Thiết bị điện, điện tử: Nhiều vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng
Cuộc thanh tra diện rộng về nhóm hàng thiết bị điện, điện tử của các địa phương và sở Khoa học- Công nghệ (KH-CN) trên cả nước đã cho thấy kết quả vi phạm ở rất nhiều các mặt hàng bao gồm cả hàng sản xuất trong nước và hàng NK.
Ngày 28-12-2011, Bộ KH-CN đã tổng
kết hoạt động thanh tra chuyên đề sản phẩm thiết bị điện, điện tử năm 2011.
Cuộc thanh tra được tiến hành đồng loạt trên cả nước trong 3 tháng (8, 9 và
10-2011) với 2.265 cơ sở bị kiểm tra.
Vi phạm phổ biến
Kết quả tổng hợp từ các đoàn
thanh tra cho biết: 66,8% hành vi vi phạm thuộc về việc ghi nhãn hàng hoá.
Vi phạm phổ biến là nhãn hàng hoá ghi nội dung không đúng quy định, hàng NK
không có nhãn phụ hay nhãn phụ không ghi đủ thông tin.
Đặc biệt với hàng NK, các cơ sở sai
phạm nhiều về các quy định như thiếu ghi tên bằng tiếng Việt, ghi sai tên so
với quy định về tiêu chuẩn đã quy định, sai đại lượng đo lường, thiếu ngày sản
xuất...
Rất nhiều nhà sản xuất không công bố
tiêu chuẩn hợp quy (phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã quy định) của sản phẩm,
không lưu giữ hồ sơ về chất lượng sản phẩm theo quy định, các hành vi này chiếm
gần 30% các hành vi vi phạm.
Với khía cạnh sở hữu công nghiệp,
các vi phạm thường tinh vi, phức tạp đòi hỏi cơ quan chức năng có chuyên sâu
nghiệp vụ, trình tự xử lý cũng mang nhiều đặc thù riêng nên cuộc thanh tra này
mới phát hiện một tỷ lệ khiêm tốn trong các hành vi vi phạm (chiếm 2,2%).
Nhiều sản phẩm vi phạm vẫn "lọt
lưới"
Báo cáo tổng hợp của
các đoàn thanh tra cũng chỉ rõ những bất cập từ quy định hiện
hành và thực tế thị trường khiến nhiều sản phẩm chưa thể xử lý được. Có
nơi, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều thiết bị điện gia dụng có tính năng
tương đồng với thiết bị điện thuộc đối tượng bị thanh tra nhưng lại không
nằm trong danh mục sản phẩm thiết bị điện, điện tử đã công bố, như: chảo điện,
nồi áp suất, bếp điện, các thiết bị điện chăm sóc sức khoẻ... nên cơ quan thanh
tra không thể xử lý được dù có phát hiện sai phạm.
Để tránh phải thực hiện quy định về
hợp quy, nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh nhóm hàng này đã ghi sai nhãn hàng
hoá khiến cơ quan chức năng "bó tay" khi xử lý. Ví dụ, sản phẩm dây
lõi nhôm bọc nhựa dùng để chạy máy bơm nông nghiệp thì bị ghi nhãn là "Dây
nhôm dùng để cố định cây cảnh" hay một số sản phẩm dây điện được ghi thành
"Dây loa"...
Một số loại hàng hoá chưa được đặt
trong Danh mục sản phẩm thiết bị điện, điện tử hoặc quá trình phát triển sản
xuất đã tích hợp các tính năng nên khó xác định sản phẩm có thuộc đối
tượng bị điều chỉnh bởi quy định về tiêu chuẩn hay không.
Ví dụ: Nồi áp suất đa năng có thể nấu cơm nhưng không biết có được coi như nồi
cơm điện hay không...
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt
Thanh diễn biến của sản xuất và thị trường sản phẩm thiết bị điện, điện tử có
nhiều phức tạp, việc thanh tra đã kịp thời chỉ ra những hành vi và cách thức vi
phạm của các cơ sở, tuy nhiên việc này cần tiếp tục để các quy định về tiêu
chuẩn, chất lượng được thực hiện tốt ở thị trường nhóm sản phẩm này.
Để việc thanh tra đạt kết quả hơn,
các đoàn thanh tra nhóm sản phẩm thiết bị điện, điện tử kiến nghị Chính
phủ có quy định mức xử phạt phù hợp với hành vi vi phạm "buôn bán hàng hoá
phải công bố hợp quy mà không gắn dấu hợp quy trên sản phẩm" và hành vi
"buôn bán hàng hoá phải công bố hợp quy mà không lưu giữ hồ sơ hợp
quy". Bộ KH-CN cần xem xét bổ sung vào Danh mục thiết bị điện, điện tử
phải bảo đảm yêu cầu về an toàn và công bố hợp quy đối với các sản phẩm: chảo
điện, nồi áp suất điện, nồi điện đa năng, bếp điện, các thiết bị điện chăm sóc
sức khoẻ, quạt điện không cánh, máy sưởi điện, tông đơ điện...
Tổng hợp các kiến nghị từ quá trình
thanh tra, ông Trần Minh Dũng- Chánh thanh tra Bộ KH-CN đề nghị: "Các sở
KH-CN cần tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đầu mối sản
xuất, nhập khẩu, cung ứng thiết bị điện, điện tử không thực hiện đúng quy định
pháp luật, không gắn dấu hợp quy mà đưa dấu cho người bán hàng tự dán..."