SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả và giải pháp thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cần Thơ giai đoạn 1998-2003.

[24/12/2011 23:43]

Chủ nhiệm đế tài: CN Phạm Thanh Vận; Cơ quan chủ trì: Tỉnh ủy tỉnh Cần Thơ; Thời gian thực hiện: 2003 – 2004.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong 5 năm từ 1998 đến 2003, việc thực hiện các Qui chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã tạo ra một bước chuyển biến trong phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, phương thức điều hành và lề lối làm việc của các cấp chính quyền theo hướng gần dân và tôn trọng dân, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở các địa phương. Tuy vậy, việc chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở xã, phường chưa được nhân rộng, ở khu vực cơ quan, doanh nghiệp (DN) Nhà nước mới triển khai bước đầu. Nhìn chung, nhận thức của không ít cán bộ Đảng viên về phát huy dân chủ ở cơ sở chưa sâu sắc, tổ chức thực hiện chưa tích cực, chưa thành nền nếp, hiện tượng dân chủ hình thức còn nhiều. Tình hình trên phổ biến ở hầu hết các địa phương trong nước. Tỉnh Cần Thơ cũng trong bối cảnh tương tự.

Nhằm góp phần khảo sát, phân tích kết quả 5 năm (1998-2003) thực hiện QCDC ở cơ sở; đánh giá những thành tựu, những hạn chế, yếu kém và đề xuất phương hướng, giải pháp để đưa việc thực hiện QCDC thành nền nếp, đề tài khoa học “Kết quả và giải pháp thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cần Thơ, giai đoạn 1998-2003”  được thực hiện.

II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Mục tiêu

Qua khảo sát, điều tra xã hội học về quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở các loại hình cơ sở (xã, phường, thị trấn, cơ quan, DN Nhà nước) đề tài phân tích đánh giá những kết quả bước đầu, những thuận lợi, khó khăn, những bài học kinh nghiệm và chỉ ra phương hướng, giải pháp nhằm làm cho việc thực hiện QCDC ở cơ sở trở thành nề nếp thường xuyên ở tỉnh Cần Thơ.

2. Nội dung 

Nội dung của đề tài được phản ánh trong 5 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Quá trình triển khai và thực hiện QCDC ở Cần Thơ. Thuận lợi và những khó khăn.

Chuyên đề 2: Kết quả bước đầu của việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết.

Chuyên đề 3: Kết quả bước đầu của việc thực hiện QCDC ở các cơ quan. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết .

Chuyên đề 4: Kết quả bước đầu của việc thực hiện QCDC ở DN Nhà nước. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết..

Chuyên đề 5: Quan điểm phương hướng chung cần thực hiện để hình thành nề nếp trong thực hiện QCDC.

3.  Phương pháp

Đề tài dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng ta về dân chủ và dân chủ ở cơ sở. Trong nghiên cứu, đề tài sử dụng phương pháp điều tra xã hội học bằng phiếu hỏi, phân tích, tổng hợp, gắn lý luận với thực tiễn.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: do địa bàn tỉnh rộng, đề tài chỉ điều tra xác suất một số loại hình cơ sở (xã, phường, thị trấn, một số cơ quan ở tỉnh, huyện và một số DN Nhà nước) giai đoạn 1998 - 2003.

Thời gian nghiên cứu:  2003 - 2004 (từ khi có Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị đến hết năm 2003).

III. KẾT QUẢ

Cuộc điều tra đã được thực hiện với tổng số phiếu phát ra và thu về là 11.127 phiếu. Đối tượng bao gồm các loại hình cơ sở như xã, phường, thị trấn đơn vị thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các cơ quan cấp tỉnh, các cơ quan cấp huyện và 10 DN Nhà nước trong tỉnh.

1. Quá trình triển khai và thực hiện qui chế dân chủ ở Cần Thơ.

- Về triển khai và thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn:

Các phường xã đã thực hiện từ 8 - 10 việc cần thông báo đến nhân dân. Các việc chưa đưa ra để nhân dân biết là: qui hoạch và kế hoạch sử dụng đất; dự toán và quyết toán ngân sách xã; các chương trình, dự án do Nhà nước, các tổ chức và cá nhân tài trợ.

