SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại xã Thới Thuận và xã Thạnh Quới, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ.

[23/12/2011 20:40]

Chủ nhiệm đề tài: Ths. Nguyễn Minh Thông và TS.Nguyễn Thanh Phương; Cơ quan chủ trì: Sở KH&CN TP. Cần Thơ và Chi cục BV và PTNLTS Cần Thơ; Cơ quan chuyển giao công nghệ: Khoa Thủy sản (ĐHCT); Thời gian thực hiện: 2001 – 2003.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

            Nhằm góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua ứng dụng các mô hình sản xuất thủy sản mới. Một trong những giải pháp tích cực giúp nâng cao hiệu quả sản xuất thì nuôi tôm càng xanh được chọn là một giai pháp có triển vọng cao nhất.

            Những năm qua, qui trình sản xuất giống tôm càng xanh và nuôi tôm trong ruộng lúa đã được Khoa Thủy sản trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu và thử nghiệm thành công ở một số địa phương và xem đây là những mô hình khoa học, công nghệ mới có thể ứng dụng vào sản xuất đại trà rất phù hợp trong điều kiện tương tự; vùng ngập lũ của các tỉnh ĐBSCL nói chung và của tỉnh Cần Thơ nói riêng.

II. MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG THỰC HIỆN

            1. Mục tiêu:

            - Chuyển giao và tiếp nhận qui trình sản xuất tôm giống càng xanh nước xanh cải tiến qui mô nhỏ và qui mô trung bình cho tổ hợp tác sản xuất giống Thủy sản Tân Phát huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ.

            - Chuyển giao và tiếp nhận qui trình nuôi thương phẩm tôm càng xanh trong ruộng lúa sử dụng tôm nhân giống nhân tạo cho nông dân 2 xã Thới Thuận và Thạnh Quới, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ.

            2. Nội dung: dự án được triển khai 2 mô hình:

Mô hình 1: Chuyển giao và tiếp nhận qui trình sản xuất tôm càng xanh nước xanh cải tiến.

Mô hình 2: Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ruộng lúa.

III.  KẾT QUẢ

            1. Mô hình 1:

3 đợt ương đầu tiên trong giai đoạn chuyển giao và tiếp nhận kỹ thuật, cơ sở sản xuất giống tôm đã sản xuất được 850.000 tôm bột.

Từ tháng 11/2002, trại đã đi vào sản xuất đại trà cung cấp giống cho nuôi tôm trong vùng. Tổng sản lượng tôm giống sản xuất trong thời gian thực hiện dự án là 2.760.000 tôm bột. Tôm sản xuất từ trại giống luôn có chất lượng cao và nuôi đạt năng suất cao.

Giá thành tôm giống sản xuất tính trung bình trong thời gian thực hiện dự án là 60 đồng/con. Tuy nhiên, giá bán ra căn cứ vào giá thị trường bình quân là 100 đồng/con.

2. Mô hình 2:

            - Mô hình 2 được thực hiện với 29 hộ, sau thời gian 6 - 7 tháng nuôi (bắt đầu từ tháng 5-6 và kết thúc tháng 11-12/2002). Trong thời gian nuôi, có 01 hộ bị thất bại hoàn toàn sau 2 lần thả giống  nên chỉ còn 28 hộ.

 Bảng tóm tắt chỉ tiêu năng suất và kinh tế của mô hình 2

STT

Chỉ tiêu

Trung bình

1

Năng suất nuôi (kg)

705 ± 344 (393 - 2,100)

2

Tổng chi (triệu đồng)

19,9 ± 6,50 (8,5 - 35)

3

Tổng thu (triệu đông)

36,7 ± 14,7 (12 - 65)

4

Lãi ròng (triệu đồng)

17.2 ± 10.1 (3.5 - 45)

 

            Năng suất bình quân là 705 kg/ha (tăng 205 kg/ha so với dự kiến) và lãi ròng từ nuôi tôm là 17,2 triệu đồng/ha (tăng khoảng 5 triệu đồng/ ha so với dự kiến). Kết quả cũng cho thấy những hộ sản xuất tốt thì năng suất có thể cao hơn 1 tấn/ha (cao nhất là 2,1 tấn/ha) và mức lãi ròng từ tôm có thể lên đến 40 – 45 triệu đồng/ha.

