Nghiên cứu qui trình ương giống và nuôi thương phẩm cá that lát (Notopterus Notopterus Pallas)
Chủ nhiệm đề tài: Ths.Lê Ngọc Diện; Cơ quan chủ trì: Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ; Thời gian thực hiện: 2001-2003.
I. MỞ ĐẦU:
Cá thát lát
có tên khoa học Notopterus notopterus Pallas, là loài cá kinh tế ở đồng
bằng sông cửu long (ĐBSCL). Cá có phẩm chất thịt
ngon, luôn có giá cao trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, là loài cá
có triển vọng trong chủ trương đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu của các doanh
nghiệp chế biến thủy sản (Nguyên và CTV, 2000). Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu lệ
thuộc hoàn toàn vào khai thác tự nhiên nên không ổn định và ảnh hưởng vào tính
mùa vụ rất cao. Những năm gần đây, cá thát lát được người dân ĐBSCL quan tâm
phát triển nuôi, nhưng nguồn giống thu từ tự nhiên không nhiều và khi đánh bắt
vận chuyển đem vào ao nuôi tỷ lệ hao hụt rất cao. Đồng thời, người dân thường
sử dụng các phụ phế phẩm công nông nghiệp sẳn có, cũng như dùng cá tép nhỏ làm
thức ăn khi nuôi cá thát lát, nên chỉ nuôi được ở qui mô nhỏ, từ đó đối tượng
này chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu (Chi cục BVPTNL
Thủy sản Cần Thơ, 2002).
Năm 1998 -1999, nghiên cứu sinh sản nhân
tạo cá thát lát thành công, đã sản xuất cá bột và ương đến 30 ngày tuổi (Nguyên
và CTV, 2000) nhưng tỷ lệ sống của cá ương chưa ổn định, nhất là khi sử dụng
thức ăn chế biến để ương, chưa có cơ sở khoa học để hướng dẫn ương nuôi cá đạt
hiệu quả.
Từ thực tế nói trên, đề tài “Nghiên
cứu qui trình ương giống và nuôi thương phẩm cá thát lát (Notopterus notopterus
Pallas)” đã được thực hiện.
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU:
1. Mục tiêu
- Xác lập qui trình ương giống từ cá
bột 4 ngày tuổi đến cá giống 60 ngày
tuổi, tỷ lệ sống đạt 50 - 70%, đạt kích thước 4 -6 cm dài/con..
- Xác lập qui trình nuôi cá thương phẩm
đạt 4 tấn/ha sau 12 tháng nuôi từ cá giống 60 ngày tuổi.
2. Nội dung
- Nghiên cứu kỹ thuật ương cá bột 4 ngày
tuổi đến 60 ngày tuổi.
- Nghiên cứu nhu cầu đạm của cá 30 ngày
tuổi dến 60 ngày tuổi, chọn khoảng hàm
lượng đạm trong thức ăn chế biến phù hợp để nuôi cá thương phẩm.
- Nghiên cứu kỹ thuật nuôi cá thương phẩm
từ cá giống 60 ngày tuổi đến 14 tháng tuổi.
- Phân tích hiệu quả, lợi nhuận của các
nghiệm thức thức ăn thí nghiệm.
3. Phương pháp nghiên cứu
- Thí nghiệm 1: nghiên cứu kỹ
thuật ương cá bột đến cá giống 60 ngày tuổi:
ương cá thát lát bột 4 ngày tuổi đến 60
ngày tuổi với các loại thức ăn viên có hàm lượng protein là 25%, 35%, 45% và cá
biển xay, ở 3 mật độ ương khác nhau A=100, B=150, C=200 con/m3. Tất
cả có 12 nghiệm thức thí nghiệm, mỗi
nghiệm thức bố trí 3 lần lặp lại. Tổng cộng 36 giai kích thước 2 x 3 x
1,5m.