Trong 8 việc dân bàn, tham gia ý kiến, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) xã quyết  định, các địa phương thực hiện được từ 6 -7 việc. Các việc chưa thực hiện là: bàn và tham gia ý kiến về dự thảo qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự thảo qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa phương.

Thực hiện được từ 6 - 7 việc/10 việc để nhân dân giám sát, kiểm tra. Các việc chưa thực hiện là: nhân dân giám sát và kiểm tra dự toán và quyết toán ngân sách xã, thu chi các loại quỹ và lệ phí; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết  các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.

Các địa phương đã thực hiện được 5 việc/6 việc thuộc quyền nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Việc đưa ra nhân dân bàn và quyết định mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng có tác dụng tích cực.

-Về triển khai và thực hiện QCDC trong hoạt động của  cơ quan: UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và chọn 4 điểm chỉ đạo là Sở Địa chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tính đến ngày 25/4/1999, các cơ qua hành chính sự nghiệp, kể cả các cơ quan Đảng, Đoàn thể, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh đều triển khai thực hiện khá đầy đủ nội dung qui định trong Qui chế. Cùng với việc thực hiện QCDC trong cơ quan, thủ trưởng các cơ quan cũng đã thực hiện các nội dung theo qui định của Qui chế.

-  Về triển khai và thực hiện QCDC trong DN Nhà nước:  UBND tỉnh đã triển khai đến 102 DN (kể cả các doanh nghiêp Trung ương và địa phương ). Các DN Nhà nước đều tổ chức triển khai nội dung Qui chế . Trước hết  là xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC trong DN. Sau đó giới thiệu những nội dung mà tập thể công nhân và người lao động được biết; những việc thuộc quyền quyết  định của người lao động; những việc được người lao động tham gia giám sát kiểm tra.

2. Kết quả bước đầu thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết .

- Về mức độ hiểu biết chung của nhân dân về QCDC: 90% người dân được hỏi đã hiểu về QCDC. Chỉ có từ 5,78% (ở thị trấn) đến 8,95% (ở xã) còn chưa hiểu Qui chế. Tuy nhiên, số người hiểu ít về QCDC có tỉ lệ khá cao 59,21% ở xã và 60,49% ở phường.

- Về mức độ kịp thời trong cụ thể hóa QCDC: chỉ có từ 25,53% đến 32,39% ý kiến được hỏi cho rằng việc cụ thể hóa QCDC chưa đảm bảo tính kịp thời.

- Về tác động đến công tác xây dựng Đảng, đổi mới nội dung phương pháp lãnh đạo của Đảng ở cơ sở: 70,06% ý kiến ở khu vực xã được hỏi cho rằng việc thực hiện QCDC có tác động tốt đến công tác xây dựng Đảng. Con số này ở khu vực phường 62,43%. Số người cho rằng không có tác dụng chỉ chiếm từ 0,25% đến 3,48%.

- Đối với việc củng cố chính quyền ở cơ sở xã, phường, thị trấn: ý kiến đánh giá mối quan hệ gắn bó hơn giữa dân với cán bộ chiếm 62,04%. Tỉ lệ ý kiến cho rằng việc thực hiện QCDC có tác dụng tốt hơn trong bầu cử và ứng cử chiếm tỉ lệ 76,48% ở xã và 67,94% ở phường.

- Về vận dụng QCDC ở cơ sở vào nội dung hoạt động của Mặt trận và các Đoàn thể: để đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền thực hiện các qui định trong Qui chế có nhiều tiến bộ, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể có những tiêu chí cụ thể để vận động quần chúng. Nhờ đó mối quan hệ giữa Mặt trận, Đoàn thể và chính quyền gắn bó hơn. Nội dung hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể đa dạng hơn, có sức thuyết phục hơn đối với các đoàn viên, hội viên và quần chúng.

