Startup gọi vốn từ tổ chức phát triển: Lợi cả đôi đường
Chưa có số lượng đông đảo nhưng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với trách nhiệm xã hội và nhận sự hỗ trợ của các tổ chức phát triển đã làm đa dạng và gia tăng cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Jupviec.vn cùng với CARE International đã giúp đỡ cho hơn 3000 phụ nữ tìm được công việc giúp việc theo giờ. Ảnh: Jupviec.vn
“Khi tìm đến Jupviec.vn, chúng tôi nhận thấy chính họ cũng không hay biết rằng mình là một startup tạo tác động xã hội mà chỉ nghĩ đơn thuần đang triển khai một mô hình kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận như Grab, Uber…” – bà Hà Thị Quỳnh Nga - Trưởng bộ phận đối tác chiến lược Care International tại Việt Nam nói. Tổ chức nhân đạo thế giới chống đói nghèo toàn cầu và cứu trợ khẩn cấp với mục tiêu dài hạn ở Việt Nam là giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số và Nhóm dân số dễ bị tổn thương ở đô thị - bắt đầu câu chuyện về Jupviec.vn - một bằng chứng cho sự thành công khi tổ chức phát triển hợp tác với startup tại Hội thảo “Thu hút nguồn lực từ các tổ chức phát triển hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Văn phòng Đề án 844 tổ chức hôm 23/12.
Jupviec.vn cung cấp một nền tảng để những người phụ nữ di cư từ nông thôn lên các thành phố lớn có thể kết nối với các gia đình có nhu cầu về giúp việc theo giờ. Trong vòng hai năm triển khai, Jupviec.vn kết nối được với hơn 3000 lao động. Con số này càng có ý nghĩa hơn khi đặt trong bối cảnh, trước đó, Care International đã dành nhiều nguồn lực trong 5 năm liền để hỗ trợ những trường hợp tương tự nhưng chưa thực sự thành công và được chỉ dừng lại ở việc kết nối hơn 100 người.
Chưa dừng lại ở đó, CARE tiếp tục kết nối với một ngân hàng để liên kết giữa ứng dụng Jupviec.vn với ví điện tử để thông qua đó, những người phụ nữ nông thôn có thể tiếp cận được với các dịch vụ tài chính chính thống từ ngân hàng như nhận lương từ chủ nhà, nạp thẻ điện thoại, gửi tiền về quê, gửi tiết kiệm…
Trong thời gian tới, Đề án 844 sẽ hướng đến hình thành mạng lưới các tổ chức phát triển (INGO/ NGO) trong VIEN - Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Dù hướng đến nhóm đối tượng hỗ trợ rất khó tiếp cận vì họ tản mát, trình độ học vấn không cao, nhưng nhờ CARE mà Jupviec.vn và Ví Việt – cổng thanh toán trực tuyến của ngân hàng Liên Việt Postbank - có được cái nhìn đầy đủ về hàng chục nghìn lao động để tiếp cận sự phản hồi của người lao động và có những điều chỉnh về giao diện cũng như chính sách cho hợp lý.
Nhận hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế
Tuy chưa nhiều nhưng những mô hình kiểu Jupviec.vn đã xuất hiện trong làng khởi nghiệp Việt Nam. Nó gợi mở về một xu hướng khởi nghiệp mới ở Việt Nam là vừa dựa vào lợi thế công nghệ, vừa tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng. Một số startup Việt Nam đã bắt đầu nghiêm túc coi đây là một hướng đi mới cho quá trình gọi vốn dù rằng cũng có không ít khó khăn so với khởi nghiệp sáng tạo thông thường.
