Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Cần Thơ, thực trạng và giải pháp
Chủ nhiệm đề tài: Cn. Phạm Văn Hiểu; Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp Cần Thơ; Thời gian thực hiện: 2001 – 2002.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Công
tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn giữ vai trò quan trọng trong
đời sống xã hội. Nó là phương tiện, là chiếc cầu nối giữa chủ trương, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nhân dân, giúp mọi người thông hiểu
và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Trong công cuộc đổi mới hiện nay
của đất nước, công tác này càng có vai trò quan trọng về nhiều mặt.
Nhận
thức được tầm quan trọng của vấn đề, trong những năm qua, các ngành, các cấp
trong hệ thống chính trị của chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đã thu được nhiều kết quả tốt,
đáp ứng được một phần yêu cầu của việc tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý xã
hội bằng pháp luật.
Tuy
nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua hiệu quả của công tác
này còn chưa cao, chưa đặt ngang tầm với yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, chưa được tiến
hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ, rộng khắp, chưa có trọng tâm và trọng
điểm.
Vì
thế, việc tìm hiểu thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật trong thời gian qua, để từ đó đề ra những giải pháp cho công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian tới là một đòi hỏi hết sức bức
xúc của tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay.
II. MỤC TIÊU, PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Mục tiêu:
Đề
tài nghiên cứu nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật thời gian qua và tìm ra những khuyết điểm, hạn chế cần khắc
phục, những ưu điểm tích cực cần phát huy. Đồng thời kiến nghị những giải pháp
cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
thời gian tới.
2. Phạm vi và phương pháp nghiên cứu:
a) Phạm vi :
Đề tài nghiên cứu về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật – thực trạng và đã qua trong phạm vi tỉnh Cần Thơ và lấy mốc thời
gian ngày 07/01/1998 (thời điểm ra đời của Chỉ thị 02/1998/TTg của Thủ tướng
Chính phủ).
b) Phương pháp nghiên cứu:
- Dùng phương pháp thống kê, phỏng vấn sâu, trực
tiếp quan sát, nghiên cứu tài liệu, tổ chức hội thảo.
- Phạm vi và đối tượng điều tra: tổng số phiếu
điều tra là 3.450 phiếu gồm: nhân dân (thành thị và nông thôn)(1.400 phiếu);
trường học (1.350 phiếu); công nhân (300 phiếu); Hội Nông dân (50 phiếu); Hội Cựu chiến binh
(100 phiếu); Hội phụ nữ (50 phiếu) và Đoàn Thanh niên (200 phiếu).
III.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1.Thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật ở tỉnh Cần Thơ thời gian qua:
a) Về phía Nhà nước:
Thực hiện
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Cần Thơ đã ban hành quyết định thành
lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chỉ thị tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nhiều văn bản pháp quy
khác có liên quan. Đây là cơ sở pháp lý có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết
tâm của Cần Thơ trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật (TTPBGDPL) để góp phần thực hiện quản lý đất nước, quản lý xã hội
bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, phục vụ sự
nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Trước năm 1998: từ 1996 đến 1997, hàng năm số
lượt và số cuộc TTPBGDPL rất thấp:
+ 1996: Tổng số cuộc: 9.903 cuộc với 1.136.505
lượt người nghe.
+ 1997: Tổng số cuộc : 10.189 cuộc với 1.283.578 lượt người
nghe.
Với hình thức phổ biến khô khan, không có sự
phối hợp thu hút, chủ yếu áp dụng phương pháp cổ điển như họp nội bộ và nhân
dân để tuyên truyền miệng trực tiếp. Nội dung TTPBGDPL là các văn bản pháp luật
mới ban hành của Trung ương, chủ yếu là văn bản Luật khoảng 10 đến 15 văn bản.
- Từ năm 1998 đến 2002: trong 5 năm đã tổ chức
được:
+ Tuyên truyền miệng trực tiếp: 233.075 cuộc,
11.355.699 lượt người nghe.