- Trong việc chống tham nhũng và tiêu cực: kết quả khảo sát cho thấy việc thực hiện QCDC ở cơ sở có tác dụng trong việc đẩy lùi tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực. Tuy vậy, tác động này chưa phát huy được nhiều, nhất là trong các vấn đề quyết  toán thu chi ngân sách, quyết toán các công trình đầu tư ở địa phương. Trả lời về tác dụng của việc thực hiện QCDC trong quản lý các công trình dự án thì chỉ có 36,11% cho rằng tốt hơn; 36,44% cho rằng như cũ và có tới 27,45% không có ý kiến đánh giá.

3. Kết quả bước đầu thực hiện QCDC ở các cơ quan. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết .- Về việc công khai thông báo cho cán bộ, công chức biết: nhóm vấn đề có tỉ lệ cán bộ, biết rất cao là: chủ trương, chính sách  của Nhà nước có liên quan đến công việc của cơ quan; kế hoạch công tác hàng năm, quý của cơ quan; nội qui, qui chế của đơn vị; Nghị Quyết của Đảng, Đoàn, Công đoàn và hoạt động của Ban Thanh tra công nhân. Tỷ lệ công chức biết từ 90,37% đến 98,75%. Nhóm vấn đề có tỉ lệ cán bộ, công chức biết cao là: báo cáo tài chính hàng năm, các khoản thu chi; xây dựng các loại quỹ; tuyển dụng, kỷ luật, khen thưởng, nâng bậc lương, đề bạt cán bộ. Nhóm vấn đề có tỉ lệ cán bộ, công chức (CB, CC) biết thấp nhất là các vụ tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan đã được kết luận (68,72%). Nhìn chung, các vấn đề theo qui  định của QCDC trong hoạt động của cơ quan cần công khai có tỉ lệ CB, CC biết cao. Như vậy, có thể nói rằng các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh đã làm tốt việc thông tin công khai cho CB, CC biết những vấn đề có liên quan đến hoạt động trong đơn vị.

- Những việc CB, CC tham gia ý kiến, thủ trưởng cơ quan quyết  định: 7/8 vấn đề được hỏi, tỉ lệ trả lời có tham gia ý kiến, bàn bạc đạt trên 80%; tỉ lệ không tham gia ý kiến chỉ chiếm từ 4,55% đến 9,09%. Riêng vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt CB, CC tỉ lệ trả lời có được tham gia chỉ đạt 70,94% , thấp nhất trong các vấn đề được hỏi. Đây là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến lợi ích vật chất, tinh thần của CB, CC nhưng lại là khâu yếu trong thực hiện Qui chế dân chủ trong cơ quan.

- Những việc cán bộ, công chức giám sát, kiểm tra: tỉ lệ trả lời có tham gia thường xuyên đạt từ 75% đến 90%. Trả lời không tham gia giám sát, kiểm tra chiếm tỉ lệ thấp (3,12% - 12,92%). Điều đáng lưu ý là việc thực hiện quyền giám sát, kiểm tra thông qua Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan chiếm tỉ lệ thấp nhất (3,81%). Đây là vấn đề đáng suy nghĩ bởi Ban Thanh tra nhân dân là cơ quan đại diện của cán bộ, công chức thực hiện quyền giám sát, kiểm tra thường xuyên nhưng trong hoạt động lại tỏ ra kém hiệu quả. Về hình thức, việc thực hiện kiểm tra, giám sát qua nhiều hình thức chiếm tỉ lệ cao nhất (68,18%).

- Kết quả thực hiện QCDC phân theo loại hình cấp hành chính (tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh): ở cả hai cấp, 7/8 vấn đề được nêu đều có tỉ lệ trả lời có tham gia góp ý đạt tương đối cao hoặc cao. Nhóm vấn đề có tỉ lệ trả lời tham gia góp ý thấp nhất là kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt CB, CC. Kết quả điều tra cho thấy, cả 8 vấn đề CB, CC tham gia bàn bạc, góp ý kiến ở cơ quan cấp tỉnh có tỉ lệ thấp hơn cơ quan cấp huyện. Nguyên nhân phải chăng là do qui mô cơ quan cấp tỉnh lớn nên việc thực hiện sinh hoạt dân chủ có diện rộng khó thực hiện hơn.