Rất may trong quá trình này, họ đã nhận được sự tiếp sức của các tổ chức quốc tế. Đó là câu chuyện của startup Hekate với UNDP thông qua sản phẩm chatbot 1022. Bà Nguyễn Thị Trâm Anh – Giám đốc điều hành Hekate cho biết, năm 2017 sau khi triển khai thành công chatbot du lịch tại Đà Nẵng, startup này đã nhận được đề nghị hợp tác từ UNDP để tạo ra một sản phẩm phục vụ cộng đồng. Một năm sau, Chatbot 1022 đã ra đời và hoạt động trên nền tảng mạng xã hội facebook qua nhắn tin Messenger, có thể tự động trả lời tất cả những yêu cầu, câu hỏi, phản hồi của người sử dụng về các lĩnh vực: Thủ tục hành chính (tra cứu kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính); tư vấn lộ trình các tuyến xe buýt…thông tin các cơ sở tiêm chủng, phòng khám, nhà thuốc; tra cứu cơ sở kinh doanh đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; tra cứu lịch sự kiện, thời tiết, địa điểm tham quan, giấy phép hoạt động xe du lịch, nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí, không chỉ dừng lại ở đây, người dân có thể đặt hẹn giờ khám bệnh, tiêm chủng, làm thủ tục hành chính qua chatbot 1022. Với khả năng nhận được 40 nghìn tin nhắn đến và trả lời cùng một lúc, Chatbot giúp người dân Đà Nẵng thoải mái, tiện dụng hơn khi giao tiếp với chính quyền.
“Khi khởi nghiệp, startup nào cũng nghĩ đến việc tìm kiếm nguồn vốn và sự giúp đỡ từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần và chưa bao giờ nghĩ rằng các tổ chức NGO có thể hỗ trợ. Đến khi UNDP xuất hiện, chúng tôi mới biết rằng, các tổ chức phát triển hoàn toàn có thể hỗ trợ cả về tài chính lẫn các nguồn lực khác để tăng trưởng nhanh” – đại diện Hekate thừa nhận.
Thực tế không chỉ hỗ trợ về tài chính, UNDP cùng uy tín và kinh nghiệm đã mang lại cho Hekate nhiều hơn thế, nhất là những hiểu biết đúng đắn về tâm lý của người dân, chính quyền để có cách tiếp cận chính xác trong việc xây dựng sản phẩm và trở thành một trong 12 sản phẩm lọt vào vòng chung kết GO SMART Award 2020 của Tổ chức toàn cầu của các thành phố thông minh.
Sự hỗ trợ từ bên ngoài như vậy cũng xuất phát từ mục tiêu của các tổ chức quốc tế. Bà Phan Hoàng Lan - Trưởng phòng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Tổ chức UNDP Việt Nam, chia sẻ quan điểm về vấn đề này: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động như cuộc thi hay tổ chức chương trình ươm tạo cho các ý tưởng tạo tác động xã hội có thể kinh doanh, tạo lợi nhuận. Tuy nhiên, lựa chọn một startup biến họ trở thành đối tác của mình và giải quyết một vấn đề xã hội là điều chúng tôi chưa từng nghĩ tới” – bà Phan Hoàng Lan nói và lý giải nguyên nhân là do “mục tiêu của hai tổ chức này khác nhau, nếu như tổ chức phát triển quan tâm tới việc tạo tác động xã hội thì startup lại đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu”.
Mặt khác, thông qua hỗ trợ các startup như vậy, các tổ chức quốc tế cũng học hỏi được rất nhiều điều. “Các doanh nghiệp khởi nghiệp rất sáng tạo và họ mang đến những giải pháp mà chúng tôi chưa từng nghĩ đến. Chúng tôi học hỏi được nhiều từ startup trong việc xử lý các vấn đề và ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong các bài toán của mình” – bà Hà Thị Quỳnh Nga nói và tin rằng, nếu không sử dụng công nghệ, những tổ chức như CARE khó có thể tiếp cận được với những người phụ nữ từ nông thôn ra thành phố ở quy mô lớn trong thời gian ngắn như cách Jupviec.vn đã làm được.
Vấn đề nảy sinh từ sự khác biệt
Dù có những nhiều trường hợp thành công nhưng một sự thật không thể phủ nhận là tổ chức phát triển cũng như startup vẫn có những điểm khác biệt. Điều này khiến cả hai bên vẫn luôn tự hỏi rằng, khoảng cách giữa họ là những gì? Đại diện của CARE cho biết, sự lệch pha đầu tiên bắt đầu bằng những sai khác trong quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, dù đầu tư một phần nhưng tổ chức phát triển thường yêu cầu quyền đồng sở hữu trí tuệ sản phẩm của startup. “Cả startup chỉ có một sản phẩm và cần dùng để gọi vốn nhiều lần, trong khi NGO chỉ đầu tư một phần nên đòi hỏi này có thể gây ra nhiều rắc rối khi thương thảo” – bà Hà Thị Quỳnh Nga nói.