-
Thí nghiệm 2: nghiên cứu
nhu cầu đạm trong thức ăn chế biến phù hợp để nuôi cá thương phẩm: dùng cá bột ương được 30 ngày tuổi,
nuôi ở mật độ 50 con/giai kích thước 1 x 1 x 0,5m giăng trong bể xi măng kích
thước 2 x 2 x 0,5m, 4 giai /bể, với thức ăn viên có hàm lượng protein từ 20%,
25%, 30%, 35%. Bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, mỗi nghiệm thức bố trí 3 lần lập
lại. Tổng cộng 12 giai giăng trong 4 bể xi măng. Định kỳ 10 ngày kiểm tra trọng
lượng toàn bộ số cá trong giai. Sau một tháng, kiểm tra tăng trọng và tỷ lệ
sống của cá.
-
Thí nghiệm 3: nghiên cứu
kỹ thuật nuôi cá thương phẩm từ cá giống 60 ngày tuổi dến 14 tháng tuổi. Bố trí
thí nghiệm hoàn toàn ngẫu nhiên trong giai kích thước 5 x 10 x 1,8m, đặt trong
ao 1.500 m2, với 2 mật độ nuôi 10 con/m2 và 20 con/m2, sử dụng thức ăn là cá
biển xay, thức ăn viên có hàm lượng đạm từ 20%, 25%, 30% và công thức thức ăn
phối hợp 50% thức ăn viên hàm lượng đạm 20% + 50% cá biển xay. Có 10 nghiệm
thức, mỗi nghiệm thức bố trí 3 lần lập lại, tổng cộng 30 lô thí nghiệm.
III. KẾT QUẢ
1.
Thí nghiệm 1: ương cá thát lát từ 4 ngày tuổi đến 60 ngày tuổi:
Cá
bột mới nở có kích thước từ 0,9 - 1cm. Đến 60 ngày tuổi, cá đạt chiều dài từ
3-7cm, trọng lượng từ 0,7-1,6g/con. Cá
có tốc độ tăng trưởng cao nhất, kích thước và trọng lượng tốt nhất ở nghiệm
thức mật độ ương 100 con/m2 với thức ăn cá biển xay ( 5-7cm dài,
1,6g/con ).
Về
tốc độ tăng trưởng bình quân g/ ngày và tốc độ tăng trưởng %/ ngày của
cá sau 56 ngày ương, cao nhất ở nghiệm thức thức ăn cá biển xay (0,15 -
0,26g/ngày).
Tỷ lệ sống cá thát lát ương giống: tỷ
lệ sống của cá chịu ảnh hưởng chủ yếu từ yếu tố mật độ ương. Sau 56 ngày ương
dao động từ 38,11% đến 93,32%, trong đó cá có tỷ lệ sống cao nhất ở nghiệm thức
thức ăn cá biển xay và thức ăn viên 25% protein, mật độ 100 con/m2,
150 con/m2, cá cho tỷ lệ sống từ
65 - 98%, bình quân trên 80%.
2. Kết quả chọn khoảng hàm lượng protein
trong thức ăn chế biến phù hợp để nuôi cá thương phẩm:
Bảng: Tăng trọng của cá thát lát:
STT
|
Loại thức ăn
|
Tăng trọng trung bình
|
1
|
Thức ăn viên 20% protein
|
0161a ±
0,018
|
2
|
Thức ăn viên 25% protein
|
0,176a ±
0,137
|
3
|
Thức ăn viên 30% protein
|
0,108a ±
0,056
|
4
|
Thức ăn viên 35% protein
|
0,104a ±
0,080
|
*
các số trong cùng một cột có cùng ký tự thì không có sự khác biệt về mặt thống
kê (p>0,05).
Qua kết quả
thí nghiệm cho thấy, cá
có mức tăng trọng cao nhất ở nghiệm thức cho cá ăn thức ăn viên có hàm
lượng protein 25% (0,76g/con), kế đến là
thức ăn 20% (0,161g/con). Từ thí nghiệm này có thể khẳng định là thức ăn viên
có hàm lượng protein 20 - 25% phù hợp cho cá nươi thương phẩm. Tỉ lệ sống từ 66,67 - 72,22%.
3.
Kết quả nuôi cá thát lát thương phẩm:
Cá nuôi có mức tăng trọng cao nhất ở
nghiệm thức nuôi mật độ 10 con/m2 sử dụng thức ăn kết hợp
(89,36g/con).
