SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của Chlorine đến sự hình thành hợp chất Chloramine và Methemoglobine trong máu cá rô phi (Oreochromis niloticus)

[31/12/2011 14:05]

Đề tài do nhóm tác giả Trần Cẩm Tú, Trương Quốc Phú và Đỗ Thị Thanh Hương (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm đánh giá khả năng hình thành hợp chất chloramine và xác định độ độc của chlorine lên cá rô phi giống (trọng lượng 8-12 g/con, chiều dài 8-10 cm/con).

Chlorine là hóa chất xử lý nước được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hợp lý sẽ gây lãng phí và nguy hiểm đến sức khỏe cá, tôm. Khi môi trường có nhiều chất hữu cơ gốc amine, chlorine sẽ phản ứng để tạo thành hợp chất chloramine khá bền và độc đối với tôm, cá.

Nồng độ gây độc cấp tính (LC50-96 giờ) của chlorine đối với cá rô phi (Oreochromis niloticus) là 0,7 mg Cl/L tương đương với 2,17 mg/L (Ca(OCl)2 - 65% hoạt chất). Hàm lượng chlorine tự do và các hợp chất chloramine sinh ra tăng theo nồng độ chlorine xử lý và giảm theo thời gian, trong đó monochloramine hình thành là chủ yếu. Ngay sau khi xử lý chlorine, phản ứng chủ yếu hình thành chlorine tự do, hàm lượng monochloramine đạt giá trị cao nhất sau 6 giờ xử lý chlorine, dichloramine sinh ra nhiều nhất sau 72 giờ và sau 24 giờ trichloramine chủ yếu tạo thành. Nồng độ xử lý chlorine càng cao thì nồng độ methemoglobine trong máu cá càng tăng và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với đối chứng.

Tạp chí Khoa học 2011:18b, Trường Đại học Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