đồng/ha)

28,5

14,3

3

Lãi ròng (triệu đồng/ha)

24,2

9,5

            Qua bảng trên cho thấy, tổng thu nhập của mô hình sản xuất 3 vụ lúa chỉ bằng 45% so với 1 vụ tôm và 1 vụ lúa ĐX. Lợi nhuận của  mô hình tôm lúa là 24,2 triệu đồng/ha, trong khi làm 3 vụ lúa lợi nhuận mang lại chỉ có 9,5 triệu đồng/ha. Kết quả cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình tôm - lúa luân canh cao gấp 2,5 lầnso với làm 3 vụ lúa.

             Về xã hội: tận dụng tối đa diện tích đất và mặt nước hợp lý cho từng vùng sinh thái nông nghiệp. Tạo việc làm cho người lao động trực tiếp mang lại hiệu quả kinh tế cao và những người lao động gián tiếp (bắt ốc bươu vàng bán cho người nuôi làm thức ăn cho tôm) góp phần tăng thu nhập. Mô hình sản xuất này thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu  sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm cho xã hội, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

            Kết quả năm 2004 cho thấy diện tích nuôi tôm càng xanh trong địa bàn xã Thới Thạnh nói riêng và toàn huyện nói chung đã tăng đáng kể với tổng diện tích nuôi trên 100 ha.

            Về môi trường: mô hình một vụ lúa và một vụ tôm bước đầu xây dựng thành công không chỉ về mặt kinh tế, xã hội mà còn về môi trường. Mô hình góp phần giảm sử dụng nông dược trên đồng ruộng trong sản xuất lúa, giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do nông dược gây ra.

II. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

1.      Kết luận:

Mô hình trồng lúa ĐX nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa giúp người dân giảm lượng phân bón sử dụng ở vụ 2 từ 40% - 50% nhưng năng suất vẫn không giảm. Năng suất lúa bình quân ở các ruộng đạt 6 tấn/ha/vụ.

- Việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo cho hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững.

- Trong quá trình nuôi, một số yếu tố môi trường qua khảo sát cho thấy thích hợp cho sự phát triển của tôm càng xanh.

- Năng suất tôm đạt từ 450kg đến 741 kg/ha/vụ, năng suất bình quân 614 kg/ha/vụ.

- Mô hình một vụ lúa và một vụ tôm cho thu nhập cao gấp 2,5 lần so với trồng 3 vụ lúa. Tổng thu nhập từ mô hình sản xuất này trên 50 triệu đồng/ha và lợi nhuận là 24 triệu đồng/ha. Kết quả nghiên cứu cho thấy sức hấp dẫn của mô hình này đối với người nông dân rất lớn và hoàn toàn  có thể nhân rộng ra ngòai vùng dự án.

2.      Đề xuất:

-  Tiếp tục xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ngày càng hoàn thiện hơn tiến tới ổn định quy trình.

- Nhân rộng mô hình sản xuất này và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người dân ngoài vùng dự án.

- Cần triển khai nhiều mô hình hơn nữa làm cơ sở khẳng định kết quả của mô hình về kỹ thuật và hiệu quả nuôi.

- Tăng cường công tác vận động các hộ trồng lúa không sử dụng các nông dược có thời gian tồn lưu dài và không sử dụng các hóa chất bị cấm để diệt ốc bươu vàng.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