+ Tuyên truyền trên báo Cần Thơ: 6.981.996 tờ. Trong đó, số
ra hàng ngày đều có chuyên trang dành cho công tác TTPBGDPL.
+ Tuyên truyền trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh: thực
hiện hơn 4.000 phút trên kênh truyền hình, 59.000 phút trên sóng FM, 36.000
phút trên sóng AM các chuyên đề pháp luật. Ngoài ra còn có khoảng 6.000 tin.
120 bài về lĩnh vực này được thông tin kịp thời trong các chương trình thời sự.
Đối với các đài truyền thanh ở các huyện, thị,
thành: thực hiện TTPBGDPL trên 650.000 phút.
+ Sinh hoạt câu lạc bộ Pháp luật: các CLB Pháp luật trên địa
bàn tỉnh đã tổ chức sinh hoạt hơn 9.250 cuộc với hơn 462.500 lượt người dự.
+ Tuyên truyền thông qua hoạt động hòa giải: có hơn 45.000
vụ với khoảng 135.000 lượt người dự.
+ Tuyên truyền bằng băng cassett: trên 3.000
cuộn.
+ Tủ sách pháp luật: toàn tỉnh hiện có 114/118 xã, phường,
thị trấn đã xây dựng được Tủ sách pháp luật với khoảng 100.000 quyển. Ngoài ra,
còn xây dựng được kệ sách phát luật ở 116 ấp điểm, trang bị 18 đầu sách với
2.850 quyển.
+ Tài liệu bướm: 526.750 tờ với trên 50 chủ đề
pháp luật khác nhau.
- Hình thức và biện pháp tuyên truyền: kết hợp
phương pháp cổ điển lồng ghép với các hình thức sinh hoạt văn nghệ, văn hóa và
các loại hình câu lạc bộ, hội, đoàn của các ngành, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội
Nông dân...
- Nội dung tuyên truyền tập trung triển khai
theo kế hoạch là chủ yếu, kết hợp tình hình nhiệm vụ chính trị của địa phương,
đơn vị. Hàng trăm văn bản pháp luật Trung ương và địa phương được phổ biến, từ
Hiến pháp, các bộ luật, luật, pháp lệnh, các nghị định, nghị quyết, thông tư,
chỉ thị, quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt những văn bản
có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, nhân dân. Các qui định pháp
luật được triển khai lặp đi, lặp lại nhiều lần ở nhiều địa phương khác nhau.
b) Về phía nhân dân:
Khi được hỏi về nhu cầu tìm hiểu pháp luật thì
có 2.071/3.651 (56,69%) có ý kiến cho rằng cần thiết, 1.336/3.651 (36,59%) rất
cần thiết, 81/3.651 (2,21%) không cần thiết, 163/3.651 (4,46%) cho rằng biết hay
không biết cũng được. Điều này cho thấy, nhu cầu của người dân về pháp luật
ngày càng cao, tùy theo nghề nghiệp, trình độ, mức sống, độ tuổi... mà có nhu
cầu khác nhau. Nhưng ý kiến cho rằng “rất cần thiết” vẫn còn thấp hơn so với
“cần thiết”, điều này cần phải lưu ý cho các nhà hoạch định chính sách.
Phản hồi từ phía nhân dân cho thấy, chính quyền
địa phương có TTPBGDPL mới: ý kiến có 1.411/3.651 (38,64%), có mà chậm
1.628/3.651 (44,59%). Phổ biến lại pháp luật đã ban hành, ý kiến có 1.125/3.651
(30,81%), có mà chậm 1.769/3.651 (48,45%).
Điều
này cho thấy tính tích cực, chủ động TTPBGDPL của chính quyền các cấp còn nhiều
hạn chế, cần phải có kế hoạch khắc phục.
