Startup tay chân máy mang lại cơ hội đổi đời cho người khuyết tật
Khi mang cánh tay giả này, người khuyết tật có thể tự hào rằng, họ đang mang trên người một sản phẩm công nghệ, chứ không phải một dụng cụ y tế.
Trịnh Khánh Hạ, đồng sáng lập Vulcan Augmetics
Tay robot giá rẻ cho người Việt
Vulcan Augmetics là startup chuyên sản xuất tay chân máy 100% made in Vietnam, với giá cả rất phù hợp với người Việt. Startup này sử dụng vật liệu và quy trình sản xuất thông minh cho thiết kế cánh tay để đảm bảo sản phẩm vừa có nhiều tính năng, thẩm mỹ và nhẹ nhàng thoải mái hơn cho người sử dụng.
Một sản phẩm tay máy bao gồm sự kết hợp các chất liệu silicon, nhựa in 3D, nhôm, đồng và nhựa y tế, đặc biệt được gắn các cảm biến giúp người khuyết tật có thể thực hiện các thao tác cầm nắm. Người dùng có thể sử dụng thành thạo các thao tác trong vòng 2 tuần.
Chia sẻ về ý tưởng sáng lập công ty, cô gái trẻ Trịnh Khánh Hạ, đồng sáng lập Vulcan Augmetics bày tỏ, Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, trong đó, 40% bị thất nghiệp. Việc người khuyết tật bị hạn chế tham gia thị trường lao động khiến cuộc sống của họ và gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống y tế, các chính sách phúc lợi cũng như các sản phẩm hỗ trợ hiện có trên thị trường vẫn còn chưa hướng tới phục vụ một cách trọn vẹn.
Trong khi đó, các sản phẩm tay chân chức năng trên thị trường đều 100% ngoại nhập từ châu Âu, châu Mỹ, với giá từ 60 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi sản phẩm. Không chỉ giá cao, việc bảo trì, bảo hành cũng không dễ dàng vì hầu hết các sản phẩm đều nhập khẩu qua các nhà phân phối đơn lẻ, không có trung tâm tư vấn, bảo hành, sửa chữa nâng cấp tại Việt Nam.
Theo Trịnh Khánh Hạ, điểm khác biệt lớn nhất ở các cánh tay giả của Vulcan là sự linh hoạt trong thiết kế sản phẩm, bao gồm các khớp nối được thiết kế chuyên biệt kết nối với những mô-đun tháo lắp cho từng công việc cụ thể.
"Vulcan không tạo ra những cánh tay hoàn thiện, mà tạo ra một phần cánh tay chính không thay đổi và những phần rời có thể được tháo lắp vào phần chính, tùy vào nhu cầu sử dụng của người dùng. Nhờ vậy, chúng tôi có thể giữ giá bán sản phẩm phù hợp kể cả với người có ngân sách hạn hẹp", Khánh Hạ cho biết.
Mặc dù là doanh nghiệp xã hội nhưng Vulcan Augmetics vẫn là công ty vì lợi nhuận. "Chúng tôi muốn sản phẩm tay Vulcan là sản phẩm công nghệ được người sử dụng khát khao sở hữu. Khi mang sản phẩm lên người, họ cảm thấy tự hào như mình đang sử dụng một chiếc điện thoại hay đồng hồ thông minh tân tiến. Nếu sản phẩm Vulcan 100% từ thiện, người mang nó sẽ không bao giờ cảm thấy tự hào mà nghĩ rằng đó là tượng trưng cho sự thiếu thốn, sự thương xót từ cộng đồng”, đồng sáng lập Vulcan Augmetics bày tỏ.
Cơ hội 'đổi đời' cho người khuyết tật
Đầu tháng 6/2020, Vulcan đã tổ chức thành công sự kiện “Lắp đặt cánh tay robot chức năng miễn phí” trong chuỗi dự án UpLift cho những người khuyết tật khu vực miền Bắc tại Hà Nội. Mỗi sản phẩm tay robot này trị giá 23 triệu đồng và được dự án UpLift (do Vulcan khởi xướng) gây quỹ tài trợ từ các cá nhân và tổ chức hảo tâm trên cả nước. Tại sự kiện, 10 người khuyết tật nam và nữ, tuổi từ 20-52 đã được lắp đặt và trải nghiệm dòng sản phẩm tay robot chức năng do Vulcan phát triển và sản xuất.
