SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT phục vụ phát triển KT-XH tại xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.

[23/12/2011 21:20]

Chủ nhiệm dự án: KS. Bùi Minh Tạo; Phó chủ nhiệm: TS. Bùi Chí Bửu; Cơ quan chủ trì: Sở KH,CN và MT tỉnh Cần Thơ; Thời gian thực hiện: 1999-2001.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã có nhiều thành tựu trong các công tác giống cây con, các mô hình canh tác kết hợp có hiệu quả kinh tế cao, nhưng việc ứng dụng phổ biến còn hạn chế. Nên việc xây dựng mô hình thí điểm để truyền bá, triển khai, phổ biến là điều cần thiết phải thực hiện.

Địa bàn xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp có đường giao thông thủy bộ thuận lợi, vùng nước ngọt quanh năm, có khả năng tiếp nhận triển khai dưới dạng mô hình một số thành tựu khoa học đã được nghiên cứu. Người dân có tinh thần cầu tiến với những giống mới, chính quyền địa phương thống nhất cao và sẽ hỗ trợ trong việc triển khai dự án về mặt quản lý Nhà nước và với đội ngũ cán bộ của trạm khuyến nông, trung tâm y tế huyện,... rất tích cực trong lĩnh vực công tác của ngành giúp dự án tiến hành thuận lợi.

II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

1. Mục tiêu:

Nâng sản lượng lương thực bình quân đầu người lên 900kg-1000kg/người/năm, giảm số hộ nghèo, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, như: vịt siêu trứng campbell; heo lai có tỉ lệ nạc trong thân thịt là 42-45%, trọng lượng xuất chuồng 100kg. Sử dụng các hố xí hợp vệ sinh trong dân và 02 hầm ủ Biogas kết hợp nhà vệ sinh công cộng tại các điểm trường học.

2. Nội dung:

- Chuyển giao kiến thức cơ bản trong các lĩnh vực sản xuất lúa, kỹ thuật chăn nuôi, con giống mới, các cây ăn trái phù hợp cho vùng và nhận thức về bảo vệ môi trường.

- Chuyển giao những cây, con giống,... thông qua những mô hình để giúp người dân hiểu rõ cũng như hỗ trợ người dân trong giai đoạn đầu chuyển đổi phương thức canh tác và chọn giống mới trong sản xuất.

- Tập huấn đội ngũ kỹ thuật viên trên địa bàn

3. Phương pháp:

- Phương pháp chuyển giao xây dựng mô hình:

+ Tổ chức mạng lưới kỹ thuật viên và nâng cao trình độ sản xuất của nhân dân

+ Huấn luyện, đào tạo về IPM và các tiến bộ trong trồng lúa, kỹ thuật trồng cây ăn trái,  chăn nuôi heo, vịt; hướng dẫn sử dụng bảng so màu lá để bón phân cho lúa; xây dựng và bảo dưỡng hố xí hợp vệ sinh, hầm ủ Biogas và túi khí Biogas.

- Phương pháp quản lý:

+ Hợp đồng với các chuyên gia của Viện Lúa ĐBSCL, Đại học Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông và Trạm Giám sát môi trường Sở KHCNMT tỉnh Cần Thơ.

+ Hợp đồng theo công việc với cán bộ kỹ thuật và các cộng tác viên và bên cạnh đó chọn một số nông dân tiên tiến để thực hiện một số phần việc của dự án.

+ Phối hợp với các hội quần chúng như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc xã,... để tuyên truyền chủ trương mục tiêu và biện pháp tổ chức thực hiện dự án.

- Giải pháp về công nghệ:

+ Đưa các giống cây con mới như OM 1706, OM 997, Vịt siêu trứng Campbell, heo lai Yorkshire, cây sạch bệnh;

+ Áp dụng các kỹ thuật tiến bộ trong trồng trọt như bảng so màu lá lúa, máy sạ hàng...

