SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa giống tại xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.

[23/12/2011 21:24]

Chủ nhiệm dự án: Ks. Nguyễn Hoàng Thái; Cơ quan chủ trì: Phòng Công - Thương và Khoa học Môi trường huyện Phụng Hiệp; Cơ quan chuyển giao công nghệ: Viện Lúa ĐBSCL; Thời gian thực hiện: 2000 - 2002.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ấp Xẻo Vông A và B thuộc xã Phụng Hiệp có diện tích 970ha, dân số 7.000 người. Sản xuất chính của các nông hộ là trồng lúa. Do trình độ canh tác của nông dân còn thấp, khả năng tiếp nhận thông tin còn hạn chế, chưa hiểu rõ về giống cũng như kỹ thuật canh tác. Vì vậy, năng suất lúa đạt được không cao, phẩm chất hạt lúa bị giảm nên ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Xuất phát từ thực tiễn đó, dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa giống tại xã Phụng Hiệp (Cần Thơ) để giúp nông hộ sản xuất lúa giống có chất lượng và năng suất cao đã được thực hiện.

II. MỤC TIỆU, NỘI DUNGVÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

Ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ để khắc phục những điểm yếu cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở tận dụng tiềm năng đất đai, lao động tại chỗ, từng bước xây dựng hệ thống nông nghiệp đa dạng bền vững. 

+ Xây dựng mô hình sản xuất giống lúa cấp xác nhận diện tích 50ha, đạt năng suất 4,5-5 tấn/ha.

+ Tổ chức sản xuất và nhân giống cấp xác nhận để cung cấp tại chỗ hạt giống có chất lượng tốt, năng suất cao, giá thành hạ, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân vùng dự án.

2. Nội dung và phương pháp

- Điều tra, khảo sát và chọn địa điểm thực hiện dự án.

- Họp dân bàn bạc thống nhất mục tiêu của dự án.

- Xây dựng mô hình - Vụ Hè Thu tổ chức tập huấn, chuẩn bị xuống giống 10ha.

- Sử dụng giống lúa nguyên chủng do Viện Lúa ĐBSCL cung cấp, có chất lượng hạt gạo cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Chuyển giao máy sạ hàng

- Sơ kết vụ Hè Thu và chuẩn bị triển khai vụ Đông Xuân 2001, tập huấn, xuống giống vụ Đông Xuân 40ha.

- Tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trực tiếp cho nông dân.

III. KẾT QUẢ

1.Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật:

Vụ Hè Thu 2000 đã chuyển giao 960kg lúa giống OM2031 nguyên chủng từ Viện Lúa ĐBSCL cho 20 nông hộ thực hiện mô hình sản xuất hạt giống lúa cấp xác nhận. Giống OM2031-5 là giống lúa có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, giống lúa có hàm lượng amylose trung bình (24-25%), cơm mềm, hạt gạo trong ít bị bạc bụng.

Kết quả năng suất bình quân đạt 4,2 tấn/ha, tăng 400-500kg/ha so với vụ Hè Thu năm 1999. Lợi nhuận hơn 2 triệu đồng/ha do tiết kiệm được lượng lúa giống khi sạ hàng 100-120kg/ha (220-250kg/ha), giảm chi phí phân bón (100-120 ngàn đồng/ha) và thuốc trừ sâu (80-100 ngàn đồng/ha). Bà con nông dân trong vùng trao đổi giống để sản xuất vụ Đông Xuân được 87ha.

Vụ Đông Xuân 2000-2001, sử dụng 6000kg lúa giống AS996, OM3007-42-94, OM2037, xuống giống gần 60ha. Năng suất đạt 6-6,5 tấn/ha tăng 400-600kg /ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Ngoài ra, các nông hộ lân cận đã sử dụng giống lúa cấp xác nhận, toàn xã có gần 500ha sản xuất lúa có chất lượng tốt.

Kết quả đạt được do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác. Ngoài công tác chọn giống, trước khi xuống giống nông hộ được hướng dẫn các kỹ thuật như ngâm ủ giống, kỹ thuật sạ hàng bằng máy sạ hàng, sử dụng bảng so màu lá lúa để bón phân đạm, quản lý cỏ dại bằng nguồn nước và quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc hóa học theo nguyên tắc 4 đúng. Hướng dẫn khử lúa lẫn, bông cỏ, thu hoạch đúng độ chín, phơi sấy đúng kỹ thuật và bảo quản nơi khô ráo, thông thoáng để giữ phẩm chất gạo tốt.

Ban chỉ đạo đã tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng nhân giống và trình diễn nhằm nhân nhanh mô hình, tổ chức buổi hội thảo đầu bờ cho gần 100 nông dân sản xuất lúa của huyện tham dự.

2. Tập huấn

Đã tổ chức 8 lớp tập huấn với hơn 370 lượt nông dân trong vùng dự án tham dự về các chuyên đề sau:

Hệ thống nhân giống ba cấp, kỹ thuật bón phân cho lúa cao sản, phương pháp sạ hàng, cách nhận biết và biện pháp quản lý, phòng trừ sâu bệnh hại chính trên lúa.

3. Những thuận lợi và khó khăn của dự án

Thuận lợi của dự án:

- Nội dung dự án xác thực với chủ trương phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phù hợp với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của bà con nông dân vùng dự án.

- Có sự phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cơ quan chuyển giao khoa học kỹ thuật với cán bộ kỹ thuật và nông dân tại địa phương.

- Vật tư kỹ thuật được đầu tư đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích.

Khó khăn:

 - Sự tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của nông dân còn hạn chế do văn hóa, công việc và tập quán canh tác cố hữu của nhà nông.

- Hệ thống kênh mương thủy lợi chưa được nạo vét sâu phục vụ tưới tiêu nước.

- Sự thất thoát sau thu hoạch còn rất cao trong khâu gặt đập, vận chuyển phơi sấy.

IV. KẾT LUẬN

Sự tiếp thu khoa học kỹ thuật của nông dân cần rất nhiều thời gian vì nông dân thường chọn những kỹ thuật chuyển giao đơn giản dễ hiểu, dễ thực hiện.

Dự án ở Ấp Xẻo Vông đã mang lại cho nông dân vùng này lợi ích kinh tế rõ ràng trên đất sản xuất lúa bằng việc ứng dụng có chỉ đạo kỹ thuật của cán bộ và chuyên gia, nông dân thực hiện thành công ở giai đoạn 1 và mạnh dạn chuẩn bị cho giai đoạn 2. Tuy người nông dân chưa giàu lên ngay trong việc chuyển đổi giống và kỹ thuật canh tác nhưng là tiền đề quan trọng cho những bước tiếp theo về chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa.

Sự vận động và tham gia của chính quyền địa phương nhất là trưởng ấp, các đoàn thể như hội nông dân, phụ nữ, thanh niên là liên kết chặt chẽ dẫn đến thành công của mô hình. Với xu thế đó, người nông dân ứng dụng tiến bộ mới ngày một nhiều hơn.

Các lớp tập huấn khuyến nông đã cung cấp và cập nhật kiến thức cho nông dân. Ngoài ra, việc tổ chức tham quan những mô hình tốt về chuyển dịch cơ cấu là rất bổ ích trong sự nghiệp đổi mới nông thôn.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