- Kết quả thực hiện QCDC phân theo loại hình chức năng cơ quan (chính quyền, đoàn thể): kết quả thực hiện QCDC trong hai khối cơ quan quản lý Nhà nước và các đoàn thể hầu như không có sự khác biệt. Trong câu trả lời “biết” tỉ lệ chênh lệch cao nhất giữa cơ quan quản lý Nhà nước và đoàn thể ở một số vấn đề chỉ khoảng 7%. Những việc CB, CC tham gia ý kiến, thủ trưởng cơ quan quyết  định; việc giám sát kiểm tra... đạt tỉ lệ cao trong cả hai loại hình cơ quan nêu trên.

- Kết quả thực hiện QCDC phân theo trình độ lý luận chính trị: về những việc CB, CC phải được biết; tham gia ý kiến, thủ trưởng cơ quan quyết  định; việc giám sát, kiểm tra kết quả điều tra cho thấy số cán bộ có trình độ lý luận cao cấp đạt tỉ lệ cao hơn. Số cán bộ có trình độ lý luận sơ cấp đạt tỉ lệ thấp trong các vấn đề: báo cáo tài chính, các khoản thu chi, đầu tư phát triển; việc xây dựng các quỹ; các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; các kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt. Về những việc CB, CC giám sát, kiểm tra... kết quả luôn tăng tỉ lệ thuận cùng với trình độ. Ở nhóm cán bộ có trình độ sơ cấp lý luận tham gia giám sát, kiểm tra... kết quả cho thấy thấp hơn hẳn so với các bộ phận cán bộ còn lại.

- Kết quả thực hiện QCDC phân theo loại hình huyện, thị xã, thành phố: kết quả điều tra cho thấy, trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố việc thực hiện QCDC trong cơ quan không có sự khác biệt nhau lớn giữa các cấp hành chính nông thôn hay đô thị.

- Về hình thức thông tin công khai đến CB, CC: hiệu quả cao nhất là thông báo cùng lúc qua nhiều hình thức (70,32%). Thứ hai là, hình thức thông báo tại hội nghị CB, CC cơ quan. Các hình thức thông tin như niêm yết tại cơ quan, thông báo bằng văn bản, qua hệ thống phát thanh nội bộ... hiệu quả thông tin đến CB, CC không đáng kể. Đáng lưu ý là hình thức đóng góp ý kiến qua thùng thư góp ý có số người sử dụng rất thấp.

3. Kết quả bước đầu thực hiện qui chế dân chủ ở DN. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết.

- Kết quả thực hiện những vấn đề được công khai để người lao động biết: 3 trong 6 việc có tỉ lệ người lao động biết cao (trên 80%) là: kế hoạch sản xuất của tổ đội; các chế độ, chính sách thôi việc, tiền lương, bảo hiểm ở DN. Đó là những vấn đề thiết thân tối thiểu đòi hỏi người lao động phải biết. Vấn đề người lao động biết đạt tỉ lệ trung bình (59,90%) là các Nghị quyết của Đảng, Đoàn, Công đoàn và hoạt động của Ban Thanh tra công nhân trong DN. Hai vấn đề lãnh đạo các DN Nhà nước thực hiện công khai tốt là báo cáo tài chính hàng năm, các khoản thu chi, đầu tư phát triển DN; xây dựng các quỹ ở DN.

- Kết quả thực hiện những vấn đề người lao động tham gia ý kiến: tỉ lệ người không tiết lộ, trao đổi bí quyết sản xuất, kinh doanh với người ngoài đạt 82,08%. Tuy vậy, tỉ lệ trả lời “có” đến 10,27% và thỉnh thoảng có trao đổi là 7,65%. Có thể nói, việc bảo vệ bí mật của các DN khá tốt nhưng cần được quan tâm hơn. Trong việc góp ý cho đơn vị, nhóm vấn đề có tỉ lệ góp ý đạt trên 50% là các vấn đề chung như tham gia ý kiến cho kế hoạch sản xuất; nội qui, qui chế, nội dung hoạt động của Đoàn, Công đoàn. Nhóm vấn đề có tỉ lệ tham gia góp ý đạt từ 40% đến 50% là đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, thỏa ước lao động... Nhóm vấn đề có tỉ lệ đóng góp ý kiến thấp là kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa, xây dựng, trích lập các nguồn vốn, hoạt động của Ban Thanh tra công nhân. Về ý thức của công nhân và người lao động trong chấp hành khi có quyết định đạt tỉ lệ cao. Có 82,99% người lao động trả lời vẫn chấp hành nghiêm túc nếu ý kiến của mình không được chấp thuận.

