Nâng cao năng suất lao động – giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021
Việc tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, kết quả GDP năm 2020 của nước ta ước tính tăng 2,91%, đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Nâng cao năng suất lao động là một trong những giải pháp hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021. Ảnh minh họa.
Nhiều ngành nghề là “điểm sáng” kinh tế năm 2021
Theo dự báo, kinh tế thế giới năm 2021 tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại do những khó khăn, thách thức ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, với các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả đã tạo được lòng tin của người dân và bạn bè quốc tế. Vì vậy, dự báo một số ngành nghề của nước ta vẫn tin tưởng có được mức tăng trưởng tốt trong năm 2021, có thể kể đến như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện điện tử với việc mở rộng quy mô sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngành xây dựng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020, với các dự án đường cao tốc đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2021. Tận dụng được được lợi thế từ hiệp định EVFTA, hoạt động xuất khẩu sang EU sẽ có nhiều khởi sắc với các mặt hàng nông thủy sản quan trọng như tôm, trái cây, cà phê… cùng với các mặt hàng chủ lực hàng dệt may và giày dép. Phát huy kết quả đạt được, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục là điểm sáng trong đóng góp vào tăng trưởng của nước ta.
Với quy mô dân số gần 97,6 triệu người và bằng các chính sách kích cầu đa dạng thì ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm cũng sẽ là điểm sáng của năm 2021. Ngoài ra, theo báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020 do Brand Finance công bố, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2020 tăng 29% (nhanh nhất thế giới), đạt mức 319 tỷ USD. Xếp hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ thứ hạng 42 năm 2019 lên thứ hạng 33 năm 2020, theo đó hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài sẽ khởi sắc trong những năm tới.
Tập trung nâng cao năng suất lao động
Ngày 11/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 124/2020/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; trong đó nêu rõ tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 6%. Năm 2021 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - hội giai đoạn 2021-2025, do đó, việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế do Quốc hội đề ra có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương: “Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, tôi cho rằng cùng với việc giữ ổn định môi trường phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tạo nền tảng quan trọng cho phát triển, trước tiên, Chính phủ cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, bà Hương nói.
Đồng thời, Chính phủ cần ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam; đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần xây dựng định hướng cụ thể về thị trường đầu ra trên cơ sở đẩy mạnh mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm nông sản sạch theo các hợp đồng bao tiêu ổn định và có tính pháp lý cao là yếu tố quan trọng bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp đứng vững…