            3. Kết quả về đào tạo, quảng bá kỹ thuật và mở rộng các mô hình:

            Mô hình 1:

            Trong thời gian triển khai chuyển giao kỹ thuật, ngoài 04 cán bộ được tập huấn tại khoa Thủy sản (ĐHCT) còn có 04 kỹ thuật viên tham gia vào sản xuất tại trại cũng tiếp nhận được kỹ thuật sản xuất giống tôm và có đủ năng lực để vận hành trại sản xuất giống. Trại giống của dự án đã trở thành đơn vị chủ lực sản xuất giống cung cấp chung các vùng nuôi tôm của huyện Thốt Nốt.

            Mô hình 2:

Trong thời gian triển khai, dự án đã đào tạo được 02 cán bộ huyện, 06 cán bộ của hai xã vùng dự án và 06 cán bộ của 3 xã ngoài vùng dự án của huyện Thốt Nốt và 01 cán bộ của nông trường Cờ Đỏ; 28 hộ tham gia dự án đã trở thành các cộng tác viên cơ sở cho việc mở rộng qui mô của mô hình. Ngoài ra, sau khi thực hiện xong 28 hộ nuôi, dự án tiến hành triển khai tập huấn mở rộng thêm 4 lớp cho huyện Thốt Nốt, đưa tổng số người được đào tạo lên 420 người.

            Diện tích nuôi tôm và số hộ nuôi tôm được mở rộng lên rất nhiều vào năm 2003, theo đó huyện Thốt Nốt có 120 ha, tập trung ở Thạnh Quới và Thới Thuận, nông trường Cờ Đỏ của huyện Ô Môn cũng có 20 ha trong số 103 ha dự kiến phát triển nuôi tôm trên ruộng lúa trong tương lai.

            4. Hiệu quả của dự án:

            Dự án đã chuyển giao tiến bộ khoa học “mới” vào sản xuất, chính vì tính “mới” này mà người sản xuất còn cân nhắc trước khi tiếp nhận. Tuy nhiên, cả hai phía chuyển giao, phía tiếp nhận và các đơn vị phối hợp đều rất cố gắng trong quá trình triển khai nên dự án được đánh giá rất thành công.

            - Về kỹ thuật: cơ quan chuyển giao và các đơn vị phối hợp đã thành công trong việc chuyển giao 2 mô hình sản xuất mới và 2 mô hình này đã thể hiện tính ổn định về mặt kỹ thuật.

            Đối với mô hình 1, đơn vị tiếp nhận đã ứng dụng tốt các yêu cầu kỹ thuật và tiến hành sản xuất thành công và có thể sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu tôm bột/năm. Hiện trại giống đang bắt đầu vụ sản xuất đầu tiên sau khi dự án kết thúc.

            Mô hình 2 đã thực hiện sang năm thứ hai (2003) và đang thu hoạch với năng suất bình quân hơn 700 kg/ha, trong đó có rất nhiều hộ đạt năng suất hơn 1,2 tấn /ha.

            Như vậy, việc tiếp nhận kỹ thuật mới của người dân đã có kết quả thể hiện qua thực tế sản xuất. Kết quả từ thực tế là yếu tố quan trọng cho việc quảng bá kỹ thuật cho nhiều nơi ứng dụng. Từ đó góp phần đa dạng hóa mô hình sản xuất và thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Tuy số tôm giống sản xuất ra ít hơn dự kiến của dự án (2.760.000 tôm bột được sản xuất so với chỉ tiêu đặt ra là 3.000.000 tôm bột) nhưng nhờ đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật nên chất lượng cao, giá thành hợp lý và giá giống cao nên vẫn đạt hiệu quả kinh tế.

            - Về kinh tế: Hiệu quả của 2 mô hình sản xuất đã rõ rệt.