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Tập huấn chuyển giao

- Đã tổ chức 10 lớp tập huấn, với số dân tham dự là 1.190 lượt người thời gian từ 2-3ngày/lớp, bình quân khoảng 120 người/lớp, đào tạo 10 kỹ thuật viên nông nghiệp cho xã.

Nội dung tập huấn gồm những vấn đề:

- Ứng dụng kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất lúa và bảo quản sau thu hoạch: hệ thống nhân giống 3 cấp, tổ chức cung ứng giống và quy trình nhân giống cấp xác nhận; kỹ thuật áp dụng hệ thống canh tác mới sạ thưa theo băng, sạ thưa bằng công cụ sạ hàng, tiết kiệm chi phí sản xuất lúa; …. theo giáo trình do Viện Lúa ĐBSCL biên soạn.

- Kỹ thuật canh tác một số cây ăn trái như xoài, sầu riêng, nhãn,...và tổ chức thực hành chuyển giao kỹ thuật nhân giống cây ăn trái bằng phương pháp chiết, tháp cho 40 nông dân theo giáo trình do Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ biên soạn.

- Kỹ thuật chăn nuôi và bảo vệ môi trường, giáo trình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh biên soạn.

- Kỹ thuật chăn nuôi: heo thịt, heo nái; vịt siêu trứng Khaki Campbell, vịt đẻ CV2000 và hướng dẫn lắp đặt và sử dụng túi ủ biogas.

- Tổ chức triển khai điểm ứng dụng phòng trừ tổng hợp IPM, các buổi hội thảo đầu bờ.

2. Xây dựng các mô hình

a) Mô hình  thâm canh cây lúa:

+ Đã chuyển giao 6.012kg lúa giống OM2031, OM1723-62, IR64 nguyên chủng cho 47 hộ gieo sạ với diện tích hai vụ Đông Xuân và Hè Thu 1999-2000 là 2187 ha.

+  Cấp 100 bảng so màu lá lúa và hướng dẫn cách sử dụng cho 100 hộ dân trong vùng dự án.

+ Tổ chức triển khai 02 điểm ứng dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM.

+ Năng suất lúa bình quân tăng từ 400-600kg/ha, giảm được giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân từ 1-1,5 triệu đồng/ha.

+ 40% nông hộ sử dụng giống lúa có chất lượng cao (cấp xác nhận) để gieo sạ, số hộ để lưu giữ giống sử dụng trong nhiều vụ đã giảm rõ rệt, (số liệu điều tra trên 103 phiếu cho nông dân ngày 7/2/2001, cho thấy có 39% số hộ sử dụng giống 1 vụ rồi đổi giống mới hoặc giống khác thích hợp hơn, 44% đổi giống sau 2 vụ, 13% sau 3 vụ và 4% sau 4 vụ).

+ Áp dụng biện pháp sạ thưa theo băng hoặc sạ thưa bằng công cụ máy sạ hàng với mật độ từ 100-120kg/ha, tiết kiệm lượng lúa giống từ 80-100kg/ha, ít bị sâu bệnh hại so với tập quán sạ lan.

+ Sử dụng bảng so màu lá lúa tiết kiệm lượng phân đạm bình quân khoảng 50kg/ha. 

+ Hạn chế tối đa việc sử dụng nông dược, để môi trường không khí, nguồn nước và đất đai được trong sạch, góp phần sản xuất nông sản xanh, sạch.

+ Thu hoạch lúa đúng độ chín 90-95%, không để lúa chín ngoài đồng lâu và không phơi mớ ngoài đồng. Phơi sấy đúng kỹ thuật để tỉ lệ gạo nguyên cao, ẩm độ hạt từ 13-14%, bảo quản nơi khô ráo thông thoáng để giữ phẩm chất gạo tốt.

