Nguyên cứu một số giải pháp nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích vùng lũ ở hai huyện Thốt Nốt và Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Thanh Sơn; Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ; Cơ quan phối hợp: Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long; Thời gian thực hiện: 2003-2005.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thành
phố Cần Thơ có diện tích đất tự nhiên 138.960, ha trong đó: đất nông nghiệp
chiếm 84,1%, trong đó đất lúa- màu chiếm 68,3%. Tổng thu nhập (GDP) bình quân
đầu người năm 2000 là 340 USD/năm chưa vượt qua ngưỡng nghèo đói 360-370
USD/người /năm. Chủ trương xây dựng mô hình 50.000.000 đ/ha của Đảng và Chính
phủ đã kích thích hình thành nhiều mô hình sáng tạo, tìm lối thoát sản xuất độc
canh lúa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.
Trồng lúa (Đông Xuân) + màu (Xuân Hè) + Tôm càng
xanh Hè Thu là
những hợp phần cơ cấu đã được xác định trên chân đất vùng lũ. Tuy nhiên, để
khai thác hết tiềm năng sinh lợi, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích
đất mà các hợp phần tham gia đóng góp, đồng thời đảm bảo tính bền vững trong
sản xuất thì cần phải có các nghiên cứu, tìm các giải pháp kỹ thuật tối ưu. Đây
là yêu cầu của đề tài: “Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật nhằm
nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích vùng lũ ở hai huyện Thốt Nốt
và Ô Môn tỉnh Cần Thơ ” đã được
triển khai và thực hiện từ 5/2003 đến 5/2005.
II.MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
1. Mục tiêu:
- Xây dựng hệ thống nông
nghiệp bền vững thông qua đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi (lúa, cây màu, tôm
càng xanh) từ đó đa dạng hoá sản phẩm có giá trị hàng hoá, nâng cao thu nhập
trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp (từ 20.000.000 đ/ha/năm lên trên
50.000.000 đ/ha/năm).
- Lúa: đạt năng suất ³ 6
tấn/ha cho vụ Đông Xuân (ĐX). Đậu nành: đạt năng suất ³ 1,8 tấn/ha, Mè năng suất đạt ³ 700 kg/ha cho vụ Xuân Hè
(XH). Tôm càng xanh: đạt năng suất ³ 500 kg vụ Hè Thu (HT) - Thu Đông (TĐ).
2. Nội dung
-
Chọn điểm: mô hình được thực hiện ở hai xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt
và Phước Thới, quận Ô Môn; chọn 02 hộ/
xã với diện tích mỗi hộ 5.000 m2.
-
Triển khai thực hiện mô hình qua hai giai đọan .
-
Phân tích các chỉ tiêu của đất, nước. Phân tích. Đánh giá so sánh các kết quả
thí nghiệm. Phân tích hiệu quả kinh tế thu được.
3.Phương pháp thực hiện
- Các hợp phần và điểm nghiên cứu:
Mô hình được xây dựng theo công thức: Lúa
ĐX - màu XH - Tôm càng xanh HT:
+ Lúa: gieo 20/11 và thu hoạch vào 20/2.
Phương thức gieo trồng: sạ hàng, mật độ sạ 100 kg giống/ha. Phân bón sử dụng
100-60-30 kg NPK/ha.
+ Chọn một trong hai loại cây màu (mè hoặc
đậu nành): gieo trồng không cần làm đất. Thời vụ gieo 20/2 thu hoạch vào 20/5.
Mật độ gieo mè 4,5-5 kg/ha, đậu nành 60 kg/ha. Phân bón sử dụng 50-60-30 kg
NPK/ha.
+ Thuỷ sản: thời vụ thả tôm 20/5 thu hoạch
20/11. Mật độ thả con giống 30.000 con
P25/ha.
- Hàm lượng
đạm trong thức ăn: trong 1-2 tháng đầu cho ăn thức ăn viên 35%
đạm. Từ tháng thứ 3-4 đến khi thu hoạch,
cho ăn thức ăn viên (hàm lượng đạm 25-30%) kết hợp với thức ăn tươi. Hàm lượng
đạm trong thức ăn tươi (ốc bươu vàng) dao động 11,4 -12,7%, bình quân 12,05%.
- Chỉ tiêu theo dõi và đánh giá:
Lúa:
.