            Mô hình 1: tôm bột sản xuất ra với giá thành phù hợp (60 đồng/con) và giá bán dao động theo giá thị trường nhưng bình quân là 100 đồng/con. Như vậy, nếu trại sản xuất ổn định từ 2,5 đến 3 triệu con/năm thì lãi ròng se dao động từ 100 đến 120 triệu đồng/năm. Hơn nữa, trại sản xuất được con giống chất lượng cao sẽ góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế của người nuôi nhờ giảm tỷ lệ hao hụt và năng suất cao.

            Hiệu quả kinh tế của mô hình 2 rất rõ ràng và hấp dẫn người dân ứng dụng. Nếu chỉ so sánh hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm với làm lúa Hè Thu thì tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 7 đến 8 lần, điều này cho thấy các hộ nông dân không sản xuất lúa Hè Thu chuyển sang nuôi tôm là điều hoàn toàn phù hợp với xu thế nâng cao hiệu quả sản xuất trên nền đất lúa.

            Mô hình đã góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và tăng nguồn hàng hóa cho xuất khẩu và tiêu dùng.

            - Về xã hội: thành công của dự án có tác động rất lớn về mặt xã hội, những tác động chính đó là:

            + Tạo việc làm có hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân ở những vùng ngập lũ trong thời gian nhàn rỗi.

            + Tạo công ăn việc làm cho những người không nuôi tôm hoặc không có điều kiện nuôi tôm qua việc cung cấp cho người nuôi tôm như cá tạp, ốc bươu vàng.

            + Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tạo sản phẩm cho xã hội góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân ở vùng nông thôn sâu và ngập lũ.

            + Góp phần làm tăng tính cộng đồng trong sản xuất (03 hộ hợp tác nuôi chung 03 ha để giảm  chi phí đầu tư).

            + Hình thành đơn vị hợp tác làm ăn để tiến lên thành các hợp tác xã (các hộ tham gia dự án và một số hộ mới đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) nuôi tôm trong năm 2003).

            Ngoài ra, sự thành công của dự án đã thu hút sự đầu tư của ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cho người sản xuất. Năm 2003, ngân hàng đã đầu tư cho 35 hộ trong CLB nuôi tôm với hơn 1 tỷ đồng (40 triệu đồng/ha). Đây là tiền đề quan trọng trong đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm ruộng ở Cần Thơ nói riêng và các tỉnh khác nói chung.

            - Về môi trường:

            Trong 29 hộ chọn thực hiện dự án, có 01 hộ thất bại do sử dụng nhiều nông dược trong mùa sản xuất trước làm tồn lưu độc tố trong đất nên khi chuyển sang nuôi tôm đã làm chết tôm khi thả giống. Chính sự thất bại này đã làm cho người dân cẩn thận hơn khi sử dụng nông dược trong sản xuất lúa và hoa màu.

            Luân canh một vụ lúa, một vụ tôm đã góp phần làm giảm sử dụng nông dược, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nông dược. Hơn nữa, việc khai thác ốc bươu vàng làm thức ăn cho tôm đã góp phần đáng kể giảm lượng ốc bươu vàng trên ruộng lúa (1 ha nuôi tôm tiêu thụ từ 250 - 300 kg ốc bươu vàng/ngày).

IV. KIẾN NGHỊ

            - Cần có cơ chế phù hợp cho việc phát triển và “nuôi” đội ngũ cãn bộ cơ sở để họ làm tốt công tác tư vấn kỹ thuật trong quá trình sản xuất của người dân. Đặc biệt, tư vấn cho các câu lạc bộ hay hợp tác xã nuôi tôm cũng cần được tiếp tục duy trì và tăng cường.

            - Cần tiếp tục đầu tư hay hỗ trợ vốn phù hợp cho việc mở rộng trại sản xuất giống tôm để đáp ứng cho yêu cầu mở rộng diện tích nuôi trong thời gian tới.

            - Cần trợ giúp tài chính cho các cơ quan nghiên cứu phát triển kỹ thuật đánh giá chất lượng tôm giống sạch bệnh và chuyển giao cho người dân để nhằm giảm hao hụt khi mua tôm giống.

            - Cần tiếp tục nghiên cứu việc phát triển mô hình nuôi tôm trên ruộng ở các vùng sinh thái khác nhau để có thể chuyển giao kỹ thuật phù hợp cho người sản xuất, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