-Kết quả thực hiện những vấn đề người lao động quyết  định: kết quả khảo sát cho thấy có đến 2 trong 3 vấn đề (về nội dung hợp đồng lao động; các chủ trương huy động vốn, lập quỹ) có tỉ lệ người lao động tham gia biểu quyết thấp (trên dưới 30%). Việc biểu quyết thông qua nội dung thỏa ước lao động có tỉ lệ người tham gia cao hơn. Nguyên nhân là có thể do việc biểu quyết  mang tính giản đơn nội dung vấn đề mang tính chung chung; hoặc đồng thời là do cả hai nguyên nhân trên.

- Kết quả thực hiện những vấn đề người lao động thực hiện quyền giám sát, kiểm tra: nhóm vấn đề có tỉ lệ đạt trên dưới 50% bao gồm: giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện nội qui, qui chế của đơn vị; việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; việc thực hiện hợp đồng lao động. Nhóm những vấn đề có tỉ lệ dưới 40% bao gồm: giám sát việc thực hiện nghị quyết  của Đại hội công nhân viên chức; việc sử dụng các loại quỹ; kết quả việc giải quyết  tranh chấp lao động; kết quả khiếu nại, tố cáo của công nhân. Trong đó việc giám sát, kiểm tra các loại quỹ chiếm tỉ lệ thấp nhất ( 31,38%). Nhìn chung việc thực hiện quyền giám sát, kiểm tra ở DN chưa cao. Cần có nhiều hình thức cụ thể, phù hợp hơn để người lao động có thể thực hiện được quyền làm chủ này.

- Kết quả thực hiện QCDC trong đơn vị kinh doanh phân theo loại hình sản xuất: trong các DN sản xuất công nghiệp có 3 vấn đề tỉ lệ người biết rất thấp, đó là: báo cáo tài chính hàng năm, các khoản thu chi, đầu tư phát triển DN; việc xây dựng các quỹ ở DN (hai việc này rất thấp); các Nghị quyết của Đảng, Đoàn, Công đoàn và hoạt động của Ban Thanh tra công nhân. Đối với những việc người lao động tham gia ý kiến, các DN thương mại- dịch vụ có tỉ lệ cao hơn hẳn các loại hình DN khác. Ngược lại, các DN sản xuất công nghiệp lại có 9/10 vấn đề tỉ lệ tham gia ý kiến thấp hơn. Trong thực hiện quyền kiển tra, giám sát của người lao động trong các DN sản xuất nông nghiệp đạt tỉ lệ cao hơn hẳn so với các DN sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Có thể nói việc triển khai, thực hiện QCDC chưa đồng đều giữa các loại hình DN. Trên tổng thể, các DN thương mại - dịch vụ tổ chức thực hiện Qui chế có tốt hơn. Các DN sản xuất công nghiệp kém nhất.

- Kết quả thực hiện QCDC trong đơn vị kinh doanh phân theo trình độ học vấn: trong những vấn đề công khai cho người lao động biết không có sự phân biệt rõ nét giữa các nhóm có trình độ khác nhau. Số người có trình độ đại học và sau đại học có cao hơn chút ít. Trong những việc người lao động tham gia ý kiến, tỉ lệ tham gia ý kiến tăng dần theo trình độ. Đối với những việc người lao động tham gia quyết  định, giám sát, kiểm tra... trên tổng thể tỉ lệ tham gia không cao và tuy có sự khác biệt nhưng không theo nhóm trình độ học vấn mà theo từng vấn đề cụ thể.