Không chỉ vậy, do văn hóa và quy mô khác nhau nên việc đứng trước những thay đổi, phản ứng của cả hai bên cũng rất khác. Với quy mô nhỏ gọn và tư duy luôn đổi mới, startup rất linh hoạt trước mọi hoàn cảnh trong khi NGO do có sự ràng buộc với nhà tài trợ phức tạp hơn nên để thay đổi cần nhiều thời gian hơn.
Để dung hòa những khác biệt đó, theo kinh nghiệm mà CSIP có được trong nhiều năm qua, bà Phạm Kiều Oanh cho rằng, các startup cần phải thực sự hiểu rõ về đối tượng mình đang hướng tới và mô hình kinh doanh cũng như sản phẩm mình đang xây dựng khi trình bày với tổ chức phát triển. Ở thời điểm hiện tại, các tổ chức phát triển đang rất cần những mô hình sáng tạo như startup và sẵn sàng đầu tư, “nhưng cũng đừng coi đó chỉ là việc gọi vốn mà hãy tìm kiếm một giá trị chung” – bà Oanh nhắn nhủ, bởi chỉ khi có chung tầm nhìn và sứ mệnh mới có thể đi cùng nhau lâu dài.
Trong khi đó, với việc thực hiện phỏng vấn hơn 180 chuyên gia đến từ các tổ chức phát triển và startup, bà Charlotte Reypens – Chuyên gia nghiên cứu cấp cao về khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh tại Nesta, Anh Quốc cho biết, cả người lãnh đạo tổ chức phát triển và startup đều cần phải có những sự chuẩn bị cho riêng mình. Trong đó, người lãnh đạo các tổ chức phát triển cần phải hiểu rõ về vai trò của startup trong việc thực hiện chiến lược của tổ chức mình đặc biệt là chiến lược đổi mới sáng tạo. Nghĩa là,’startup này có thể góp phần như thế nào cho sự phát triển của chiến lược này’- bà Chartlotte nói và không quên nhắc rằng “ngay cả trên thế giới sự hợp tác này cũng còn là điều mới mẻ, thế nên hãy cứ thử nghiệm để tìm ra cách kết hợp tốt nhất.
Trong khi đó, phía startup cần chuẩn bị kỹ trong mọi tình huống bởi vì các tổ chức phát triển rất khác so với các công ty lớn. Bà Chartlotte nhắc nhở: “Trước khi hợp tác startup cần phải hiểu các tổ chức phát triển làm việc thế nào, nhiệm vụ sứ mệnh, điểm chung giữa nhiệm vụ của tổ chức đó và startup”. Quan trọng hơn phải kết nối và xác định ai là người ra quyết định trong tổ chức để trao đổi hoặc xin lời khuyên trong trường hợp quan trọng.
Tôi và quỹ đầu tư khởi nghiệp Viet Accelerator luôn sẵn sàng đầu tư vào những startup tạo tác động xã hội. Bởi chúng tôi tin rằng, mọi giá trị xuất phát từ cộng đồng sẽ lan tỏa và tạo ra một thế hệ người ‘hâm mộ trung thành”.
Các doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên hàng đầu thường đi tắt theo một mô hình đã được chứng minh sự thành công trước đó, nên bị hạn chế trong ý tưởng kinh doanh và không bền vững trong việc duy trì một tập khách hàng trung thành, do khách hàng luôn thích những thứ mới mẻ.
Đặt trong bối cảnh Covid-19, các impact startup có thể biến thách thức thành cơ hội để phát triển các dịch vụ dành cho nhóm dễ bị tổn thương như lao động di cư, người vô gia cư và trẻ em đường phố, người già neo đơn, người mắc trọng bệnh, người khuyết tật hay người dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em gái… Đây là những nhóm đối tượng phát sinh nhiều nhu cầu hơn ai hết trong đại dịch, và việc cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nhóm đối tượng này sẽ dễ chứng minh được sự bền vững và tính hiệu quả với các nhà đầu tư thiên thần.
Phạm Nhật Nga - CEO, Công ty Tư vấn Giải pháp Sáng tạo
Bích Ngọc