Sưu tầm, nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của cố soạn giả mộc quán- Nguyễn Trọng Quyền
Chủ nhiệm: Ông Nguyễn Hữu Lợi, Ông Phan Hùng Tân và ctv; Cơ quan chủ trì: Liên đoàn Lao động tỉnh Cần Thơ; Thời gian nghiên cứu: năm 2000.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền
là một trong những người mở đường cho sân khấu cải lương - một loại hình nghệ
thuật đặc thù của Nam bộ.
Mộc quán đã có nhiều cống hiến cho sân khấu
cải lương và thi ca trong những năm đầu thế kỷ XX, nhưng chưa có công trình nào
nghiên cứu về ông. Mặt khác, những tư liệu, những người cùng thời am hiểu về
ông còn rất ít. Do vậy, Sở VH-TT tỉnh Cần Thơ
(cũ) đã chủ trì đề tài” Sưu tầm, nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của
cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền” nhằm khẳng định vai trò, vị trí
của ông trong lịch sử hình thành và phát triển sân khấu cải lương và làm tài
liệu tham khảo, nghiên cứu, phục vụ giảng dạy...
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU:
1. Mục tiêu:
Sưu tầm, nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp
sáng tác của cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền. Qua đó, khẳng định
những đóng góp của ông cho nghệ thuật sân khấu cải lương Cần Thơ và Nam bộ
những năm đầu thế kỷ XX.
2. Nội dung nghiên cứu:
- Một vài nét về quê hương, tiểu sử của
soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền.
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Mộc
Quán - Nguyễn Trọng Quyền.
-
Vai trò, vị trí của Mộc Quán đối với quá trình hình thành và phát triển nghệ
thuật sân khấu cải lương.
3. Phương pháp nghiên cứu:
- Sưu tầm tư liệu, hiện vật về soạn giả Mộc
Quán - Nguyễn Trọng Quyền .
-
Tổ chức hội thảo, phỏng vấn những người thân, những người cùng thời, am hiểu về
Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền.
- Xử lý những thông tin thu thập được về
Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền.
III. KẾT QUẢ:
1. Một vài nét về quê hương và tiểu sử
soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền
Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xem như “bình
định” xong Nam bộ và Đông Dương. Chúng chuyển sang thời kỳ khai thác thuộc địa
lập ra nhà máy, đồn điền, xây trường học... Các hoạt động báo chí, in ấn, xuất
bản cũng được khuyến khích với mục đích “khuếch trương văn minh phương Tây”.
Những tầng lớp mới như công nhân, tiểu tư
sản, trí thức cũng ra đời, theo đó tầng lớp này cũng có những quan điểm, nguyện
vọng, yêu cầu mới...
Nho học, văn hóa phong kiến suy tàn, lạc
hậu. Trong thời kỳ này, báo chí có nhiều bài viết kêu gọi cải cách nghệ thuật
sân khấu hát bội - loại hình sân khấu truyền thống và phổ biến lúc bấy giờ. Từ đó,
phong trào đờn ca tài tử xuất hiện ở hầu hết các tỉnh Nam bộ - đặc biệt là ở
Cần Thơ.
Trong bối cảnh đó, Thốt Nốt - quê hương của
Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền vốn là một quận thuộc tỉnh Long Xuyên cũ - nay là
một huyện thuộc Cần Thơ - đã sớm phát triển về nhiều mặt: kinh tế sung túc,
buôn bán phát triển, dân cư tập trung đông đúc; truyền thống văn hóa - văn nghệ
phong phú. Thốt Nốt có vị trí thuận lợi là một trong những đầu mối nằm trên
trục giao thông đường thủy lẫn đường bộ của nhiều tỉnh Nam bộ kể cả sang
Nông-Pênh (Campuchia). Giao lưu kinh tế
gắn liền với giao lưu văn hóa. Người dân Thốt Nốt vừa tiếp thu văn hóa truyền
thống vừa có điều kiện giao lưu văn hóa với các tỉnh khu vực xung quanh. Điều
đó lý giải vì sao sinh hoạt văn nghệ, hát xướng đã thấm sâu, đã trở thành “máu mê” của nhiều người dân Thốt Nốt và
nhiều người đã bỏ tiền ra lập gánh hát, xây rạp hát... Đó là điều kiện, là mảnh
đất “màu mỡ” để sinh ra một tài năng nghệ thuật lớn: soạn giả Mộc Quán - Nguyễn
Trọng Quyền.
Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền sinh năm 1876
tại Thốt Nốt trong một gia đình nho học, có 3 anh chị em. Thuở nhỏ Mộc Quán học
chữ nho, sau học chữ quốc ngữ và chữ Pháp (học hết lớp nhì một năm). Mộc Quán
tư chất thông minh, học giỏi...
Mộc Quán lập gia đình với bà Trịnh Thị Đây
sinh được 5 người con (2 gái, 3 trai). Sau khi bà Đây mất, ông cưới người vợ
thứ hai là bà Lê Thị Tiên và sinh thêm được 2 người con gái. Các con trai của
ông sau trở thành nhà báo, soạn giả có tiếng...
Thuở nhỏ, Mộc Quán thường theo cha đi đó,
đi đây nên có điều kiện học hỏi, mở rộng kiến thức. Khi lớn lên vào đời, Mộc
Quán làm nhiều nghề như thầy đồ, cai điền, hương quản, thơ ký công xi rượu và
cuối cùng làm thầy tuồng cho đến cuối đời (1953).
2. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của
Mộc Quán:
Cuộc đời Mộc Quán trải qua nhiều ngành nghề
trong quá trình đó giao lưu quen biết với nhiều bạn bè - thuộc nhiều giới nhất
là sĩ phu lúc bấy giờ; cũng như hoàn cảnh lịch sử, xã hội của những năm đầu thế
kỷ XX đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Điều này thể
hiện rõ ở những chủ đề tư tưởng trong các sáng tác của Mộc Quán qua thơ ca và
các tác phẩm sân khấu...
Tuy mới học hết lớp nhì một năm chương
trình tiểu học Pháp - Việt, nhưng nhờ vốn nho học, hiểu biết rộng cộng với tài
năng bẩm sinh, Mộc Quán đã để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ: 100 tác phẩm thơ
ca và 90 tác phẩm sân khấu (chắc hẳn chưa đủ).
- Về thơ ca:
Trong 100
tác phẩm có: 23 thơ dài (thơ tuồng, thơ truyện, hò đối đáp, gia huấn ca...) và
77 bài thơ lẻ. Ngoài ra còn có 01 tập văn xuôi “Phu thê ngôn luận” và 02 truyện
dịch.
Cũng như nhiều nho sỹ cùng thời lớn lên
trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, Mộc Quán đã dùng thơ ca để
nói lên tâm tư tình cảm của mình; thể hiện quan điểm của một nhà nho: “tu thân,
tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Trong đó, yếu tố “tu thân, tề gia” nổi rõ hơn
hết vì một điều dễ hiểu là lúc đó nhiều phong trào yêu nước bị thất bại, con
đường cứu nước gần như bế tắc. Tuy nhiên, trong thơ Mộc Quán vẫn thể hiện nhiều
điều tiến bộ, vẫn thể hiện lòng yêu nước thương đồng bào... Thơ ông mang đậm
phong cách, lời ăn, tiếng nói dân gian Nam bộ. Đó là những điểm sáng trong thơ
Mộc Quán.
- Về tác phẩm sân khấu:
Trong 90
tuồng cải lương (kết quả sưu tầm) hiện còn lại 05 tuồng gốc có bút tích và chữ
ký của Mộc Quán (Tam Hạ Nam Đường (1927), Tiết phụ hàm oan (1933), Hoa Mộc Lan
tùng quân (1935), Phùng Anh Tuấn (1938) và Tam Quốc). Các tác phẩm do các gánh
cải lương lưu giữ hiện nay đã bị thất lạc...
Giá trị tư tưởng của các tác phẩm sân khấu
của Mộc Quán là: “Nhân nghĩa, tiến bộ và lòng ái quốc vì nước quên mình”, và
khẳng định một nguyên tắc: “Nhân nghĩa thắng hung tàn”, “Cái đẹp sẽ lấn lướt
cái xấu xa”, “Số phận của người tốt dù gian khổ đến mấy cũng sẽ đi đến kết cuộc
tươi sáng”.
Những giá trị đó cho thấy tầm vóc của Mộc
Quán - một nhà soạn tuồng lớn, một trong những “bậc thầy” đã khai phá mở đường
và dày công vun đắp cho nền nghệ thuật sân khấu cải lương nước nhà.
3. Vai trò
và vị trí của Mộc Quán đối với quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật
sân khấu cải lương.
Chúng ta biết, sự nghiệp sáng tác của Mộc
Quán rất đồ sộ với nhiều thể loại nhưng nổi bậc
hơn cả là soạn tuồng cải lương. Nội dung đa dạng, sáng tác của ông tập
trung ở hai dòng chính: tuồng cổ và tuồng xã hội, trong đó tuồng cổ chiếm đa
số.
Những sáng tác “nổi tiếng” như “Phụng Nghi
Đình”, “Giọt máu chung tình”, “Hoa Mộc Lam tùng quân”... đã trở thành “tác phẩm kinh điển” của nghệ
thuật cải lương đã làm nên “tên tuổi” Mộc Quán.
Ngoài việc tham gia sáng tác lập gánh hát
“Tập Ích Ban” năm 1916 là gánh hát sớm nhất ở Cần Thơ, Mộc Quán là người đầu
tiên đưa bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu vào vở cải lương “Tối
độc phu nhơn tâm” năm 1923... Từ những
công lao đóng góp đó đã khẳng định vai trò, vị trí của Mộc Quán trong lịch sử
hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương của nước ta.
IV. KẾT LUẬN:
Qua nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp sáng
tác của Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền có thể rút ra các kết luận sau:
- Gia đình, quê hương, hoàn cảnh lịch sử,
xã hội của những năm đầu thế kỷ XX đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp
sáng tác của Mộc Quán.
- Mộc Quán đã có những cống hiến lớn cho
sân khấu cải lương là soạn giả “bậc thầy” trong làng cải lương. Qua đó đã khẳng
định vai trò vị trí của Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền trong lịch sử hình thành
và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương nước ta.
- Mộc Quán còn là tác giả của hàng trăm tác
phẩm thơ văn có giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật.
- Kết quả của đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu
cuộc đời và sự nghiệp của cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền” đã góp
phần làm sáng tỏ thêm lịch sử hình thành và phát triển sân khấu cải lương Nam
bộ. Đồng thời là tài liệu khoa học để tham khảo, nghiên cứu và giảng dạy trong
các trường văn hóa - nghệ thuật...
Cũng từ kết quả của đề tài, hàng năm Cần
Thơ đều tổ chức thi “Giải Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền” dành cho những tài
năng cải lương trẻ...
Tuy nhiên, kết quả của đề tài cũng chưa làm sáng tỏ
hết được những vấn đề như gánh hát Tập Ích Ban có phải là gánh hát cải lương
sớm nhất ở Nam bộ không? Về gia thế và cụ thân sinh của Mộc Quán trong văn học
những năm đầu thế kỷ XX... Do vậy, cần có những công trình khoa học nghiên cứu
tiếp về Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền.
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