- Kết quả thực hiện QCDC trong đơn vị kinh doanh phân theo tính chất lao động (trực tiếp và gián tiếp sản xuất): trong những vấn đề công khai để người lao động biết; giám sát, kiểm tra so với lãnh đạo DN người lao động thực hiện quyền này còn hạn chế. Tỉ lệ lãnh đạo biết các nội dung trên là rất cao. Tuy vậy, lãnh đạo DN lại ít quan tâm tới việc thực hiện nội qui, qui chế của cơ quan  so với công nhân. Trong những việc người lao động tham gia ý kiến kết quả chung là khá cao. Những việc thuộc quyền quyết định của người lao động thì người lao động tham gia biểu quyết khá thấp.

- Kết quả thực hiện QCDC trong đơn vị kinh doanh phân theo mức sống: qua khảo sát, kết quả thống kê cho thấy, tỉ lệ tham gia thực hiện QCDC giảm dần theo mức sống từ dư giả, xuống đủ và nghèo. Như vậy, rõ ràng khi mức sống càng được nâng cao lên thì người lao động càng có điều kiện tham gia vào các công việc chung của DN. Điều này chỉ ra, để thực hiện tốt QCDC trong DN cần gắn chặt việc thực hiện Qui chế với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

- Kết quả thực hiện QCDC trong đơn vị kinh doanh phân theo độ tuổi: nếu như việc biết nội qui, qui chế của DN được người lao động ở độ tuổi 18-35 và 35- 50 quan tâm nhiều hơn thì người lao động ở độ tuổi 50 trở lên lại quan tâm nhiều đến các Nghị quyết của Đảng, Đoàn, Công đoàn và hoạt động của Ban Thanh tra công nhân. Trong việc người lao động tham gia ý kiến, tỉ lệ tăng dần theo tuổi tác. Điều đáng lưu ý là ở độ tuổi này việc giữ gìn bí mật của DN lại kém hơn. Về những việc người lao động quyết định trên tổng thể tỉ lệ không cao, trong đó các độ tuổi 18-35 và 35-50 tham gia biểu quyết  trực tiếp cao hơn những người ở độ tuổi 50 trở lên.

- Hiệu quả các hình thức tham gia ý kiến đóng góp cho DN: kết quả điều tra cho thấy việc kết hợp nhiều hình thức để thu thập ý kiến vẫn có hiệu quả cao nhất (56,35%). Hình thức đóng góp qua Đại hội công nhân viên chức chiếm tỉ lệ 14,37%, xếp hàng thứ hai. Tuy nhiên, hình thức này chỉ tiến hành định kỳ hàng năm nên tác dụng đóng góp, xây dựng hiệu quả không nhiều. Hình thức góp ý thường xuyên thông qua tổ, đội chiếm tỉ lệ 12,47%. Các loại hình còn lại như qua thảo luận tổ, qua các kỳ lấy ý kiến, qua thùng thư góp ý… đều có tỉ lệ thấp.

5. Quan điểm phương hướng chung cần thực hiện để hình thành nề nếp trong thực hiện QCDC.

-Bốn phương hướng cần quan tâm để đưa việc thực hiện dân chủ thành nề nếp ở tỉnh Cần Thơ: 

 Thứ nhất là, phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội ở địa phương. Thứ hai là, dân chủ hóa đời sống xã hội song hành với nâng cao văn hóa pháp luật. Thứ ba là, vận dụng linh hoạt QCDC cho phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ sở và đặc điểm, dân tộc, dân cư, tôn giáo. Thứ tư là, đấu tranh chống lợi dụng dân chủ để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các địa phương, cơ sở.

- Tám giải pháp để đưa việc thực hiện QCDC trở thành nề nếp:

Một là, mở rộng và liên tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân trong thực hiện QCDC. Hai là, xác lập quan hệ trách nhiệm giữa các thành viên trong hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Trong đó đề cao trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở. Ba là, tăng cường chỉ đạo các cơ quan, DN Nhà nước rà soát lại việc xây dựng, ban hành và thực hiện QCDC theo tinh thần Nghị định 71, Nghị định 07 và Nghị định 79 để việc thực hiện QCDC trở thành nề nếp. Bốn là, các địa phương, các cơ sở cần cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt, sáng tạo QCDC ở xã, phường, thị trấn… Tiếp tục chỉ đạo các ấp, khu vực thực hiện Qui chế, Qui ước phù hợp với đặc điểm của cộng đồng dân cư. Năm là, tổ chức kiểm tra  định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở. Phải coi đây là khâu quan trọng để đưa việc thực hiện QCDC thành nề nếp. Sáu là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở. Có chế độ sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ trưởng ấp, trưởng khu vực trong quá trình thực hiện QCDC. Bảy là, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tăng cường cơ sở vật chất, các tụ điểm sinh hoạt cộng đồng ở các ấp, khu vực. Tăng cường mạng lưới thông tin báo đài ở cơ sở. Gắn việc thực hiện QCDC với việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tám là, xây dựng cơ chế chế tài, qui định rõ ràng việc thưởng phạt công minh, xử lý bằng pháp luật những hành vi vi phạm dân chủ hoặc lợi dụng dân chủ, nhân quyền để kích động gây rối. Xử lý kỷ luật nghiêm khắc các tổ chức Đảng, chính Quyền, đoàn thể, DN… những nơi không thực hiện Qui chế hoặc thực hiện một cách hình thức, chiếu lệ.

- Sáu kiến nghị:

Một là, đề nghị nâng QCDC lên thành Luật hoặc Pháp lệnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp lý. Hai là, qui định rõ trách nhiệm của các ban ngành, ban cán sự Đảng đoàn trong việc hướng dẫn các đơn vị xây dựng và đôn đốc việc thực hiện QCDC theo tinh thần thông báo số 304 của Bộ Chính trị. Ba là, các cơ quan chức năng cần ban hành thêm những văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể (hướng dẫn việc thực hiện Qui chế dân chủ trong vùng dân tộc, tôn giáo…). Lưu ý chống tư tưởng “phép vua thua lệ làng ”. Bốn là,  cần ban hành các qui định, chế độ hợp lý về hệ thống cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Tăng cường cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Điều chỉnh phụ cấp cho các chức danh chủ chốt của Đảng, ngành, đoàn thể, bí thư Chi bộ ấp, trưởng ấp, khu vực. Năm là, nâng cao mức kinh phí cần thiết cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở. Tăng kinh phí cần thiết cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa cộng đồng ở khu dân cư. Sáu là, các cấp từ Trung ương đến tỉnh cần tổ chức thường xuyên các diễn đàn, các hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình.

IV. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu đề tài đã làm sáng tỏ quá trình triển khai thực hiện QCDC chủ ở tỉnh Cần Thơ với nhiều thuận lợi, khó khăn và những bài học kinh nghiệm. Thông qua đề tài này, có thể hình dung một cách tổng thể những khía cạnh lý luận và thực tiễn của việc thực hiện QCDC ở cơ sở từ khi có Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị cho đến hết năm 2003. Đề tài cũng đã mô tả quá trình triển khai, thực hiện QCDC ở 3 loại hình cơ sở, nêu lên những thuận lợi, khó khăn.Với những kết quả ban đầu, những vấn đề đang đặt ra , đề tài rút ra và luận giải một số kinh nghiệm bước đầu để tiếp tục thực hiện tốt QCDC ở cơ sở.

Đề tài đã tập trung vào việc nghiên cứu kết quả điều tra xã hội học qua đó đề xuất những quan điểm, phương hướng chung cần quan tâm trong thực hiện, đặc biệt là đề xuất những giải pháp nhằm làm cho việc thực hiện QCDC trở thành nề nếp, thường xuyên ở các loại hình cơ sở ở tỉnh Cần thơ. Bốn phương hướng cơ bản và tám giải pháp chủ yếu dù chưa phải đã hoàn toàn đầy đủ song đó là những phương hướng và giải pháp bắt nguồn từ thực tế trong quá trình xây dựng và thực hiện QCDC từ năm 1998 đến hết năm 2003 trên địa bàn tỉnh Cần thơ.

Cùng với các phương hướng, giải pháp là một số kiến nghị đề xuất đến các cấp, các ngành thuộc Trung ương nhằm giúp cho các địa phương thật sự có điều kiện đưa QCDC vào trong cuộc sống. Qua đó, biến hiệu quả của việc thực hiện Qui chế dân chủ thành những động lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định về chính trị và làm tốt công tác an ninh-quốc phòng ở các địa phương.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