Chỉ tiêu sâu bệnh: theo dõi mật độ rầy nâu (giai đoạn lúa non 20-30 ngày sau
gieo sạ); bệnh cháy lá: suốt giai đoạn sinh trưởng của lúa
.
Theo dõi sinh lý cây lúa
.
Chỉ tiêu sinh trưởng: chiều cao, khả năng đẻ nhánh, mức đổ ngã
.
Năng suất: mật độ bông, chiều dài bông, tổng số hạt/bông…
Đối
với cây màu:
.
Chỉ tiêu sâu bệnh: bệnh ghỉ sắt (giai đoạn 20-50 ngày sau khi gieo); sâu đục
trái (giai đoạn chín sinh lý).
.
Năng suất: hình dạng hạt…
Tôm càng xanh: đo đếm độ tăng
trưởng hàng tháng của tôm. Năng suất và tỷ lệ sống của tôm nuôi được tính khi
thu hoạch toàn bộ.
- Các chỉ tiêu phối hợp:
Phân
tích đất:
Mẫu thu thập các thời kỳ đầu, giữa và cuối
vụ của các hợp phần: phân tích lượng đạm tổng số, đạm dễ tiêu theo phương pháp
Kjendhal; phân tích lượng lân tổng số, dễ tiêu (theo Olsen), dùng phương pháp
so màu xanh molipden, xác định lượng đạm trong dung dịch; phân tích lượng kali
tổng số, dễ tiêu bằng quang phổ kế ngọn lửa; phân tích % hữu cơ bằng phương
pháp Wallkley Black và độ pH đất.
Phân tích môi trường nước nuôi tôm vụ nuôi
năm 2003 và 2004: phân tích các yếu tố môi trường: nhiệt độ, pH,
oxy, độ cứng, H2S, NO2, NO3,
theo dõi 2 tuần/lần. Bên cạnh đó, phân tích thành phần đạm trong thức ăn
-
Chỉ tiêu kinh tế: áp dụng công thức tính của Zantra và ctv (1981) và Phạm Chí Thành
(1993).
Thu nhập thuần =
Tổng thu nhập - Tổng chi phí đầu tư.
Hiệu quả đồng vốn =
Tổng thu nhập/Tổng chi phí biến động.
III. KẾT QUẢ
1. Đánh giá tình hình
biến động các chỉ tiêu
- Thành
phần dinh dưỡng đất của 2 giai đoạn
* Mô hình Thốt Nốt: đạm
tổng số giữa các lần lấy mẫu có khác nhau, thời điểm cao 107,52 thời điểm thấp
nhất 73,9 nhưng phần lớn trên 93 ppm. Đặc biệt, đạm dễ tiêu khá ổn định trong
suốt 2 giai đoạn. Lân tổng số cũng có biến động giảm tăng không theo qui luật
nhưng giảm hơn ở cuối giai đoạn sau.
Cũng như vậy với lân dễ tiêu, Ka li tổng số giảm ở giai đoạn 2. Hàm lượng mùn
có sự thay đổi theo hướng cao hơn, pH biến động theo chiều giảm.
* Mô
hình Ô Môn: đạm dễ tiêu khá
ổn định suốt hai giai đoạn. Lân tổng số biến động lên xuống bất thường cả hai
giai đoạn lấy mẫu. Lân dễ tiêu như tăng cao hơn ở giai đoạn sau. Kali tổng số
giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. pH cao hơn các lần lấy mẫu giai đoạn
trước.
- Các yếu tố môi
trường
* Nhiệt độ: nhiệt độ là yếu tố quan
trọng có tác động trực tiếp và gián tiếp đến quá trình hô hấp, chuyển hóa dinh
dưỡng đến cường độ trao đổi chất và quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm.
Biến động nhiệt độ trung bình ở các ruộng nuôi từ 28,0-31,50C (vụ
2003) và 28,5-31,50C (vụ 2004) nằm trong khoảng thích hợp cho sự
phát triển của tôm nuôi.
* pH: biến động pH
trong suốt thời gian nuôi dao động từ 7,0-8,0 (vụ 2003) và 6,7-8,4 (vụ 2004).
- Oxy hòa tan: biến
động hàm lượng oxy hòa tan trong thời gian nuôi dao động 4,0-6,9 mg/l (vụ 2003)
và 4,0-6,7 mg/l (vụ 2004). Hàm lượng oxy ở các ruộng
nuôi thoả mãn nhu cầu hô hấp, trao đổi chất và hoạt động bắt mồi của tôm nuôi.