2. Thực trạng chung về công tác TTPBGDPL:
- Ở Thành
thị:
Với trình độ học vấn và nhận thức của người dân
thành thị luôn được đánh giá cao hơn ở nông thôn. Hằng ngày, họ được tiếp cận
kịp thời, thường xuyên thông tin báo, đài và luôn tiếp thu các luồng tư tưởng,
văn hóa mới. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao cả về
vật chất lẫn tinh thần. Với điều kiện thuận lợi, thu nhập cao, phương tiện giao
thông đi lại dễ dàng, tình độ dân trí ngày càng được nâng lên, có điều kiện
tiếp thu các thông tin khoa học - kỹ thuật hiện đại...Vì vậy, có thể nói cuộc
sống của người dân thành thị văn minh hơn, trình độ am hiểu pháp luật cao hơn.
- Ở nông thôn:
Đại bộ phận dân cư Cần Thơ sống ở nông thôn, vì
thế công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này tốt
sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Xác định tầm quan trọng đối với công tác TTPBGDPL
đối với đối tượng này, thời gian qua tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các
huyện, xã thành lập các Hội đồng TTPBGDPL. Đến nay, tất cả các huyện, thị,
thành và các xã, phường, thị trấn đều có Hội đồng công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật.
Ngoài các hình thức TTPBGDPL như thành thị, công
tác TTPBGDPL ở nông thôn chủ yếu là làm thế nào đưa pháp luật đến được gần với
người dân một cách có chọn lọc, cung cấp cho họ những thông tin, kiến thức pháp
luật gần gũi với cuộc sống sinh hoạt thường ngày, giúp cho người dân hiểu và
từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay đối với nông thôn đã và đang
gặp phải một số khó khăn như sau:
- Thu nhập của người dân còn thấp, phương tiện
nghe nhìn còn thiếu, phương tiện đi lại khó khăn nhất là mùa nước lụt.. đã ảnh
hưởng không nhỏ đến công tác TTPBGDPL.
- Đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp
luật còn mỏng, kiến thức pháp luật còn hạn chế nhất là cơ sở, chưa có nhiều
kinh nghiệm trong công tác TTPBGDPL nên chưa phát huy hết hiệu quả của văn bản
trong quá trình triển khai.
- Về tủ sách pháp luật: một số địa phương còn
chưa quan tâm đúng mức, việc đầu tư kinh phí cho tủ sách chưa đảm bảo. Việc
quản lý và khai thác sử dụng sách pháp luật còn nhiều hạn chế. Đa số tủ sách
pháp luật đều được đặt trong trụ sở UBND xã, phường thị trấn. Vì vậy còn nhiều người dân chưa biết tủ sách pháp
luật đó phục vụ cho họ, nếu biết khi có nhu cầu tìm hiểu pháp luật thì tâm lý họ
rất ngại khi đến đó để mượn sách để đọc. Hoặc khi họ đến mượn thì đôi khi cán
bộ quản lý tủ sách bận nhiều việc phải đợi, khó khăn khi cho mượn. Từ đó tạo
tâm lý không thoải mái cho người mượn và vì thế người dân muốn tìm hiểu pháp
luật thông qua tủ sách pháp luật ngày càng thưa dần.
3. Những giải pháp cơ bản tăng cường công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật ở tỉnh Cần Thơ trong giai đoạn hiện
nay:
Để công tác TTPBGDPL thực sự trở thành chiếc cầu
nối giữa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước với nhân
dân, ngày càng phát huy hiệu quả trong việc truyền đạt những tinh thần nội dung
của pháp luật, dần dần nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử của mọi người, cũng
như phục vụ tốt cách mạng trong thời kỳ đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” cần thực hiện tốt một số giải pháp
sau:
a) Nhóm giải pháp vĩ mô:
- Công tác TTPBGDPL phải kết hợp chặt chẽ với
công tác tư tưởng của Đảng, gắn với phong trào cách mạng của quần chúng, “lời
nói đi đôi với việc làm”.
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đối với
phương thức lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác TTPBGDPL.
- Đổi mới nhận thức về công tác TTPBGDPL.