Về
kích cỡ: cá nuôi mật độ 10 con/m2 với loại cá biển xay và thức ăn kết hợp sau 12
tháng nuôi có chiều dài từ 18 - 22 cm, trọng lượng 80 - 105 g/con.
Tỷ lệ sống: cá nuôi ở mật độ 10 con/m2 đạt
tỷ lệ sống cao nhất từ 55 - 100%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nghiệm
thức thức ăn cá biển xay và thức ăn kết hợp 50% cá biển xay + 50% thức ăn viên
có hàm lượng protein 20% là cho tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao nhất, các
lô thí nghiệm còn lại không có sự sai biệt lớn. Trong quá trình nuôi không xảy
ra hiện tượng bệnh, cá ở các nghiệm thức thức ăn viên lớn chậm và tỷ lệ sống có
thấp hơn, nhưng vẫn phát triển. Như vậy, ngoài thức ăn thích hợp là động vật
tươi sống, cá sử dụng được thức ăn chế biến có hàm lượng protein từ 20 - 30%
trong giai đoạn nuôi thương phẩm, và tốt nhất là ở nghiệm thức sử dụng thức ăn
kết hợp.
Khẩu phần ăn của cá từ 3 - 5% trọng lượng
cá và cho ăn 2 lần/ngày là phù hợp cho cá phát triển.
Tiêu
tốn thức ăn nuôi cá thát lát thương phẩm: hệ số tiêu tốn thức ăn của cá thát lát trong thí nghiệm
này đối với cá biển xay là 2,9-3; thức ăn viên có hàm lượng protein từ 20-30%
là 1,1-1,3. Như vậy, nếu sử
dụng thức ăn viên để nuôi cá thát lát thương phẩm thì chi phí thức ăn sẽ thấp
hơn sử dụng cá biển xay, và nuôi cá bằng thức ăn phối hợp sẽ tốn chi phí thức
ăn thấp nhất.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1.
Kết luận:
-
Mật độ ương cá thát lát tốt nhất là 100 con/m2, mật độ nuôi tốt nhất là 10 con/m2.
- Thức ăn sử dụng phù hợp nuôi cá thát
lát: cá biển xay, thức ăn công nghiệp viên có hàm lượng protein 25-30% trong
giai đoạn ương giống, 20-25% trong giai đoạn nuôi thương phẩm cho mức tăng
trọng và tỷ lệ sống cao; nhưng nuôi ở công thức thức ăn kết hợp 50% cá biển xay
+ 50% thức ăn viên 20% protein cho mức tăng trọng và tỷ lệ sống cao nhất.
- Tỷ lệ cho ăn 5-7% ở giai đoạn ương
giống, 3-5% ở giai đoạn nuôi thịt và cho ăn 2 lần/ngày là phù hợp cho cá thát
lát phát triển tốt.
- Nuôi cá thát lát thương phẩm bằng thức
ăn phối hợp cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
- Các chỉ số môi trường nước ương nuôi cá
thát lát tương tự như một số loài cá nước ngọt nuôi ở ĐBSCL. Như vậy, cho thấy
điều kiện môi trường nước ở Cần Thơ hoàn toàn có thể phát triển nuôi đối tượng
này.
2. Kiến nghị:
- Nghiên cứu đặc điểm dinh dưỡng cá thát
lát sâu hơn và toàn diện hơn đối với các thành phần dinh dưỡng của cá như: xác
định nhu cầu tối ưu đối với protein, lipid, glucid, năng lượng...của cá, nhu
cầu dinh dưỡng hiệu quả kinh tế nhất để áp dụng trong thực tế nuôi thủy sản
tăng năng suất, giảm giá thành để mang lại lợi nhuận cao.
- Nghiên cứu các chất dẫn dụ kích thích
cá sử dụng thức ăn viên tốt hơn để sản xuất thức ăn công nghiệp phù hợp tập
tính dinh dưỡng và quá trình phát triển của cá đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng
thời phù hợp xu hướng nuôi cá kết hợp bảo vệ môi trường, chủ động nguồn thức ăn
để nuôi thủy sản theo hướng qui mô công nghiệp, sản xuất hàng hóa tạo vùng
nguyên liệu và phát triển thủy sản ổn định bền vững.
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