Ngoài
ra, các yếu tố môi trường khác như H2S, độ cứng, NO2-,
NO3- cũng nằm trong khoảng cho phép đối với sự tăng
trưởng của tôm nuôi cụ thể H2S dao động 0,011-0,090 mg/l, độ cứng
87-120 mg/l, NO2- 0,14-0,99
mg/l và NO3- 8,7-12,5
mg/l.
2. Đánh giá tình hình
sinh trưởng và phát triển hợp phần trồng trọt
* Cây lúa
- Vụ lúa ĐX năm
2003-2004: phát triển tốt, độ đồng đều cao. Năng suất lúa bình quân của 2 điểm
thực hiện mô hình khác nhau không nhiều,
năng suất lúa trung bình tại mô hình Ô
Môn 6,15 tấn/ha và Thốt Nốt 6,08 tấn/ha.
Tình hình sâu bệnh cho thấy hầu hết các
loại sâu bệnh hại lúa đều xuất hiện. Trong đó, bệnh đạo ôn xuất hiện sớm trên
giống lúa OMCS 2000 khá nặng từ cấp 7-9, sâu cuốn lá cũng xuất hiện nhiều vào
giai đoạn 40 ngày sau sa, số lượng rầy nâu trên giống lúa OMCS 2000 trong suốt
quá trình sinh trưởng cao từ 3 -31 con/m2. Các bệnh hại khô vằn,
ngẹt rễ chỉ bị nhiễm ở mức độ nhẹ.
- Vụ lúa ĐX năm 2004-2005: mặc dù OMCS 2000 có nhiễm sâu bệnh
nhiều hơn hơn nhưng năng suất vẫn cao hơn OM2517. Như vậy, giai đoạn 2 lúa ĐX
không biến động nhiều, năng suất cao đạt từ 6,25-6,50 T/ha.
Theo dõi sâu bệnh các thời
kỳ thấy, OMCS2000 vẫn nhiễm bệnh đạo ôn lá và đạo ôn bông, đây là đặc tính của
giống cũng bộc lộ như chu kỳ 1, bệnh rầy nâu cũng tương tự. Như vậy, yếu tố sâu
bệnh phát sinh có phụ thuộc đặc tính giống.
* Cây màu:
- Vụ XH 2004: giống
đậu nành VC19 đưa vào sản xuất tại Thốt Nốt. Nhìn chung, đậu nành VC19 sinh
trưởng phát triển tốt, cây ra nhiều nhánh, bộ lá xanh tốt, mật độ cây tương đối
đồng đều, hoa nhiều và tỷ lệ đậu trái khá cao, năng suất trung bình đạt 2,67 tấn/ha. Tuy nhiên, sâu
xanh và sâu đục trái phát triển hơi nhiều.
Mè đen đưa vào sản xuất
tại Ô Môn: sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, sâu bệnh không đáng kể
như thời gian đầu ruồi đục lá cấp 2, thời gian cuối có rầy xanh 3 con/cây, nên
năng suất trung bình đạt được 1,22 tấn/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình.
- Vụ XH 2005: cây
mè đen năng suất ở Thốt Nốt đạt 700 kg/ha, Ô
Môn 920 kg/ha.
Riêng sâu bệnh hại, tập
trung các loại ruồi đục lá, rầy xanh và rệp sáp, bọ xít giai đoạn cuối nhưng
mức độ nhẹ, kể cả ngoài mô hình.
Với diễn biến sâu bệnh hại
trên mè cho thấy việc bố trí mùa vụ của mô hình không ảnh hưởng đến tình hình
dịch bệnh của cây màu. Với điều kiện chăm sóc tốt, phòng trừ sâu bệnh phát sinh
do qui luật tự nhiên gây nên thì cây màu
trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, vẫn có thể đầu tư thâm canh
tăng năng suất.
3. Đánh giá tình hình
sinh trưởng và phát triển hợp phần thuỷ sản
* Tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm nuôi :
- Vụ
HT 2003: tôm ở các
ruộng nuôi tăng trưởng khá tốt, trong đó tôm ở ruộng của hộ 3 và 4 tăng trưởng
tốt nhất do đã duy trì mức nước trong ruộng cao trên 0,8 m. Tôm nuôi trong
ruộng của hộ 1 và 2 tăng trưởng chậm hơn ruộng của hộ 3 và 4 do không giữ được
mức nước trên ruộng tối thiểu 0,6 m (0,4-0,5m).
