Tổng quan nuôi cá kèo (Pseudapocryptes elongatus, cuvier 1816) ở tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu
Đề tài được thực hiện bởi nhóm tác giả Trương Hoàng Minh và Nguyễn Thanh Phương (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm cung cấp các thông tin hữu ích về kỹ thuật và kinh tế trong nuôi cá kèo.
Cá kèo (Pseudapocryptes elongatus) là đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh
tế cao (giá bán tại chợ 100.000 đ/kg, năm 2008) và đang được nuôi ở các tỉnh
ven biển ĐBSCL, đặc biệt là hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Điều này làm tăng
tính hấp dẫn đối với người nuôi. Đề tài được thực hiện thông qua việc phỏng vấn
ngẫu nhiên 72 hộ nuôi cá kèo ở tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu từ tháng 12/2006 đến
tháng 3 năm 2007.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn giống cá kèo lệ thuộc vào tự nhiên, được
nông dân mua và thả nuôi với 2 nhóm mật độ thấp (trung bình 16,2 con/m2)
và cao (95,7 con/m2). Mùa vụ nuôi từ tháng 5 đến tháng 12. Cá được
cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp (Dollars). Năng suất cá nuôi đạt bình quân
0,8 tấn/ha ở các hộ nuôi cá với mật độ thấp và 6,4 tấn/ha ở các hộ nuôi cá với
mật độ cao. Chi phí và lợi nhuận tương ứng là 16 triệu và 17,1 triệu đồng/ha ở
nhóm hộ nuôi cá với mật độ thấp; 143,5 triệu và 211 triệu đồng/ha ở nhóm hộ cá
với nuôi mật độ cao. Cá kèo là đối tượng nuôi tiềm năng và có thể nuôi luân
canh với tôm sú ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, một thách thức lớn là
sinh sản nhân tạo cá kèo để chủ động nguồn giống cho phát triển nghề nuôi cũng
như góp phần bảo vệ nguồn lợi cá kèo tự nhiên trong tương lai.
Tạp chí Khoa học 2011:18b, Trường Đại học Cần Thơ