Ở tuổi 34, sau những tháng ngày 'bầm dập' ở các chợ hoa tại TP.HCM, Nguyễn Hoàng Đức quay lại Đà Lạt thực hiện ấp ủ cuộc đời: xây dựng thương hiệu hoa hồng Đà Lạt.
Nguyễn Hoàng Đức bắt đầu con đường mang hoa Việt Nam đi xa ra ngoài lãnh thổ đất nước bằng việc xây dựng thương hiệu cho hoa hồng Đà Lạt - Ảnh: ĐỨC THỌ
Sau 10 năm, Nguyễn Hoàng Đức đã xây dựng được thương hiệu hoa L’amour Đà Lạt. L’amour trong tiếng Pháp có nghĩa là tình yêu.
Khởi sự cùng nông dân
Làng hoa Vạn Thành (P.5, TP Đà Lạt) - nơi Nguyễn Hoàng Đức sinh ra và lớn lên - là vùng đất 70 năm từng trải nghề hoa, nổi danh cùng hoa hồng Đà Lạt với hơn 300 hecta. Cha mẹ anh cũng là nông dân trồng hoa nên anh hiểu một phần những cơ cực và thiệt thòi của người nông dân.
Học xong đại học, Đức tìm cơ hội tại TP.HCM, từng làm giám đốc kiểm soát nông trại của một tập đoàn nước ngoài. Và Đức về Đà Lạt. "Một trong những khó khăn thời đầu khởi nghiệp, tôi nhận thấy nông dân mỗi người làm theo một cách riêng, tự cho mình chuẩn riêng chứ không có tiếng nói chung. Cuộc "chơi" buôn không có bạn, bán không có phường đã đẩy người nông dân vào thế bấp bênh" - Đức chia sẻ.
Đức nói thiên nhiên ưu ái cho hoa Đà Lạt và không nơi đâu có được cộng đồng những người nông dân trồng hoa am hiểu hơn Đà Lạt. Đức nhìn nhận độ chắc chắn trong liên kết với nông dân là câu chuyện sống còn nếu muốn khởi nghiệp từ hoa thành công.
Anh tìm về các vùng nguyên liệu ở ngoại thành Đà Lạt và các huyện lân cận như Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương... để chia sẻ mục tiêu với người nông dân và đưa ra những yêu cầu riêng đối với hoa thành phẩm tạo khác biệt, đủ sức cạnh tranh với hoa của những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sau những chia sẻ có tính gửi gắm, Hoàng Đức mang giống và phương pháp đến tận nông hộ cùng thử nghiệm và chờ cái bắt tay đồng ý liên kết.
Từ đồng ruộng đi xa
Tỉ lệ những cuộc "đàm phán" với nông dân cứ thế tăng dần để đến nay, Hoàng Đức đã liên kết 20 nông hộ. Rồi anh đi các tỉnh thành để bàn chuyện bán hoa hồng Đà Lạt.
Anh cũng tìm đến đầu mối tập kết hoa lớn nhất khu vực phía Nam là chợ hoa Hồ Thị Kỷ (TP.HCM) dựng một kiôt và bắt đầu quan sát. Tại đây, anh thấy rằng toàn bộ quy trình chuyển hàng từ vùng nguyên liệu tạo ra hao hụt khá nhiều. Một phần do những người buôn hoa không khéo trong vận chuyển dẫn đến phát sinh phế phẩm từ hoa thương phẩm chất lượng tốt. Một phần do nông dân không quen thực hiện đúng quy trình sơ chế hoa thương phẩm đúng quy cách.
Nông dân chưa quen, chưa chấp nhận làm theo quy trình nào để cho ra một bông hoa đẹp theo một tiêu chuẩn từ độ dài cành, kích cỡ. Giá trị của hoa Đà Lạt - một trong những "đặc sản" của xứ sở sương mù - vì thế mà dần trở nên nhạt đi so với hoa cùng chủng loại nhập khẩu.
"Điều đó thôi thúc mình phải xây dựng một cộng đồng những người kinh doanh có chung quan điểm, nhận thức về hoa để thúc đẩy các giá trị tốt hơn", Đức chia sẻ.
Trong liên kết, các nông hộ được cam kết thu mua với giá ổn định, thanh toán đúng hạn. Đức cũng từng bước giúp người nông dân hiểu được giá trị của việc vận hành một nông trại theo tiêu chuẩn phát triển bền vững để cho sản lượng ổn định, chất lượng ngày một cao hơn.
Anh cũng hoàn thành quy trình kiểm soát chất lượng hoa nguyên liệu quy mô lớn và cung ứng sỉ hoa cắt cành chất lượng cao với giá tương xứng cho thị trường nội địa và nhiều nước khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan...
Hiện anh có nhà xưởng sơ chế bảo quản hoa, có ba cửa hàng phân phối, có trường dạy cắm hoa và đặc biệt chia sẻ lợi nhuận cho nhiều hộ nông dân liên kết.
Để mọi người hiểu ngôn ngữ hoa
Nguyễn Hoàng Đức thường xuyên tổ chức các lớp dạy cắm hoa tươi, tìm hiểu phong cách cắm hoa thay đổi như thế nào qua từng giai đoạn lịch sử... có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan. Không chỉ nghệ nhân cắm hoa, những người kinh doanh nhỏ và nông dân cũng tham dự.
Hoàng Đức rất dụng công ở các lớp dạy cắm hoa bởi anh muốn cho mọi người hiểu về tính cách, ngôn ngữ của mỗi loài hoa. "Chỉ khi nào hiểu hết được chúng thì mới có thể biến những cây hoa thành những tác phẩm nghệ thuật thật sự" - Đức nói.
Nguyên An - M.Vinh