Kết quả tuyển chọn giống lúa thơm năng suất cao chất lượng tốt tại tỉnh Hậu Giang vụ Đông xuân 2009-2010.
Đề tài do nhóm tác giả Phạm Văn Phượng, Hứa Minh Sang và Võ Công Thành (Khoa Nông Nghiệp & SHƯD, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.
Hậu Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa gạo lớn thứ hai sau tỉnh An
Giang. Sản lượng gạo hàng năm tuy lớn nhưng chất lượng gạo chưa đạt về yêu cầu
xuất khẩu. Giống lúa Hầm Trâu (OM 596) là giống
phổ biến hiện nay chiếm hầu hết diện tích canh tác lúa của Tỉnh Hậu Giang do
tính thích nghi cao. Tuy nhiên, giống này có khuyết điểm là rất cứng cơm
(amylose >25%), nhiễm nhiều loại bệnh và đang có biểu hiện thoái hoá trên diện
rộng. Để đánh giá khả năng thích nghi với điều kiện canh tác của tỉnh Hậu Giang
đối với các giống lúa thơm chất lượng cao và phát triển các giống/dòng lúa này
trên diện rộng, nhóm tác giả đã thực hiện thí nghiệm so sánh giống tại 03 huyện
(Phụng Hiệp, Vị Thủy và Châu Thành A) của tỉnh Hậu Giang với mục tiêu chọn được
03 giống lúa thơm chất lượng cao, năng suất khá (> 6 tấn /ha), chống chịu tốt
với sâu bệnh nhằm thực hiện mục đích “xây dựng
vùng nguyên liệu lúa an toàn cho tỉnh Hậu Giang”.
Kết quả có ba giống/dòng được chọn là: MTL495, MTL 513, MTL 645 có
hàm lượng amylose thấp đến trung bình (19,92-22,98%), hàm lượng protein khá
(6,87 - 7,34%), năng suất cao (7,23-7,46 tấn/ha), chịu đựng tốt với rầy nâu và
bệnh cháy lá. Tỷ lệ gạo nguyên, tỷ lệ gạo lức, tỷ lệ gạo trắng, dạng hạt, độ trở
hồ, độ bền thể gel đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và đáp ứng thị hiếu của người tiêu
dùng.
Tạp chí Khoa học 2011:18b, Trường Đại học Cần Thơ