Shark Tank: Khủng hoảng mở ra những cánh cửa mới
Tại Techfest 2020, các shark đã thảo luận những vấn đề của doanh nghiệp trong khủng hoảng. Trái với suy nghĩ thông thường, các shark cho rằng khủng hoảng là điều đáng phấn khích, đặc biệt với các startup công nghệ.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech tham quan gian trưng bày tại Techfest.
Chấp nhận thực tại để thích nghi
"Trước những thay đổi có khả năng làm đứt gãy mọi thứ thông thường, điều đầu tiên tôi thấy là chúng ta cần có là 'sự chấp nhận', ông Phạm Duy Hiếu, Phó chủ tịch Quỹ khởi nghiệp Startup Vietnam Foundation (SVF) chia sẻ. Sự chấp nhận đó khác nhau với từng doanh nghiệp, ví dụ có những công ty mới chỉ chấp nhận ở mức dè dặt, nghe ngóng liệu đại dịch có qua đi để trở lại như cũ nhưng cũng có những công ty sẵn sàng chào đón nó với một tâm thế phấn khích.
Vậy các startup Việt Nam nhìn nhận điều đó như thế nào? “Khi Covid-19 đến, điều chúng tôi thấy là phải thay đổi.” Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình bộc lộ. “Thông thường, startup chỉ ‘có cửa’ ở các thị trường biên mới mẻ, chưa ai làm hoặc chỉ đến trong các điều kiện đặc biệt, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra. Chính vì vậy, trong những giai đoạn như thế này, startup Việt rất dễ có cơ hội tìm ra các nguồn kinh doanh mới”.
Những câu chuyện thành công trên nền khủng hoảng không phải bây giờ mới có. Trong “lược sử” phát triển của giới khởi nghiệp quốc tế, nhiều startup đình đám như Uber, Airbnb hay Whatsapp đã ra đời từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Họ đã giải quyết những vấn đề mà cách tiếp cận thông thường lúc đó không còn hiệu quả, chẳng hạn như chia sẻ tài nguyên và nguồn lực. Và nay cũng theo cách đó, trong khủng hoảng Covid-19, các ứng dụng về liên lạc, làm việc từ xa, vận tải, chẩn đoán bệnh, giáo dục trực tuyến, ngân hàng, thương mại điện tử, giải trí, game và streaming đều tăng trưởng.
Những con đường mới
Khủng hoảng lần này đặc biệt tạo cơ hội cho giới công nghệ về một thị trường số hóa rộng lớn, vốn được shark Bình tóm gọn lại trong một câu minh họa – “Một năm Covid-19 có thể bằng 10 năm tuyên truyền về chuyển đổi số trước đây”. Hơn một thập kỷ trước, startup ví điện tử đầu tiên ở Việt Nam đã xuất hiện nhưng thu hút lượng người dùng khiêm tốn. Giờ đây, số lượng ví điện tử đã gần 35 và lượng tài khoản đăng ký lên tới 1/6 dân số. Thời kì giãn cách và hạn chế tiếp xúc khiến người dân nhanh chóng chuyển sang nhiều hình thức mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhận định này quả là có cơ sở bởi theo một nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Cisco, trong năm 2020, có 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường. Đây là một bước nhảy vọt so với con số 32% của năm ngoái. Trước nhu cầu đột biến của các doanh nghiệp nhỏ đang muốn chuyển mình trong lộ trình số hóa, một loạt startup và công ty cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp đã nắm cơ hội mở rộng thị phần, nổi bật như 1Office, Base hay akaBot. “Khi khách hàng và thị trường đã thay đổi, doanh nghiệp không còn có thể giữ những mô hình truyền thống, những phương thức tiếp cận hay sản phẩm, dịch vụ cũ. Chỉ có đổi mới, các công ty mới có thể đáp ứng được sự thay đổi. Và để thành công trong sự đổi mới, ta cần linh hoạt”, bà Nguyễn Bảo Linh - thành viên sáng lập tập đoàn One Mount Group và là cựu Phó tổng Giám đốc Gojek Vietnam nhấn mạnh.
Chính những đổi mới trong tư duy đó khiến giới khởi nghiệp buộc phải nghĩ khác đi. Chẳng hạn, với lĩnh vực y tế - một trong số ít lĩnh vực ở Việt Nam có thể tạo ra các startup kỳ lân nhưng do quy định khắt khe của các cơ quan quản lý và thói quen khám chữa bệnh của người Việt Nam, trước đây các công ty công nghệ chủ yếu định vị mình là nền tảng kết nối các cơ sở y tế, bác sĩ trên cả nước, thực hiện các dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến hay đặt lịch hẹn khám. Tuy nhiên gần đây, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, họ đã thích ứng bằng việc mở rộng dịch vụ mới như xét nghiệm tại nhà hoặc quản lý dữ liệu y tế, chạm tay vào thị trường dịch vụ khám chữa bệnh ước tính trên 7 tỉ USD/năm ở Việt Nam.
Nhắc đến sự thay đổi này, các shark cho rằng, chấp nhận và điều chỉnh trong tư duy vẫn còn chưa đủ. Để đến với những con đường mới, cần tư duy thứ ba là sự chủ động. Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CENGroup, chủ động là tư duy quan trọng nhất và duy nhất xét trong mọi bối cảnh kinh tế xã hội. Ông dẫn chứng bằng việc trong cuộc khủng hoảng Covid-19, ban lãnh đạo công ty của mình đã lập ra hàng chục kế hoạch để chuẩn bị cho từng kịch bản khác nhau khi dịch bệnh chấm dứt vào tháng 6, 9, 12 hay khi kéo dài 1-3 năm. Điều này khiến công ty trải qua mấy lần bùng phát trong nước nhưng “chưa phải đóng cửa vì bất kì lý do gì, dù có thể cho nghỉ luân phiên hay cắt giảm lương một chút”, shark Hưng bộc bạch.
Cũng như với doanh nghiệp lớn, các startup nhỏ luôn phải xem xét sức chịu đựng của mình và có phương án chuẩn bị thích đáng. “Cơ hội chỉ đến với người có chuẩn bị”, lời khuyên này đã được không ít nhà tư vấn tài chính liên tục cảnh báo cho các founder trên thế giới – rằng bất kì lúc nào họ cũng luôn phải dự trữ và tối ưu hóa được dòng tiền để vận hành công ty trong ít nhất 12-18 tháng mà không cần tìm thêm trợ giúp bên ngoài. Khi dịch bệnh chưa rõ ràng về giai đoạn đỉnh điểm và thời gian kết thúc, các chuyên gia cho biết việc chủ động dòng tiền đảm bảo hoạt động cơ cấu tổ chức sẽ là bài toán quan trọng trong duy trì sự tồn tại và tạo sản phẩm phục vụ khách hàng.
Là một quốc gia thành công trong việc khống chế dịch bệnh từ sớm, khởi nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để bắt kịp với thế giới. “Khi một thứ đột biến gây phá vỡ tất cả như vậy xảy ra, thế giới sẽ giống như ván bài chia lại. Ở cùng vạch xuất phát, cơ hội dành cho tất cả mọi người. Đó là điều tôi thấy rất hứng thú,” ông Hiếu kết luận.
Ngô Hà