Là một trong số những người kém may mắn đã mất đi cánh tay của mình, anh Nguyễn Minh Thái, nhà thiết kế thời trang 26 tuổi tại Hà Nội, bày tỏ vui mừng khi cánh tay mới không chỉ giúp anh lấy lại cân bằng và tự tin về ngoại hình, mà còn giúp anh thực hiện công việc, các sở thích, niềm vui cá nhân một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra, Vulcan tham gia vào dự án thí điểm phá bom mìn của UNDP. Đây là dự án lớn kết hợp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Và Vulcan vinh dự cung cấp cánh tay giả cho những nạn nhân bị mất một phần cơ thể do bom mìn.
Ông Trần Đình Thêu, nạn nhân bom mìn ở tỉnh Quảng Bình, vui mừng khôn xiết vì lấy lại cánh tay đã mất của mình.
Ông Trần Đình Thêu, 51 tuổi - nạn nhân bom mìn ở tỉnh Quảng Bình, vui mừng khôn xiết vì lấy lại cánh tay đã mất của mình. Cánh tay mới là robot, có thể giúp ông rất nhiều trong sinh hoạt, cầm - nắm đồ vật và đặc biệt là thái rau cho đàn heo để kiếm kế sinh nhai.
Đội ngũ Vulcan Augmetics ước tính, quy mô thị trường sản phẩm tay chân giả ở các nước phát triển sẽ đạt khoảng 1,76 tỉ USD vào năm 2025 và tăng lên gấp đôi vào 3 năm sau đó. “Việt Nam có khoảng 68.000 người khuyết tật cánh tay. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt 10% thị phần tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới”, Trịnh Khánh Hạ cho biết.
Hiện startup này được định giá 1,4 triệu USD. Trước đó, Vulcan cũng là quán quân giải thưởng doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award, trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia vào vòng thi quốc tế The Venture với giải thưởng 1 triệu USD.
Trong tương lai, Vulcan sẽ không dừng lại ở tay robot, mà còn nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị thông minh đeo trên người khác liên quan đến hỗ trợ vận động cho cơ thể con người và mở rộng ra các thị trường đang phát triển khác như Indonesia, Ấn Độ...
Vulcan Augmetics là một trong 7 dự án được Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp 2020 (SpeedUp 2020) của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM kí hợp đồng hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, 7 dự án được hỗ trợ gồm:
- CoXplore: Ứng dụng nền tảng kết nối những không gian làm việc kiểu mới sử dụng công nghệ QR code.
- Giải pháp công nghệ thông minh quản lý khu căn hộ cao cấp
- Xây dựng mạng kết nối giao hàng từ mạng giao thông Thành phố
- Hawking - Một kênh giao dịch chuyển tiền quốc tế sử dụng công nghệ 4.0 nhằm mục đích tiết kiệm thời gian, chi phí chuyển tiền quốc tế với chi phí rẻ nhất
- Vulcan Augmetics: Tay robot dành cho người khuyết tật
- Wicare: Nền tảng bảo hiểm thông minh trên điện thoại giúp khách hàng nhận quà khi tập thể dục
- XECA: Xây dựng hệ thống phần mềm quản lí nhà xe và trang thương mại điện tử vé xe khách.
Chương trình cũng đã tổ chức họp Hội đồng xét duyệt 4 dự án gồm:
- REIDIUS MEDIA” Hệ thống truyền thông đa nền tảng chuyên biệt về khởi nghiệp, đầu tư và công nghệ
- Ứng dụng thương mại điện tử nội thành Loship - giao hàng trong vòng 1 giờ
- GUUM: Nền tảng mạng xã hội tích hợp thương mại điện tử;
- GENINUS VIETNAM: Dự án tầm soát nguy cơ ung thư và các căn bệnh mãn tính dựa trên xét nghiệm di truyền hệ gen.
Nghiệm thu thực tế 2 dự án:
- Bột rau má uống liền có ứng dụng công nghệ cao;
- Sản phẩm chế biến từ nấm (sản phẩm khô nấm, chà bông nấm và bột rắc cơm từ nấm) có ứng dụng công nghệ cao.
Lũy kế đến nay, Chương trình SpeedUp đã tuyển chọn hỗ trợ cho 40 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước là 25,3 tỷ đồng, kinh phí đối ứng từ các quỹ đầu tư là 10,3 tỷ đồng.
Phương Thảo