+ Tổ chức hội thảo về nội dung "Tổ chức sản xuất nông nghiệp và vấn đề môi trường trong vùng dự án" và hai buổi hội thảo đầu bờ vụ Hè thu 2000 nhằm đánh gía mô hình sản xuất lúa giống xác nhận và hiệu quả việc ứng dụng phương pháp sạ lúa theo hàng sử dụng bảng so màu lá lúa.

b) Mô hình phát triển chăn nuôi nông hộ

+ Dự án đã chọn 14 con heo giống (11 con đực giống và 3 con cái giống Yorkshire)

từ trại heo thực nghiệm của Đại Học Cần Thơ, trọng lượng ban đầu từ 21-80kg/con để phối giống với đàn heo nái của xã nhằm cải tiến đàn heo địa phương. Chuyển giao qui trình kỹ thuật nuôi heo lai năng suất cao.

+ Chuyển giao cho 192 hộ dân 11.400 con vịt (giống Khaki Campbellvà giống CV2000) 01 ngày tuổi từ Trung tâm Giống Nông nghiệp của tỉnh. Mỗi hộ dân nhận từ  30 đến 150 con/hộ. Chuyển giao kỹ thuật nuôi vịt trứng năng suất cao.

+ Kết quả đạt được:

- Đàn heo giống Yorkshire: heo đực giống nên giao với trọng lượng ban đầu nhỏ: 30 - 40kg/con để dễ thích nghi với điều kiện nuôi dưỡng tại hộ dân và dễ luyện tập đi phối giống.

-Vịt CV- 2000: vịt khỏe, mau lớn, dễ nuôi,... Tuy nhiên cũng cần có thời gian theo dõi và có nhận xét thêm khi đàn vịt đẻ một thời gian.

c) Mô hình phát triển cây ăn quả

- Tổng diện tích thực hiện là 18,36ha. Diện tích trung bình của hộ trong mô hình là 0,56ha.

- Chuyển giao cho dân 2.307 cây gồm 6 loại: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng sữa hạt lép, vú sữa Lò rèn, mận Thái, mãng cầu xiêm và măng cụt. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc được nông dân yêu cầu nhiều nhất (51,2%), kế đến là sầu riêng sữa hạt lép (20,3%) và vú sữa Lò rèn (12,4%).

- Tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cây ăn trái cho 472 nông dân trong mô hình và trong xã; chuyển giao kỹ thuật nhân giống cây ăn trái bằng phương pháp chiết, tháp cho 40 nông dân.

- Lượng phân bón cho cây trung bình là 184,3g/gốc/năm. Các dạng phân được sử dụng chủ yếu là 20-20-15, urê, DAP…

d) Mô hình bảo vệ môi trường nông thôn

- Xây dựng hố xí hợp vệ sinh: hướng dẫn và thiết lập 23 hố xí tự hoại.

- Xây dựng 02 hầm ủ khí Biogas kết hợp giữa cầu vệ sinh và chăn nuôi.

- Kết quả:        

* Phân phối hầm ủ Biogas, hệ thống xử lý nước, hố xí tự hoại và phòng học: giảm nhiệt, giảm ồn. Khung nhà lắp ghép được làm bằng thép, nóc và vách được làm bằng tol-panel (2 mặt làm bằng tole thiếc, ở giữa có mướp dầy 60 mm). Các chỉ số đo đạc cho thấy:  tiếng ồn trong lúc mưa của phòng làm bằng tole-panel giảm từ 8-9 dBA so với phòng lợp bằng tole thiếc của trường; nhiệt độ trong phòng học làm bằng tole-panel có nhiệt độ chênh lệch so với phòng học cũ từ 1 đến 3oC, trung bình là 1,5oC; sử dụng tole-panel để lợp trên mái các phòng, nhà có thể giảm tiếng ồn và nhiệt độ một cách đáng kể và học sinh có thể vẫn học bình thường khi trời mưa to hay không quá nóng bức khi trời nắng.

* Hầm ủ Biogas kết hợp với nhà vệ sinh: sau 1 thời gian đưa vào sử dụng, người dân và học sinh đã quen với mô hình mới với số người sử dụng ngày càng nhiều và sử dụng có hiệu quả các công trình. Cầu tiêu trên ao trong trường và ở khu vực xung quanh đã được tháo dỡ. Đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm ở tại cụm dân cư và ngay trong trường học.