-Vụ 2004: tôm tăng
trưởng tốt nhất ở ruộng của hộ 4 do công trình nuôi tốt hơn do đó luôn duy trì
mức trong ruộng cao trong suốt thời gian nuôi trên 0,8 m. Trong khi ruộng của
hộ 1 và 2, mức nước trong ruộng chỉ từ 0,5-0,6 m.
- Tỷ lệ sống của tôm nuôi
trong vụ 2003 dao động từ 29,6-35,4%. Trong khi đó, tỷ lệ sống của tôm nuôi vụ
2004 dao động 35,2-41,1%. Do các hộ đã rút kinh nghiệm từ vụ trước, họ đã quản
lý chăm sóc tôm nuôi tốt hơn.
Năng suất tôm nuôi:
năng suất bình quân ở vụ 2003 là 546 kg/ha, năng suất cao nhất ở ruộng của hộ 4
với 600 kg/ha, thấp nhất ở ruộng hộ 1 là 500 kg/ha. Năng suất tôm nuôi ở vụ
2004 tăng hơn vụ 2003, bình quân đạt 592 kg/ha. Năng suất tôm bình quân 2 vụ ở
các ruộng nuôi là 569 kg/ha, kết quả đạt được tăng so với dự kiến (500 kg/ha).
4. Hiệu quả kinh tế của mô hình:
- Lúa ĐX: chi phí đầu tư
bình quân từ 4,0 - 4,4 triệu đồng /ha, tổng thu bình quân mỗi vụ đạt từ 12,5
triệu đến 15 triệu đ/ha.
- Cây màu: chi phí đầu tư
bình quân cho sản xuất cây màu từ 3,8 - 3,98 triệu đồng/ha, tổng thu đạt 8,7 triệu - 11,9 triệu đ/ha.
-
Nuôi tôm: chi phí đầu tư nuôi tôm bình quân là 24 - 25,6 triệu đồng. Lợi nhuận từ nuôi tôm từ 16,4 - 15,7 triệu đồng/ha.
Thu nhập từ nuôi tôm đạt bình quân 40,4 triệu đồng/ha - 41,3 triệu đồng /ha.
Như vậy, mục tiêu cánh đồng 50
triệu/ha có
thể đạt được từ mô hình sản xuất lúa ĐX - màu XH - tôm càng xanh thông qua việc
ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng đã mang lại hiệu quả cao hơn
so với các mô hình hiện có, thu hút nhiều người dân tham gia góp phần thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và thành phố.
VI . KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
1. Kết luận:
- Bố trí thời vụ Lúa - Cây màu (đậu nành, mè) - Tôm càng xanh là hợp lý, nếu
thực hiện đúng qui trình sẽ có khoảng thời gian đất trống để tu bổ, vệ sinh
đồng ruộng và sửa chữa bờ bao...
- Các hợp phần trong cơ cấu: chọn các
giống lúa có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm sớm trên dưới 90 ngày, giống đậu
nành năng suất cao, thích nghi như các giống đậu địa phương hoặc giống mè đen
cùng với tôm càng xanh. Các hợp phần bố trí không có tác động ảnh hưởng lẫn nhau
và không ảnh hưởng đến môi trường như lý hoá của đất và nước.
- Hiệu quả kinh tế khá cao. Tổng thu
nhập từ 60.000.000 đ đến 66.000.000 đ/ha/năm. Lãi thuần có thể thu được từ mô
hình 28.000.000 đ đến 32.000.000 đ/ha/năm. Hiệu quả đồng vốn khá cao từ 1,86
đến 2,06.
- Để thực hiện công thức trên, đòi
hỏi người nông dân phải tự nâng cao kỹ thuật, tính toán đầu tư, có kế hoạch
khai thác lao động tại chỗ, linh hoạt với thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho
hiệu quả nhất. Đây là những yếu tố quan trọng giúp cho người nông dân phải vận
động, phải có suy nghĩ mới trong sản xuất và làm giàu.
2. Đề nghị:
- Cho mở rộng mô hình trong phạm vi
vùng lũ.
- Tăng cường công tác khuyến nông,
khuyến ngư chỉ đạo kỹ thuật giúp hộ nông dân khắc phục những vướng mắc phát sinh
trong quá trình thực hiện các hợp phần.
- Do mô hình cần nguồn vốn lớn, vậy
nên có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho nông dân.
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