- Cần có một kế hoạch dài hạn, một chiến lược
quốc gia về công tác TTPBGDPL.
b) Nhóm giải pháp vi mô:
- Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng
phối hợp công tác TTPBGDPL các cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Phải xem hội đồng
phối hợp công tác TTPBGDPL như là một bộ máy tuyên truyền TTPBGDPL chủ yếu của
Nhà nước ta hiện nay.
- Các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các cơ quan Nhà
nước, người đứng đầu các đoàn thể, địa phương có trách nhiệm kịp thời chỉ đạo
và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác TTPBGDPL trong phạm vi cơ
quan, tổ chức, địa phương mình.
- Mỗi cán bộ công chức phải xác định rõ việc học
tập, nghiên cứu để hiểu biết pháp luật thi hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách
nhiệm của mình. Là những người gương mẫu trong việc giữ gìn kỷ cương phép nước
và góp phần TTPBGDPL trong nhân dân.
- Lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp
TTPBGDPL cho phù hợp với nhu cầu từng loại đối tượng, từng điều kiện, hoàn cảnh
cụ thể để từ đó phát huy hiệu quả tối đa công tác TTPBGDPL.
- Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa TTPBGDPL với
thi hành pháp luật.
- Xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng của của
lực lượng làm công tác TTPBGDPL chuyên trách. Kiện toàn và nâng cao năng lực
cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện và lực lượng tuyên truyền
viên pháp luật cấp tỉnh, huyện và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cấp xã,
phường, thị trấn.
- Tăng cường các mối quan hệ phối hợp giữa ngành
Tư pháp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác TTPBGDPL.
- Đổi mới việc chi tiêu ngân sách cho công tác
TTPBGDPL, chính quyền các cấp cần dành một khoản kinh phí thích đáng cho việc
triển khai văn bản pháp luật, TTPBGDPL.
- Đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng giáo
dục pháp luật trong các trường học.
- Tăng cường và có biện pháp đồng bộ giáo dục
pháp luật từng gia đình.
- Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng TTPBGDPL
trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Cần mở rộng và nâng cao chất lượng của công
tác tư vấn pháp luật.
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của các CLB
pháp luật.
- Xây dựng, quản lý và khai thác tốt tủ sách
pháp luật.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác TTPBGDPL
thông qua hình thức trợ giúp pháp lý.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật thông qua các cuộc tìm hiểu pháp luật.
- Sở Tư pháp phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin
tăng cường đặt các cụm pa-nô, khẩu hiệu về sống và làm việc theo hiến và pháp
luật, về quyền và nghĩa vụ của công dân ... tại các chợ, cụm dân cư, giao lộ, đường
giao thông....
VI. KẾT LUẬN
1. Kết luận:
Trong những năm qua, công tác TTPBGDPL ở Cần Thơ
chưa đạt được kết quả như mong muốn, chưa thật sự ngang tầm với nhiệm vụ mới
đang đặt ra, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Còn thiếu kế hoạch
tổng thể nhằm định hướng chung, thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ, đồng
bộ giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các cấp, các ngành để huy động sức mạnh của
cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội. Chưa thật sự đổi mới và
đa dạng hóa các hình thức, phương pháp, chưa phong phú và chưa phổ cập các nội
dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì những hạn chế đó, nhu cầu
thông tin về pháp luật của nhân dân trong thời gian qua chưa được đáp ứng đầy
đủ. Vì vậy, đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật là một yêu cầu hết
sức cấp thiết hiện nay.
2. Kiến nghị:
Xuất phát từ yêu cầu trên và đối chiếu từ tình
hình thực tế của địa phương, nhóm nghiên cứu đề xuất lãnh đạo quan tâm xem xét
và có những chỉ đạo xác đáng nhằm đưa công tác pháp luật nói chung, công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng ở Cần Thơ ngày càng phát
triển, vừa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, vừa phục vụ đắc lực
cho công cuộc đổi mới, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân của chúng ta.
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