Chất thải sau khi phân hủy cho khí đốt được thải ra môi trường chỉ còn lại dạng phân đã hoai có thể tận dụng để bón phân, nuôi cá, hay thải ra môi trường bên ngoài cũng không gây ảnh hưởng lớn như việc thải trực tiếp.

Các hầm ủ Biogas được xây dựng theo cấu trúc mái vòm, nền móng chắc chắn và lớp bột nhão phủ bên ngoài cho phép chống nứt trên vách hầm, chống thất thoát khí. Do đó, không xảy ra hiện tượng rò rỉ khí đốt làm ảnh hưởng môi trường không khí xung quanh, bảo đảm tính bền vững và thẩm mỹ của công trình.

* Túi ủ  biogas: các túi ủ được sử dụng tốt, nguồn năng lượng từ túi ủ được sử dụng làm chất đốt, không gây ô nhiễm, dễ sử dụng; hạn chế sự ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi ra môi trường chung quanh, ngoài ra một số hộ tận dụng chất thải này để bón cho cây trồng, nuôi cá,... để tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của gia đình.

* Bể xử lý nước và giếng khoan: việc đầu tư mô hình giếng khoan và bể xử nước cung cấp cho sinh hoạt có hiệu quả. Nước sau khi được xử lý có chất lượng tốt và sử dụng cho sinh hoạt rất tốt có thể sử dụng cho nấu ăn, nấu nước uống, tắm giặt, . . . mà không bị vấn đề ngã màu do sắt hay có mùi bùn của nước giếng như trước lúc xử lý.

* Hố xí tự hoại: đã chuyển giao cách xây dựng cho các thợ ở địa phương và kỹ thuật xây dựng cho các cán bộ ở Trạm Y tế xã Phụng Hiệp. Sau khi bàn giao, tất cả hố xí đều được sử dụng và bảo quản tốt. Số cầu tiêu trên ao, mương giảm xuống tương ứng với mức hố xí đầu tư cho các hộ. Đồng thời, nhiều hộ đến các điểm được xây dựng hố xí để học tập xây dựng và đã có nhiều hộ làm các hố xí tương tự như trên hay có cải tiến thêm tùy theo khả năng về tài chính của từng hộ.

V. KẾT LUẬN

Qua thực hiện 4 mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tại xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp tỉnh Cần Thơ” đã góp phần nâng sản lượng lương thực bình quân đầu người lên 1100kg/người/năm, giảm số hộ nghèo từ 1.023 hộ xuống còn 620 hộ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, như: chuyển hướng nuôi vịt chạy đồng bằng giống siêu trứng campbell; heo lai có tỉ lệ nạc trong thân thịt là 45-46%, trọng lượng xuất chuồng 100kg ở tháng nuôi thứ 5-7. Sử dụng các hố xí hợp vệ sinh trong dân (23 hộ trong dự án) và 02 hầm ủ Biogas kết hợp nhà vệ sinh công cộng tại các điểm trường học.

Trong thực hiện các mô hình dự án đã triển khai với hình thức hộ sử dụng mô hình lồng ghép như chăn nuôi heo kết hợp với sử dụng túi ủ biogas và trồng cây ăn trái thường mang lại hiệu quả cao vừa cải thiện kinh tế hộ bằng chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm chi phí nhiên liệu trong sinh hoạt hàng ngày. Sử dụng túi ủ biogas tận dụng chất thải chăn nuôi làm chất đốt phục vụ sinh hoạt, chất thải sau xử lý có thể dùng làm phân bón cho cây hoặc nuôi cá.

Trong tổng số 303 lượt hộ tham gia xây dựng mô hình dự án (170 hộ nuôi vịt, 47 hộ trồng lúa, 22 hộ sử dụng biogas, 23 hộ xây dựng hố xí hợp vệ sinh, 33 hộ trồng cây ăn trái, 8 hộ nuôi heo) có 26 hộ xây dựng mô hình lồng ghép ít nhất là 2 mô hình và nhiều nhất là 4 mô hình.

 

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